Thép Tiến Lên (TLH): Mục tiêu doanh thu tăng, lợi nhuận giảm, chào bán 102 triệu cổ phiếu
Năm 2022, Thép Tiến Lên (TLH) kỳ vọng doanh thu tăng trưởng nhờ giá thép tiếp tục neo cao, song lợi nhuận suy giảm do sức ép tới từ nguồn cung nhiên, vật liệu bị thắt chặt trước các lệnh cấm vận, trừng phạt của một số nước về khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp nặng.
Theo tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm nay với 5.500 tỷ đồng, tăng 18,5% so với thực hiện năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế mục tiêu ở mức 300 tỷ đồng, thấp hơn 34% kết quả năm 2021, tương ứng lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2.938 đồng.
Ban lãnh đạo TLH nhìn nhận, tình hình chính trị căng thẳng giữa Nga - Ukraine và các chính sách cấm vận giữa các nước sẽ ảnh hưởng đến giá thành và nguồn cung nguyên liệu trong sản xuất sắt thép.
Các dự báo cho thấy giá nguyên, nhiên liệu sản xuất thép sẽ tiếp tục tăng trong năm, dẫn đến giá thép có thể tiếp tục neo cao. TLH cho rằng đó là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu sắt thép qua các thị trường đang ban hành lệnh cấm vận đối với Nga.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 sẽ diễn ra thuận lợi khi nhu cầu trong nước khôi phục, các chính sách hỗ trợ của chính phủ và giá tăng mạnh khiến các nhà sản xuất điều chỉnh giá tăng cao hơn dự kiến.
Dưới góc nhìn thận trọng, TLH lo ngại về sự khó lường của nền kinh tế Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, cũng như các chính sách cấm vận, trừng phạt của một số nước về khai thác và sản xuất công nghiệp nặng tạo sức ép đến nguồn cung nhiên liệu, nguyên liệu và khoáng sản trên toàn cầu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại và xuất khẩu của doanh nghiệp trong tương lai.
Ở kỳ họp thường niên tới, hội đồng quản trị TLH trình cổ đông tổng mức chi trả cổ tức năm 2021 và tạm ứng cổ tức năm 2022 là 15%, trong đó tỷ lệ 5% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu, tương ứng số lượng phát hành là 10 triệu cổ phiếu.
Nguồn vốn thực hiện là từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2021. Nếu được đại hội thông qua, thời gian thực hiện dự kiến là quý II, quý III năm 2022.
Đáng nói, TLH có tờ trình đại hội phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tổng khối lượng trên 102 triệu cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Doanh nghiệp cho biết với 1.021 tỷ đồng huy động được, 500 tỷ đồng sẽ dùng để tài trợ cho dự án khu dân cư thương mại An Phước (Đồng Nai), 26 tỷ đồng tài trợ dự án xây dựng chi nhánh Đà Nẵng, còn lại 495 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.
Như vậy, khi hoàn tất các đợt phát hành nêu trên, TLH sẽ nâng vốn điều lệ từ 1.021 tỷ đồng lên 2.144 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, TLH vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 2/2022 với doanh thu đạt gần 435 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 21 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm, nhà sản xuất thép này ghi nhận doanh thu tăng 43% lên 716 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 62% về 26 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 18,8% về chỉ còn 7,1%.
Ngược về năm 2021, TLH ghi nhận doanh thu 4.645 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 456 tỷ đồng, gấp gần 6 lần so với năm 2020.
Được biết, năm 2021, TLH đặt kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 250 tỷ đồng. Vì thế, kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp hoàn thành 182,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường