24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Quyết
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thêm quỹ đầu tư cổ phiếu, dòng tiền sẽ ngày càng lệch?

Sau thành công của Quỹ VFMVN30 tham chiếu trên chỉ số VN30, việc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) xây dựng 3 bộ chỉ số mới được kỳ vọng sẽ tăng cường thu hút vốn từ khối ngoại thông qua các quỹ ETF. Tuy nhiên, thanh khoản có xu hướng tích tụ tại các cổ phiếu lớn, dẫn đến lo ngại về việc thanh khoản vốn đã lệch sẽ ngày càng lệch hơn.

3 bộ chỉ số mới chuẩn bị ra mắt

Cuối tháng 8/2019, HOSE đã ban hành Quy tắc xây dựng và quản lý đối với 3 bộ chỉ số mới đang được xây dựng là Vietnam Diamond Index (VN Diamond), Vietnam Leading Financial Index (VNFIN Lead) và Vietnam Select Sector Index (VNFIN Select).

Đối với VN Diamond, đây dự kiến là chỉ số được xây dựng trên “rổ” thành phần từ 10-20 cổ phiếu, giới hạn tỷ trọng vốn hóa 15%/cổ phiếu đơn lẻ và 40% với nhóm cổ phiếu ngành.

Các tiêu chí xem xét bao gồm tỷ lệ sở hữu của nước ngoài/tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài được phép nắm giữ (FOL) trung bình trong 12 tháng gần nhất, giá trị vốn hóa và thanh khoản.

Để có thể tham gia vào VN Diamond, cổ phiếu phải thuộc danh mục VN Allshare hiện nay.

Trường hợp nằm ngoài VN Allshare, cổ phiếu phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện vốn hóa tối thiểu 5.000 tỷ đồng, giá trị giao dịch khớp lệnh tối thiểu 15 tỷ đồng/phiên, không bị kiểm soát, hạn chế giao dịch… và có tối thiểu 20 phiên giao dịch đến ngày xem xét.

Trong đợt lựa chọn đầu tiên, tỷ lệ FOL tối thiểu là 95%, giá trị vốn hóa mà nhà đầu tư nước ngoài có thể mua thêm tối đa 500 tỷ đồng.

Với VNFIN Select, đây có thể xem là danh sách thu gọn từ VNAllshare Financials Index (hiện đang bao gồm 24 cổ phiếu). Rổ chỉ số mới sẽ có tối thiểu 10 cổ phiếu thành phần, được giới hạn tỷ trọng vốn hóa 15%/cổ phiếu đơn lẻ.

Chỉ số lựa chọn các cổ phiếu có giá trị vốn hóa tối thiểu 500 tỷ đồng và giá trị giao dịch tối thiểu 1 tỷ đồng.

Tương tự VNFIN Select, VNFIN Lead cũng được sàng lọc từ các cổ phiếu thuộc VNAllshare Financials Index.

Tuy nhiên, thay vì xét giá trị vốn hóa, các cổ phiếu trong chỉ số này phải có lợi nhuận sau thuế không âm theo báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất, giá trị giao dịch trên 10 tỷ đồng và tỷ suất quay vòng tối thiểu 0,1%.

Thông tin từ HOSE cũng cho biết, định kỳ 2 lần/năm, các bộ chỉ số mới sẽ được rà soát lại danh mục cổ phiếu thành phần vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm để loại bỏ cổ phiếu không đáp ứng tiêu chuẩn và thêm vào các cổ phiếu mới.

Đồng thời, các thông tin về khối lượng lưu hành, tỷ lệ free-float của cổ phiếu thành phần sẽ được cập nhật 4 lần/năm vào tháng đầu mỗi quý và các thay đổi sẽ có hiệu lực vào thứ Hai đầu tiên của tháng tiếp theo.

Việc thực hiện xây dựng các bộ chỉ số mới của HOSE (đặc biệt là VN Diamond), bên cạnh hơn chục bộ chỉ số hiện hành, được đánh giá là một trong những phương án nhằm tăng cường thu hút vốn từ khối ngoại thông qua thu hút các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) đầu tư vào danh mục cổ phiếu tham chiếu trên chỉ số này.

Việc xây dựng các bộ chỉ số mới xuất phát từ việc dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang có xu hướng đổ vào thị trường Việt Nam khá tích cực.

Tuy vậy, nhiều cổ phiếu đầu ngành, có sức hấp dẫn lớn hiện đang trong tình cảnh kín room ngoại từ lâu như PNJ, REE, FPT, MWG, FRT…, nhưng không thể mở room do vướng ngành nghề bị hạn chế sở hữu nước ngoài, dẫn đến dòng vốn ngoại gặp khó khăn khi tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Đơn cử như trong câu chuyện Platinum Victory chào mua công khai cổ phiếu REE của CTCP Cơ điện lạnh đang diễn ra, dù mức giá chào mua lên đến 45.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 25% so với thị giá, nhưng khả năng mua thành công vẫn được đánh giá không cao do cổ phiếu REE đã hết room từ lâu, do đó, bên bán (nếu có) sẽ chỉ đến từ các nhà đầu tư ngoại khác.

Hơn 1 năm qua, Platinum Victory đã liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu REE, nhưng số lượng mua thành công hầu như không đáng kể cho thấy để thuyết phục bên bán là không hề dễ dàng, cho dù đưa ra giá mua cao.

Thực tế, triển vọng khả quan từ thu hút dòng vốn ngoại thông qua các quỹ ETF là có cơ sở từ kinh nghiệm thành công của chứng chỉ quỹ ETF VFMVN30 do CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý và hiện đang được các nhà đầu tư nước ngoài đón nhận tích cực.

Tính đến ngày 31/8/2019, Quỹ VFMVN30 đang có giá trị tài sản ròng (NAV) 6.398 tỷ đồng, tương đương hơn 275 triệu USD, với 431,3 triệu chứng chỉ quỹ đang lưu hành.

Tính từ đầu năm đến nay, số lượng chứng chỉ quỹ VFMVN30 đã tăng thêm 46% sau khi đạt mức tăng 73% trong năm 2018 và 305% trong năm 2017. Đáng chú ý là dòng tiền đổ vào Quỹ VFMVN30 chủ yếu đến từ nhà đầu tư nước ngoài, với tỷ lệ sở hữu hiện lên đến 97,9%.

Việc đầu tư vào danh mục 30 cổ phiếu có vốn hóa, thanh khoản cao nhất trên HOSE, trong đó có 1/3 số mã đang trong tình trạng hết room, được đánh giá là một trong những đặc tính làm nên sức hấp dẫn của chứng chỉ quỹ này.

Thêm quỹ đầu tư cổ phiếu, dòng tiền sẽ ngày càng lệch?

Thêm quỹ đầu tư cổ phiếu, dòng tiền sẽ ngày càng lệch?

Số liệu thống kê từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho thấy, giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE trong 8 tháng đầu năm nay đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ 2018.

Bên cạnh những yếu tố bên ngoài chiến tranh thương mại leo thang, chủ nghĩa bảo hộ lan rộng…, những yếu tố nội tại như dòng chảy vốn của các quỹ đầu tư suy giảm cùng với VN-Index, mặt bằng giá cổ phiếu ở mức cao sau giai đoạn tăng mạnh… đã ảnh hưởng đáng kể đến dòng tiền vào thị trường.

Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận khó khăn hơn khiến dòng tiền thu hẹp và hướng đến tìm kiếm những doanh nghiệp có câu chuyện riêng, nhưng việc xuất hiện các gương mặt doanh nghiệp niêm yết mới, tiềm năng cũng khá thưa thớt.

Diễn biến kém tích cực của thị trường một mặt khiến các doanh nghiệp trì hoãn lên sàn, mặt khác là tiến độ cổ phần hóa tại nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn cũng đang chậm trễ. Từ đầu năm đến nay, thị trường vẫn chưa ghi nhận đợt IPO nào gây chú ý như của BSR, POW, OIL hay GVR hồi đầu năm 2018.

Kết quả là trong 8 tháng đầu năm 2019, ngoại trừ một số cổ phiếu vừa và nhỏ ghi nhận đột phá từ thoái vốn nhà nước, có lợi nhuận đột biến hay hoạt động M&A… thu hút được dòng tiền, thanh khoản hầu như chỉ tập trung vào những mã lớn.

Thống kê số liệu giao dịch trên HOSE cho thấy, chỉ với 30 cổ phiếu trong danh mục, nhóm cổ phiếu VN30 hiện đang chiếm trên dưới 60% giá trị giao dịch khớp lệnh của toàn sàn.

Đáng chú ý, phiên 13/9/2019, tỷ trọng này lên đến 69%, trong đó riêng cổ phiếu ROS chiếm 11,6% giá trị khớp lệnh toàn sàn.

Nếu tính thêm giao dịch tại một số cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng chưa thuộc VN30 như POW, HVN, PLX, SXG, HCM, PHR, PVD, GEX…, 40 cổ phiếu có thanh khoản cao nhất đã chiếm 80,1% giá trị khớp lệnh toàn sàn HOSE.

Trên HOSE hiện đang có 376 cổ phiếu. Như vậy, chỉ 10% số cổ phiếu niêm yết đã chiếm 80% thanh khoản. 90% số cổ phiếu còn lại (336 mã) chia nhau chưa đầy 20% giá trị giao dịch. 223 cổ phiếu (60% số cổ phiếu niêm yết) có giá trị giao dịch cả phiên chưa đến 1 tỷ đồng, nhiều mã không có giao dịch.

Trong bối cảnh thanh khoản có xu hướng tích tụ tại các cổ phiếu lớn, cổ phiếu của những doanh vừa và nhỏ ngày càng khó tạo ra sức hút dòng tiền.

Trong khi đó, việc xây dựng các bộ chỉ số mới cũng hướng đến nhóm các cổ phiếu lớn, gần hết room với kỳ vọng thu hút các quỹ đầu tư chỉ số. Có thể thấy, điểm tích cực là các bộ chỉ số mới có thể giúp thu hút thêm dòng vốn vào thị trường, nhưng ngược lại nhiều khả năng cũng sẽ khiến tình trạng lệch thanh khoản ngày càng thêm trầm trọng.

Điều này không khó hiểu, bởi điểm qua các cổ phiếu đang trong tình trạng đã cạn hay gần hết room hiện nay thì phần lớn là các mã vốn hóa lớn, đầu ngành đang thu hút tốt dòng tiền như FPT, REE, PNJ, MWG, MBB, TCB…

Khi các quỹ đầu tư hướng đến nhóm cổ phiếu này gọi vốn thành công, tất yếu sức hút với dòng tiền nội cũng sẽ tăng thêm để đón đầu triển vọng tăng giá, tăng thanh khoản.

Điều này cũng có thể giải thích phần nào cho câu chuyện những cổ phiếu hết room có mức sinh lời vượt trội so với thị trường chung trong thời gian gần đây.

Với nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu gọi vốn mới, việc niêm yết cổ phiếu được cho là đã đáp ứng được nghĩa vụ với cổ đông, doanh nghiệp có thể chỉ cần thực hiện công bố thông tin theo quy định và tập trung vào hoạt động kinh doanh sao cho có hiệu quả. Diễn biến giá và thanh khoản để thị trường tự quyết định.

Tuy vậy, với cơ quan quản lý, sự mất cân đối thanh khoản sẽ tạo sức ép lên mục tiêu duy trì sự phát triển ổn định và bền vững cho thị trường.

Thanh khoản mất cân đối, tất yếu mức định giá cổ phiếu cũng như thị trường chung sẽ ít nhiều lệch đi, dòng vốn đầu tư có lý do để e ngại hơn.

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán có quyền tự do chuyển dịch, tự do tìm kiếm đến nơi có cơ hội sinh lời, mà không thể dùng mệnh lệnh hành chính để điều chỉnh.

Do đó, để thay đổi hiện trạng mất cân đối thanh khoản là vấn đề không đơn giản. Thực tế, trước khi các bộ chỉ số mới được xây dựng, HOSE đã nỗ lực đưa ra các chỉ số chứng khoán theo ngành, quy mô… nhằm góp phần thu hút và đa dạng hóa dòng tiền đầu tư, song hiệu quả đến nay còn hạn chế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả