menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mạc Văn Chiến

Thế khó của các công ty tài chính tiêu dùng

Mặc dù mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và có những đóng góp cho nền kinh tế, song các công ty tài chính tiêu dùng trong thời gian qua đang gặp không ít vướng mắc, khó khăn.

Trong những năm qua, tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đã ghi nhận sự mở rộng mạnh mẽ về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Các công ty tài chính đã phủ rộng đến các phân khúc khách hàng đại chúng chưa hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản bảo đảm….

Tài chính tiêu dùng cũng kích thích nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận người dân, qua đó giúp các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa, kích thích sản xuất và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Tính đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan trong lĩnh vực ngân hàng. Với mạng lưới điểm giới thiệu dịch vụ rộng khắp cả nước thì vai trò của công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam là không hề nhỏ trong việc đẩy lùi được tín dụng đen.

NHNN hiện đã cấp phép cho 16 công ty tài chính hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.

Tình cảnh khó khăn

Tuy nhiên trong thời gian qua, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam phải chịu nhiều tác động tiêu cực đến từ các yếu tố như liên tiếp các làn sóng COVID-19, lạm phát leo thang, xu hướng tăng lãi suất toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng….Hơn nữa, gần đây do tình trạng thiếu đơn hàng, một số ngành sử dụng nhiều lao động như chế biến gỗ, dệt may, da giày…đã phải cắt giảm lao động. Dẫn đến cuộc sống người lao động, đặc biệt là phân khúc thu nhập thấp – vốn là phân khúc khách hàng chính của các công ty tài chính – bị ảnh hưởng nặng nề. Nhu cầu vay tiêu dùng và khả năng trả nợ giảm xuống mức thấp.

Chia sẻ với Nhadautu.vn, đại diện FE Credit cho biết thêm, sự phát triển tất yếu của công nghệ cũng kéo theo những biến tướng về nhận thức và hành vi của người dùng trên nền tảng số. Một trong những tác động tiêu cực đó đối với ngành tài chính tiêu dùng chính là sự nở rộ của các hội nhóm bùng nợ trên mạng xã hội, nhiều đối tượng cổ súy và kêu gọi tập thể người đi vay chây lì, trốn tránh trả nợ, kéo theo sự suy giảm nhận thức và trách nhiệm của người vay khi tham gia thị trường.

Tuy vậy, chế tài với các khách hàng kiểu này chưa cao trong khi việc khởi kiện rất khó thực hiện với các khoản vay giá trị thấp. Điều này đẩy doanh nghiệp vào tình thế phải dừng cho vay mới để bảo toàn vốn, hạn chế rủi ro. Thêm vào đó, việc trả nợ không đúng hạn của khách hàng đã buộc công ty tài chính tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý. Ngoài ra, theo quy định của cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh. Hậu quả là lãi suất cho vay bắt buộc phải được điều chỉnh tăng để bù lại rủi ro, tác động trực tiếp đến người đi vay.

Đặc biệt, tình trạng nhiều công ty tư vấn tài chính, công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty fintech cho vay online, các ứng dụng (app) cho vay, chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng)... tự đặt tên là "công ty tài chính" và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép và tình trạng các tổ chức hoạt động cho vay giả mạo công ty tài chính để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cũng gia tăng đáng kể.

"Đối tượng mạo danh nhân viên công ty tài chính, gọi đến khách hàng để xác minh khoản vay đã đăng ký với lý do là để tiến hành hỗ trợ hoàn tất hợp đồng vay với lãi suất ưu đãi và giải ngân nhanh chóng. Đồng thời, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật để đánh cắp thông tin. Mục đích nhằm chiếm lòng tin, hướng dẫn khách hàng tham gia vay tại trang web/ứng dụng điện thoại giả mạo", Home Credit - một trong những công ty tài chính hàng đầu phát đi thông báo yêu cầu khách hàng nâng cao cảnh giác.

Tại báo cáo "Phát triển tài chính tiêu dùng – kinh nghiệm Quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam", TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV còn cho rằng một thách thức nữa của tài chính tiêu dùng là khung pháp lý ngày càng theo hướng chặt chẽ và thận trọng hơn, có thể góp phần lành mạnh hóa thị trường TCTD, nhưng cũng sẽ có ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động, khả năng sinh lời của các công ty tài chính.

Cần sớm khơi thông

Những vấn đề trên không chỉ làm nảy sinh một số nguy cơ tiềm ẩn đến hành vi trả nợ của khách hàng, gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ, mà còn gây ảnh hưởng tới hình ảnh các công ty tài chính tiêu dùng.

Tình cảnh khó khăn của thị trường tài chính tiêu dùng đã và đang ngấm sâu dần vào hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty chiếm thị phần lớn. Điển hình như FE Credit-công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu tại Việt Nam với khoảng 50% thị phần năm vừa qua báo lỗ trước thuế 3.121 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit nhảy vọt từ 13,6% vào cuối năm 2021 lên 20,4% vào cuối năm 2022, làm chi phí hoạt động và dự phòng tăng đáng kể lần lượt ở mức 28% và 23%.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VnDirect còn nhận định năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với FE Credit, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm. Tốc độ tăng trưởng cho vay nhìn chung sẽ chậm lại nhưng được tập trung vào khách hàng sẽ ít rủi ro hơn. Từ đó, VnDirect dự phóng tăng trưởng cho vay của FE Credit đạt 5% trong năm 2023 và lỗ trước thuế khoảng 700 tỷ đồng. Sang năm 2024, kỳ vọng khi điều kiện kinh tế cải thiện, FE Credit sẽ đạt mức tăng trưởng cho vay khoảng 8% và lợi nhuận trước thuế khoảng 1.300 tỷ đồng.

Trong bối cảnh này, FE Credit đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động của các công ty tài chính. Đặc biệt, hiện nay vẫn chưa có các quy định cụ thể về xử phạt các hành vi bùng nợ cũng như trách nhiệm của người vay. Vì vậy, cần có những chế tài, khung hình phạt rõ ràng hơn để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Đối với các đối tượng cố tình trốn tránh và có hành vi lừa đảo/ trốn nợ, cần được áp dụng các biện pháp mạnh từ phía pháp luật để bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên cho vay.

Về phần mình, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính (nhất là các quy định về chuẩn mực an toàn, minh bạch thông tin, tiếp thị sản phẩm, quản trị rủi ro...) cũng như khung pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng tài chính nói riêng. Đồng thời, NHNN cần tăng cường giám sát, quản lý để hạn chế rủi ro, nợ xấu có thể tăng nhanh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế… để hạn chế rủi ro tập trung vào số ít các công ty tài chính lớn. Điều này sẽ giúp giảm lãi suất, tăng đa dạng về sản phẩm - dịch vụ, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng cũng như nền kinh tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại