Thị giá VMD giảm mạnh, vợ Phó Chủ tịch Vimedimex thoái sạch vốn
Nếu hoàn tất giao dịch, vợ Phó Chủ tịch Vimedimex - bà Đào Thị Bình sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu VMD và dự kiến thu về 11,4 tỷ đồng.
Mới đây, bà Đào Thị Bình - vợ ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (MCK: VMD) đăng ký bán ra hơn 400.000 cổ phiếu VMD, tương đương tỉ lệ nắm giữ 2,6% nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân.
Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, thời gian từ ngày 24/1 đến ngày 23/2/2022.
Hành động này tiếp nối chuỗi bán ra của bà Bình. Trước đó, bà Bình cũng đã đăng ký bán 200.000 cổ phiếu VMD.
Bà Bình đăng ký bán ra toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ trong bối cảnh cổ phiếu VMD trải qua những phiên điều chỉnh mạnh. Cụ thể, sau khi thị giá lập đỉnh lịch sử ở mức 87.800 đồng/cổ phiếu vào phiên ngày 6/9, đến nay, cổ phiếu VMD đã giảm hơn 3 lần về mức 28.250 đồng/cổ phiếu sau 4 tháng giao dịch. Tạm tính với mức thị giá hiện tại trong phiên 20/1, bà Bình sẽ thu về khoảng 11,4 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn này.
Đầu tháng 11, Công an Hà Nội đã khởi tố, bắt giam bà Nguyễn Thị Loan về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản. Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng. Trước khi bị bắt, bà Loan đang giữ chức danh Chủ tịch HĐQT VMD nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Sau vụ việc này, đầu tháng 12/2021, ông Nguyễn Luy Xít – Nguyên Phó Tổng Giám đốc Vimedimex đã bán hết 21,7 triệu cổ phiếu VMD và giảm tỉ lệ sở hữu xuống 0%.
Dược phẩm Vimedimex tiền thân là công ty xuất nhập khẩu đầu tiên của Bộ Y tế được thành lập năm 1984. Đến năm 2006, Vimedimex cổ phần hóa, khi ấy vốn điều lệ của là 25 tỷ đồng, trong đó tỉ lệ cổ phần của cổ đông Nhà nước chiếm 51% vốn điều lệ.
Sau khi cổ phần hóa, VMD đã trải qua nhiều lần tăng vốn dẫn đến hiện tượng pha loãng, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước giảm từ 51% xuống còn 10,2% (tính đến 30/9/2021).
Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ngành dược ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 9.897 tỷ đồng và 28 tỷ đồng, giảm lần lượt 24% và 2% so với cùng kỳ.
Về tình hình tài chính của VMD, tại ngày 30/9/2021, nợ phải trả của Vimedimex giảm hơn 2.200 tỷ đồng xuống còn 5.781 tỷ đồng. Mặc dù giảm mạnh nhưng nợ phải trả so với tổng cộng nguồn vốn chiếm gần 93%, và gấp 14 lần vốn chủ sở hữu.
Trong cơ cấu nợ phải trả, chủ yếu là khoản phải trả người bán ngắn hạn đạt 4.578 tỷ đồng (giảm 38% so với hồi đầu năm); khoản phải trả dài hạn khác ở mức 17 tỷ đồng (giảm 26%) còn nợ vay tài chính ngắn hạn tăng hơn 2 lần so với hồi đầu năm.
Cụ thể, Vimedimex vay tài chính ngắn hạn thêm gần 430 tỷ đồng lên mức 774 tỷ đồng. Khoản vay này gồm 360 tỷ đồng vay ngân hàng nhằm thanh toán các chi phí thực hiện nhập khẩu vắc-xin Hayat - Vax và Sputnik-V phòng Covid-19 và được thế chấp bằng bất động sản là toà nhà Vimedimex tại địa chỉ 246 Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão, Q.1, Tp.HCM. Doanh nghiệp cũng có khoản vay gần 414 tỷ đồng nhằm tài trợ cho nhu cầu về vốn lưu động của Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương.
Cuối quý III, phần lớn tài sản của Vimedimex là các khoản phải thu ngắn hạn khác (2.162 tỷ); hàng tồn kho (3.316 tỷ).
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của Dược phẩm Vimedimex 9 tháng đầu năm 2021 âm 538 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận 337 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền đầu tư cũng âm 16 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 28 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận