Thêm dư địa nới lỏng tiền tệ, lãi suất điều hành liệu có giảm thêm?
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đang “để ngỏ” khả năng xem xét tiếp tục duy trì chính sách lãi suất hiện tại hoặc giảm lãi suất trong điều kiện vĩ mô thuận lợi.
Tỷ giá, lạm phát không còn là vấn đề lớn
Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế trong nước và thế giới có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Trên thế giới, lạm phát tại nhiều nước tiếp tục hạ nhiệt dù vẫn khó lường, củng cố xu hướng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương. Triển vọng giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến chỉ số USD quốc tế giảm mạnh.
Trong nước, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại các địa phương phía Bắc nhưng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ , tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2024 duy trì xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Lạm phát được kiểm soát phù hợp và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cũng đã khởi sắc hơn, hầu hết doanh nghiệp đã giải quyết được các khó khăn cơ bản từ giai đoạn Covid-19, nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp đã được nối lại, hoạt động kinh doanh được mở rộng.
Trong bối cảnh đó, điều hành chính sách tiền tệ có phần “dễ thở” hơn. Về lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023.
Tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường. “Trước đây, có thời điểm VND mất giá 5-6% so với USD nhưng đến nay chỉ còn khoảng 1-2%, là mức biến động rất thấp. Điều này đã tạo niềm tin cho thị trường và nhà đầu tư nước ngoài” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Về cung ứng vốn cho nền kinh tế, theo lãnh đạo NHNN, đến hết tháng 9, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 9%, cao hơn nhiều so với cuối tháng 8 nhờ một số dự án lớn được giải ngân trong giai đoạn cuối quý III. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng hơn 16%, vào khoảng 14,7 triệu tỷ đồng.
Dù tín dụng tăng trưởng cao hơn huy động vốn (huy động vốn tăng 5,28%, tương đương 14,5 tỷ đồng), song lãnh đạo NHNN cho biết thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn rất dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Để ngỏ khả năng giảm thêm lãi suất điều hành
Với những điều kiện thuận lợi hơn, nhiều nhận định cho rằng NHNN sẽ có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, tuy nhiên khả năng giảm lãi suất điều hành ít được các chuyên gia đề cập.
Theo các chuyên gia Ngân hàng UOB, với lạm phát giảm bớt, đồng USD dự kiến suy yếu hơn nữa sau chính sách nới lỏng của Fed và với những tác động tiêu cực lan rộng sau cơn bão Yagi, khả năng NHNN chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ được cân nhắc nhiều hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, UOB cho rằng NHNN có khả năng sẽ áp dụng cách tiếp cận có trọng tâm hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 thay vì triển khai một công cụ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất.
“Do đó, chúng tôi dự đoán NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5% trong khi tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác”, các chuyên gia ngân hàng này nhận định
Một số chuyên gia cũng cho rằng thời điểm này không nhất thiết phải thay đổi lãi suất điều hành. Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế (Trường đại học Kinh tế Quốc dân), lãi suất hiện nay phù hợp với tình hình chung, Ngân hàng Nhà nước không nên hạ lãi suất trong thời gian tới. Lãi suất trong nước phụ thuộc không chỉ vào chính sách của Fed, mà còn nhiều yếu tố khác, trong đó có tỷ lệ lạm phát.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, NHNN đã giảm lãi suất điều hành liên tục trong năm 2023 trong bối cảnh nhiều nước tăng lãi suất, tức là đã đi trước, đón đầu. Điều này, theo vị chuyên gia là phù hợp với bối cảnh sản xuất, kinh doanh của nước ta trong năm 2023, đặc biệt là 9 tháng đầu năm, khi nền kinh tế gặp nhiều bất lợi.
Với mặt bằng lãi suất điều hành hiện tại, TS Cấn Văn Lực cho rằng, phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước. “Do đó, không nhất thiết phải thay đổi lãi suất điều hành, vì thực tế lãi suất điều hành đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây”, vị chuyên gia nói.
Về phía cơ quan quản lý, theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá ổn định để đảm bảo hài hòa các chính sách.
"Quan điểm của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ cởi mở để hỗ trợ được nhiều vốn hơn cho nền kinh tế. NHNN sẽ liên tục hỗ trợ vốn, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng.
Trong điều kiện kinh tế vĩ mô đảm bảo lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo quan hệ tỷ giá, chúng tôi sẽ “để ngỏ” khả năng xem xét lại mức lãi suất điều hành theo hướng tiếp tục duy trì như hiện nay hay giảm lãi suất trong điều kiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được đảm bảo như lạm phát, tỷ giá, hỗ trợ tăng trưởng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận