24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sói Già Vndirect Pro
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường bán lẻ dược phẩm – Còn dư địa tăng trưởng trong trung hạn nhưng cần lưu ý rủi ro

Các nhà thuốc đóng vai trò là một kênh quan trọng không thể thay thế trong phân phối không chỉ thuốc mà còn các sản phẩm khác (thực phẩm chức năng, các mặt hàng mỹ phẩm, FMCG…) đến tay người tiêu dùng cuối.

Theo IQVIA, doanh thu dược phẩm kênh bán lẻ đạt 125.203 tỷ vào năm 2023, tăng trưởng với tốc độ trung bình 13,0%/năm trong giai đoạn 2018-2023. Theo dự phóng của IQVIA và của chúng tôi, doanh thu kênh bán lẻ sẽ đạt 186.390 tỷ, tăng trưởng trung bình ở mức 8,3%/năm cho tới 2028. Kênh bán lẻ được dự phóng sẽ giảm thị phần trong tổng thị trường dược phẩm do tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế (BHYT) tiếp tục gia tăng theo định hướng của Chính phủ và sự cải thiện về cơ sở vật chất của cả bệnh viện công và bệnh viện tư.

Long Châu hiện là chuỗi bán lẻ dược phẩm duy nhất trên thị trường đã có lợi nhuận dương từ năm 2021, đồng thời đang dẫn đầu về số lượng nhà thuốc.

Chúng tôi lưu ý một rủi ro trọng yếu có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường bán lẻ dược phẩm theo mô hình hiện tại là thói quen mua thuốc kê toa không theo đơn bác sĩ phổ biến tại các nhà thuốc tại Việt Nam. Quy định đã có là khá rõ ràng về việc nghiêm cấm hành vi bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc. Khi quy định này được thực hiện chặt chẽ (mà theo chúng tôi sẽ xảy ra trong tương lai như hầu hết các nước đã phát triển đều làm), sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh hiện tại của các nhà bán lẻ thuốc.

Chuỗi cung ứng ngành dược phẩm: vai trò quan trọng của các nhà bán lẻ dược phẩm

Có hai nguồn cung cấp dược phẩm tại Việt Nam: 1) thuốc được sản xuất bởi các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước; và 2) thuốc ngoại nhập. Có ba kênh chính để thuốc đến tay người dùng cuối: nhà thuốc, bệnh viện và phòng khám (Hình 1).

Thuốc được sản xuất bởi các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước (luồng màu cam trên Hình 1) có thể đi qua các công ty phân phối, chợ thuốc sỉ (phần nhỏ) hoặc được đưa trực tiếp đến ba kênh bán hàng (như đã nêu ở trên) trước khi đến tay người tiêu dùng.

Thuốc ngoại nhập, theo quy định của Thông tư 34/2013/TT-BCT, (luồng màu vàng trên Hình 1) phải được phân phối qua công ty phân phối (ngoại trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), sau đó các công ty phân phối này đưa thuốc đến ba kênh bán hàng (như đã nêu ở trên).

Thị trường bán lẻ dược phẩm – Còn dư địa tăng trưởng trong trung hạn nhưng cần lưu ý rủi ro

Theo đó, các nhà thuốc đóng vai trò là một kênh quan trọng trong phân phối không chỉ thuốc mà còn các sản phẩm khác (như thực phẩm chức năng, các mặt hàng mỹ phẩm, FMCG…) đến tay người tiêu dùng cuối. Thêm vào đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất dược đối với các sản phẩm được phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua nhà thuốc (thay vì đi qua trung gian phân phối) là cao hơn, khiến cho vai trò của kênh này là không thể thay thế.

Thị trường bán lẻ dược phẩm tăng trưởng trung bình 8,3%/năm tới 2028

Theo IQVIA, doanh thu tổng thị trường dược phẩm đạt 198.930 tỷ năm 2023, tăng trưởng với tốc độ trung bình 10,5%/năm trong giai đoạn 2018-2023 (Hình 2). Trong khi đó, doanh thu dược phẩm kênh bán lẻ đạt 125.203 tỷ vào năm 2023, tăng trưởng nhanh hơn với tốc độ trung bình 13,0%/năm trong cùng kỳ. Như vậy, thị phần của kênh bán lẻ đã gia tăng, từ mức 55,0% năm 2017 lên 62,9% năm 2023.

Chi tiêu cho dược phẩm kênh bán lẻ/thu nhập khả dụng có sự tăng trưởng đột phá trong hai năm 2021 và 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với quy định hạn chế việc đi lại và người dân lo ngại nguy cơ lây nhiễm nên giới hạn việc khám bệnh tại bệnh viện (Hình 3). Sau khi những hạn chế đi lại được dỡ bỏ và tình hình dịch Covid-19 đã được khống chế, người dân tiếp tục duy trì thói quen mua dược phẩm tại các nhà thuốc với ý thức về phòng bệnh và chữa bệnh được nâng cao. Trong năm 2023, chi tiêu cho dược phẩm kênh bán lẻ/thu nhập khả dụng tiếp tục được giữ ở mức cao.

Đối với kênh bán lẻ, hiện có khoảng 50.000 nhà thuốc. Trong đó, nhà thuốc nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số thị trường, với khoảng 85% thị phần. Tuy nhiên, các chuỗi nhà thuốc đang không ngừng mở rộng quy mô (Hình 5).

Theo dự phóng của IQVIA và của chúng tôi, doanh thu thị trường dược phẩm nói chung và kênh bán lẻ nói riêng sẽ lần lượt đạt 316.747 tỷ và 186.390 tỷ, tăng trưởng trung bình ở mức 9,7%/năm và 8,3%/năm cho tới 2028 (Hình 2). Kênh bán lẻ được dự phóng sẽ giảm thị phần trong tổng thị trường dược phẩm trong giai đoạn 2024-2028 do sự trỗi dậy của kênh bệnh viện được hỗ trợ bởi tỷ lệ bao phủ của BHYT tiếp tục gia tăng theo định hướng của Chính phủ và sự cải thiện về cơ sở vật chất của cả bệnh viện công và bệnh viện tư. Tuy giảm thị phần, kênh bán lẻ vẫn tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là về số lượng, được thúc đẩy bởi sự mở rộng của các chuỗi bán lẻ dược phẩm, các công nghệ kỹ thuật số trong lĩnh vực sức khỏe và chẩn đoán từ xa và sự gia tăng nhận thức về sức khỏe sau đại dịch.
Thị trường bán lẻ dược phẩm – Còn dư địa tăng trưởng trong trung hạn nhưng cần lưu ý rủi ro

Hành vi tiêu dùng của người Việt Nam hỗ trợ cho sự phát triển của Long Châu

Chúng tôi nhận thấy các hành vi tiêu dùng dược phẩm đặc trưng như sau của người Việt Nam:

Nhu cầu thuốc chữa bệnh vẫn cao hơn phòng bệnh, mặc dù nhu cầu cho phòng bệnh đã gia tăng.

Người tiêu dùng đến nhà thuốc chủ yếu để mua thuốc hơn là các sản phẩm khác. Đối với các sản phẩm FMCG, mỹ phẩm, người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các chuỗi tiện lợi như Guardian, Watsons, Medicare…

Thói quen đi đến các nhà thuốc thay vì đến bệnh viện hoặc các cơ sở khám chữa bệnh khi bị những triệu chứng nhẹ vẫn chiếm ưu thế, bởi sự tiện lợi và nhanh chóng.

Chuỗi bán lẻ thuốc Long Châu, đã tỏ ra thông hiểu thị trường bản địa, ngay từ đầu đã luôn duy trì tỷ lệ thuốc tại các nhà thuốc của mình vào khoảng 60%-70%. Đồng thời, điểm mạnh của Long Châu là khả năng áp dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động nhờ lợi thế công ty liên quan là CTCP FPT – công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam. Long Châu đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), machine learning (máy học), big data (dữ liệu lớn), và robot mạng (BOT) vào công việc chăm sóc khách hàng (hiểu rõ và dự báo nhu cầu thuốc của khách hàng với nguồn dữ liệu khách hàng lớn, giám sát và đảm bảo khách hàng tuân thủ phác đồ điều trị, hỗ trợ nhận dạng thông tin từ đơn thuốc, giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình mua thuốc), quản lý hàng tồn kho (đảm bảo luôn có sẵn thuốc theo nhu cầu của khách hàng), tối ưu hóa quy trình vận hành, đào tạo dược sĩ qua các khóa học trực tuyến. Ngoài ra, Long Châu còn được hỗ trợ bởi kinh nghiệm bán lẻ từ FRT – công ty mẹ, một nhà bán lẻ có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường. Mặt khác, Long Châu, với lợi thế về quy mô, có thể có được nguồn cung cấp với giá chiết khấu hoặc được hưởng mức hoa hồng cao hơn từ các nhà cung cấp.

Long Châu hiện là chuỗi bán lẻ dược phẩm duy nhất trên thị trường đã có lợi nhuận dương từ năm 2021, đồng thời dẫn đầu về số lượng nhà thuốc. Tại ngày 17/9/2024, Long Châu có 1.796 nhà thuốc. Trong năm 2023, tổng doanh thu đạt 31.850 tỷ, tăng trưởng trung bình 15,8%/năm giai đoạn 2019-2023.

Rủi ro chính sách đối với hoạt động kinh doanh của các nhà thuốc bán lẻ

Trong trung và dài hạn, chúng tôi muốn lưu ý một rủi ro trọng yếu có ảnh hưởng lớn đến thị trường bán lẻ dược phẩm là thói quen mua thuốc kê toa không theo đơn bác sĩ phổ biến tại các nhà thuốc tại Việt Nam.

Tại Điều 6, Khoản 5, mục h của Luật Dược 2016 (có hiệu lực từ 1/1/2017) có quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh dược, trong đó có hành vi bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc.

Theo thông tư 02/2018/TT-BYT về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, phần Phụ lục I - 1a, Phần II, Điều 4, mục b (có hiệu lực từ 8/3/2018) quy định về Hồ sơ, sổ sách và tài liệu chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có nội dung đáng lưu ý sau:

Đối với thuốc kê đơn phải thêm số hiệu đơn thuốc, người kê đơn và cơ sở hành nghề.

Điều này đồng nghĩa với việc tất cả mỗi liều thuốc kê đơn (kháng sinh, tim mạch, tiểu đường, hướng thần...) mà nhà thuốc bán ra đều phải có đơn thuốc đối chứng đi kèm thông tin về số hiệu đơn thuốc, người kê đơn và cơ sở hành nghề khám chữa bệnh kê đơn thuốc.

Cũng theo Thông tư 02/2018/TT-BYT về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (Phụ lục I - 1a, Phần III, Điều 2, mục c) có quy định cụ thể về việc bán thuốc theo đơn, thuốc độc, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc như sau:

Khi bán các thuốc theo đơn phải có sự tham gia trực tiếp người bán lẻ có trình độ chuyên môn phù hợp và tuân thủ theo các quy định, quy chế hiện hành của Bộ Y tế về bán thuốc kê đơn.

Người bán lẻ phải bán theo đúng đơn thuốc. Trường hợp phát hiện đơn thuốc không rõ ràng về tên thuốc, nồng độ, hàm lượng, số lượng, hoặc có sai phạm về pháp lý, chuyên môn hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, người bán lẻ phải thông báo lại cho người kê đơn biết.

Người bán lẻ giải thích rõ cho người mua và có quyền từ chối bán thuốc theo đơn trong các trường hợp đơn thuốc không hợp lệ, đơn thuốc có sai sót hoặc nghi vấn, đơn thuốc kê không nhằm mục đích chữa bệnh.

Người có Bằng dược sỹ được thay thế thuốc đã kê trong đơn thuốc bằng một thuốc khác có cùng hoạt chất, đường dùng, liều lượng khi có sự đồng ý của người mua và phải chịu trách nhiệm về việc thay đổi thuốc.

Người bán lẻ hướng dẫn người mua về cách sử dụng thuốc, nhắc nhở người mua thực hiện đúng đơn thuốc.

Sau khi bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất người bán lẻ phải vào sổ, lưu đơn thuốc bản chính.

Theo quy định này, người bán thuốc tại nhà thuốc có nghĩa vụ phải từ chối bán thuốc kê đơn cho khách hàng nếu không có toa bác sĩ đi kèm, hoặc nghi ngờ về tính hợp lý hợp lệ của toa thuốc.

Một ví dụ dễ nhận thấy nhất về hậu quả của hành vi bán thuốc kê đơn không có đơn thuốc là tình trạng kháng kháng sinh nghiêm trọng tại Việt Nam. Tại nhiều nước, việc sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả nhưng ở Việt Nam phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4 (thế hệ mới) mà nhiều bệnh nhân vẫn kháng toàn bộ kháng sinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Giáo sư Rogier van Doorn, giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại Hà Nội, cho hay theo một báo cáo về tình trạng kháng kháng sinh và các nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam năm 2019 cho thấy kháng kháng sinh là nguyên nhân dẫn đến tử vong chỉ đứng sau bệnh tim mạch và ung thư. Trong cộng đồng có tới 60-90% kháng sinh tiêu thụ không được kê đơn.

Hậu quả nghiêm trọng là tương tự cho các bệnh khác nếu không được dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ như các loại thuốc về huyết áp, tiểu đường, hướng thần…

Chúng tôi đánh giá rằng khi quy định này sẽ từng bước được thực hiện chặt chẽ trong thời gian tới, khi hạ tầng khám chữa bệnh của Việt Nam được cải thiện dần theo chất lượng chung của các quốc gia phát triển. Khi đó, hoạt động kinh doanh của các nhà bán lẻ thuốc với mô hình hiện tại sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Sói Già Vndirect Pro

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả