Thêm 3.794 ca mới, người dân tuyệt đối không săn lùng và tự ý sử dụng thuốc Remdesivir điều trị Covid-19
Tính từ 18h30 ngày 6-8 đến 6h ngày 7-8, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.794 ca nhiễm mới trong nước; trong đó có 933 ca trong cộng đồng.
Như vậy, tính đến sáng 7-8, Việt Nam có 197.175 ca nhiễm, trong đó có 2.338 ca nhập cảnh và 194.837 ca mắc trong nước.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 193.267 ca, trong đó có 59.558 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn; và 12 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
Trong ngày 6-8, có 451.256 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 8.528.267 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 7.664.944 liều, tiêm mũi 2 là 863.323 liều.
Để phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân, thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thành lập 5 trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115. Các trạm cấp cứu này hoạt động trên cơ sở trưng dụng, chuyển đổi công năng một số xe vận chuyển hành khách của các đơn vị vận tải trên địa bàn. Thành phố cũng đề nghị các bệnh viện trong và ngoài công lập; các bệnh viện điều trị Covid-19 và trung tâm y tế các quận, huyện sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu, không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.
Còn tại Hà Nội đã xây dựng phương án mua sắm kịp thời vật tư, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm... để sẵn sàng đáp ứng với cấp độ 5.000 giường, 10.000 giường, 20.000 giường điều trị người bệnh Covid-19.
Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thí điểm cách ly tại nhà đối với F1 trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Điểm khác của Đà Nẵng so với hướng dẫn của Bộ Y tế khi áp dụng thí điểm cách ly tại nhà là các F1 đã được cách ly tập trung 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, thành phố này đã triển khai thí điểm vòng đeo tay thông minh và phần mềm quản lý cách ly để hỗ trợ kiểm soát, quản lý chặt chẽ F1 tại nhà, đồng thời yêu cầu tất cả chợ quét thẻ, mã QR đi chợ để quản lý thông tin người ra vào chợ.
Ngày 6-8, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã tổ chức họp trực tuyến với các thành viên trên khắp cả nước về cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian qua, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế đã phát huy hiệu quả trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Việt Nam cũng luôn cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị về Covid-19 trên thế giới cũng như chưa từ chối một phương pháp điều trị nào.
Tại cuộc họp, các thành viên đã thảo luận về các thuốc điều trị hiện nay như thuốc điều trị rối loạn đông máu thêm loại đường uống; thuốc kháng vi rút; thuốc kháng thể đơn dòng, thuốc diệt ký sinh trùng..., trong đó có thuốc Remdesivir.
Thông qua nguồn tặng, viện trợ, thời gian qua, Việt Nam cũng đã sử dụng Remdesivir để điều trị cho một số bệnh nhân Covid-19 tại một số cơ sở y tế. Kết quả bước đầu cho thấy, thuốc Redemsivir giúp bệnh nhân giảm lượng vi rút nhanh. Tuy nhiên, các chuyên gia điều trị lưu ý, người dân tuyệt đối không săn lùng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc này. Việc chỉ định, liều lượng sử dụng thuốc Remdesivir phải do các bác sĩ tại các cơ sở điều trị ra y lệnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường