24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thiên Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thế giới tuần qua: ‘Hoang mang’ trước biến chủng Covid-19 mới, Trung Quốc lập kỷ lục kim ngạch thương mại

Trong tuần thứ 2 của năm mới 2022, sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới có tên Deltacron, các thông tin về tăng trưởng kinh tế thế giới và vấn đề chính trị sau cuộc bạo loạn tại Kazakhstan dành được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Phát hiện biến chủng Covid-19 “lai” giữa Delta và Omicron

Ngày 8/1, Bộ trưởng Y tế Cộng Hoà Cyprus thông báo một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được đặt tên là Deltacron đã được phát hiện ở quốc gia này, do một nhóm nghiên cứu tại Đại học Cyprus nghiên cứu và công bố.

Biến thể mới của SARS-CoV-2 có chung nền tảng di truyền của biến thể Delta cùng với một số đột biến của Omicron, do đó nó được đặt tên là Deltacron.

Mặc dù “lai” từ 2 biến thể nguy hiểm là Delta và Omicron, tuy vậy, biến thể Deltacron được nhận định là không đáng lo ngại và không có nguy cơ trở thành mối nguy mới với thế giới.

Tuy nhiên, thông báo về biến thể Covid-19 mới của phía Cyprus dường như không nhận được sự đồng tình từ nhiều chuyên gia trên thế giới. Theo đó, giới chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về sự tồn tại và nguồn gốc của Deltacron.

Theo ông Thomas Peacock, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Barclay, chuyên tập trung nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 của Đại học Hoàng gia London (Anh), kết quả giải trình gen của biến thể Deltacron do Cyprus công bố dường như đã bị nhiễm bẩn và do đó không phải là kết quả chính xác.

Ngoài ra, ông Thomas cũng cho biết hiện tượng tái tổ hợp virus là nguyên nhân khiến các nhà khoa học tại Cyprus nhầm lẫn Deltacron là biến thể “lai” giữa Omicron và Delta.

Mặc dù giới chuyên gia vẫn thống nhất về việc Delacron không phải mối nguy lớn trong thời gian tới, nhưng những thông tin trái chiều liên quan tới biến thể này vẫn khiến nhiều người dân hoang mang, đặc biệt trong thời kỳ nhiều quốc gia trên thế giới đang trải qua làn sóng bùng dịch mới vì sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.

Thế giới tuần qua: ‘Hoang mang’ trước biến chủng Covid-19 mới, Trung Quốc lập kỷ lục kim ngạch thương mại
Sự tồn tại của biến thể Deltacron vẫn là dấu hỏi lớn với giới khoa học.

Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022

Ngày 13/1, Liên hợp quốc công bố Báo cáo Triển vọng và tình hình kinh tế thế giới 2022, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức 4% trong năm 2022, thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2021 và tới năm 2023 sẽ chỉ còn 3,5%.

Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh động lực tăng trưởng có được trong năm 2021 đang bắt đầu chậm lại từ cuối năm, thế giới chứng kiến nhiều làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới cộng với những thách thức về thị trường lao động, chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao.

Biểu hiện về mức tăng trưởng kém khởi sắc có thể được nhìn thấy rõ tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, liên minh châu Âu, nơi các biện pháp kích thích tiền tệ và tài chính bắt đầu giảm dần và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lại nổi lên.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, việc tăng cường hợp tác toàn cầu vào thời điểm này là biện pháp vô cùng cấp thiết để giúp các quốc gia trên thế giới có thể nhanh chóng vượt qua đại dịch và quay trở lại phát triển kinh tế bền vững.

Trước đó, báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng kinh tế toàn cầu sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 đang bắt đầu rơi vào tình trạng suy thoái rõ rệt.

Theo đó, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ giảm sâu từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% năm 2022 và 3,2% vào năm 2023 khi các nhu cầu trước đây bị dồn nén giảm đi và các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ sẽ thu hẹp lại trên toàn thế giới.

Trung Quốc lập kỷ lục kim ngạch thương mại

Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn liên quan tới những cấm vận thương mại của Mỹ và tốc độ tăng trưởng chậm dần trong nước, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đạt được những cột mốc lớn trong năm 2021.

Ngày 14/1, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố số liệu về tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2021, cho thấy quốc gia này đã lập kỷ lục khi vượt mốc 6.000 tỷ USD, tăng 21,4% so với năm ngoái bất chấp những rào cản do đại dịch Covid-19 gây ra.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2021 đã tăng 1.400 tỷ USD so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tăng 21,2%, lên 21.730 tỷ NDT (khoảng 3.421 tỷ USD) và nhập khẩu tăng 21,5%, lên 17.370 tỷ NDT (2.745 tỷ USD).

Trung Quốc cũng thông báo ghi nhận mức tăng trưởng thương mại ổn định với 5 đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Kim ngạch xuất, nhập khẩu của Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ lần lượt tăng 19,7%, 19,1% và 20,2%, trong khi với Nhật Bản tăng 9,4% và với Hàn Quốc tăng 18,4%.

Đáng chú ý, theo đại diện thương mại của Nga tại Trung Quốc Aleksey Dakhnovsky, khối lượng giao dịch song phương Nga-Trung đã vượt mức 130 tỷ USD, cao hơn mức kỷ lục được ghi nhận trong cả năm 2019 là 111 tỷ USD. Theo dự đoán, tổng kim ngạch trong năm 2021 có thể cao hơn 140 tỷ USD.

Trung Quốc ủng hộ Nga bình ổn Kazakhstan trong sự “tức tối” của Mỹ

Cuộc bạo loạn xảy ra tại Kazakhstan vào đầu năm 2022 cùng những diễn biến sau đó đã biến nó trở thành một sự kiện chính trị tầm cỡ thế giới thay vì quốc gia.

Sau khi Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đề nghị sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và Nga trong ngày 5/1. Chỉ 1 ngày sau, Nga đã điều 75 máy bay đưa binh lính nhảy dù tới Kazakhstan, bất chấp việc gia tăng căng thẳng với Mỹ và liên minh châu Âu.

Đáng chú ý, nếu như việc Nga đưa quân vào Kazakhstan khiến Mỹ và EU quan ngại, thì Trung Quốc đáng lẽ cũng là quốc gia cảm thấy bất an, vì có thể dẫn tới các xung đột về lợi ích kinh tế chính trị.

Tuy nhiên, ngày 10/1, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố quốc gia này ủng hộ Nga đưa quân tới Kazakhstan.

Bộ trưởng Vương Nghị cho biết thêm rằng Trung Quốc và Nga nên "chống lại các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Trung Á", đồng thời ngăn chặn "các cuộc cách mạng màu" và "ba thế lực tà ác" gây ra hỗn loạn.

Trung Quốc định nghĩa "ba thế lực tà ác" là chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, chủ nghĩa ly khai lãnh thổ và chủ nghĩa khủng bố bạo lực và mô tả chúng là nguyên nhân đằng sau tình trạng bất ổn ở tỉnh Tân Cương.

Hành động ủng hộ Nga đến cùng của Trung Quốc cho thấy quốc gia này đã và đang cố gắng thắt chặt mối quan hệ đồng minh, nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ trong quá trình gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả