Thế Giới Di Động được gì sau 'cuộc chiến giá rẻ'?
Doanh thu, thị phần tăng nhưng Thế Giới Di Động phải đánh đổi bằng lợi nhuận, công ty lỗ ba quý liên tiếp nếu không tính hoạt động tài chính.
Sau một mùa Tết với sức mua kém nhiệt, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) phát động cuộc chiến giá rẻ với quyết tâm "khiến các đối thủ cạnh tranh phải rên xiết". Từ thời điểm đó, MWG quyết so kè từng đồng về giá bán sản phẩm, nhất là iPhone, với FPT Shop của FPT Retail (FRT) hay các chuỗi nhỏ hơn như Di Động Việt, CellphoneS, Viettel Store.
Sau giai đoạn cao điểm cạnh tranh, những thành quả được thể hiện trên báo cáo tài chính mới nhất. Doanh thu MWG tăng liên tiếp, đến quý III đạt gần 30.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 3% so với hai quý đầu năm. Riêng trong tháng 9, hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đạt hơn 7.200 tỷ đồng, tăng 7% so với tháng 8 và cao nhất kể từ tháng 6.
Hàng tồn kho cũng giảm đáng kể, đang ở mức hơn 22.800 tỷ đồng hồi cuối tháng 9, hạ 20% so với cùng kỳ. Từ quý IV/2022 đến quý II/2023, hàng tồn kho của cả hệ thống bán lẻ này giảm liên tục, nhất là nhóm thiết bị điện tử, điện thoại di động và thiết bị gia dụng. Trong quý III, hàng tồn kho nhích nhẹ nhưng do yếu tố mùa vụ khi đây là giai đoạn ra mắt nhiều mẫu điện thoại và laptop mới.
Vốn mạnh về độ phủ khi đang có hàng nghìn điểm bán khắp cả nước, chiến lược giá rẻ giúp chuỗi này lôi kéo thêm nhiều khách hàng. Trong cuộc gặp nhà đầu tư trước đây, ban lãnh đạo MWG nói thị phần xét theo giá trị của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã tăng 5 điểm phần trăm vào quý II so với cuối quý I. Trong đó, mảng iPhone tăng nhiều nhất, lên hơn 45% tính đến cuối tháng 6, cải thiện nhiều so với mức 25-30% trong quý trước đó. Riêng trong tháng 9, công ty bán 18.000 iPhone 15, gom về gần 600 tỷ đồng doanh thu.
Tuy nhiên, thứ MWG đem đi đổi lấy doanh thu và thị phần chính là lợi nhuận. Trong văn bản giải trình báo cáo tài chính, ban lãnh đạo cũng cho biết công ty đưa ra nhiều khuyến mãi, chấp nhận giảm biên lợi nhuận gộp để thu hút khách hàng và duy trì doanh thu.
Theo đó, lợi nhuận gộp của MWG có xu hướng đi lùi so với đầu năm. Trong quý III, biên lãi gộp của doanh nghiệp này đạt 18,7% - nhích nhẹ so với quý liền trước nhưng đã giảm nhiều so với mức 25,9% hồi cuối năm 2022. Trong khi đó, FPT Retail vẫn duy trì mức biên lợi nhuận gộp khá ổn định, thậm chí vào quý III, con số này được cải thiện hơn cùng kỳ.
Như một hệ quả tất yếu, lợi nhuận sau thuế của MWG vơi đi nhiều. Quý III, doanh nghiệp này lãi sau thuế 39 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ. Lấy lợi nhuận của một quý bất kỳ từ khi doanh nghiệp công bố thông tin vào quý III/2013 đến năm 2022, đều có được con số cao hơn tổng lợi nhuận lũy kế trong ba quý năm nay.
Trong cơ cấu lợi nhuận, doanh thu tài chính trở thành nhân tố đóng góp quan trọng khi MWG có lượng tiền mặt dồi dào. Nếu trừ đi hoạt động tài chính, doanh nghiệp này lỗ trong ba quý gần đây. Lợi nhuận sau thuế không tính doanh thu và chi phí tài chính, lần lượt âm 40, âm 171 và âm 135 tỷ đồng.
Trong khi đó vào quý cuối năm ngoái, MWG có lợi nhuận sau thuế phi tài chính gần chạm nghìn tỷ đồng. Sang quý I, con số này giảm đi nhưng vẫn đạt gần 700 tỷ. Điều này không xuất hiện ở báo cáo kết quả kinh doanh của FRT. Nếu trừ đi các hoạt động tài chính, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này không giảm đi mà tăng lên.
Không chỉ những con số tài chính, mạng lưới điểm bán của Thế Giới Di Động (tính cả TopZone) và Điện Máy Xanh cũng giảm liên tục từ 3.480 cửa hàng trong tháng 4 về còn 3.451 cửa hàng vào cuối tháng 9. Trong đó, TopZone - chuỗi bán lẻ chuyên mặt hàng Apple, vốn là nhóm ít chịu ảnh hưởng khi sức mua suy giảm, lần đầu đóng một cửa hàng trong tháng 9, sau thời gian dài nhân rộng liên tục.
Cũng kể từ khi MWG phát động "cuộc chiến giá rẻ", báo cáo phân tích triển vọng kinh doanh về công ty này của các bên quan sát bắt đầu thay đổi bố cục. Dàn ý chung của hàng loạt báo cáo là động lực tăng trưởng chuyển sang Bách Hóa Xanh và những lo ngại về cuộc đua về giá ở nhóm hàng thiết bị điện tử làm xói mòn lợi nhuận.
Trong lần cập nhật hồi tháng 10, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng biên lợi nhuận gộp chung của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sẽ ở mức 16,9% cho năm 2023, giảm so với mức 18,2% trước đó do chiến lược cạnh tranh giá với mặt hàng điện thoại và điện máy gia dụng. Tương tự, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng điều chỉnh dự phóng lợi nhuận sau thuế từ 3,5% xuống còn 2,5% cho nhóm sản phẩm điện thoại và điện máy so với báo cáo gần nhất. Luận điểm trên được đưa ra sau khi VCBS ghi nhận biên lợi nhuận sau thuế của hai chuỗi này giảm mạnh hơn kỳ vọng của họ trước đó.
Đối trọng với Thế Giới Di Động trong cuộc chiến về giá, các đơn vị khác cũng chịu ảnh hưởng lớn. Trong ba quý vừa qua, FPT Retail không kiểm soát tốt chi phí bán hàng khiến lợi nhuận suy giảm mạnh. Tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu đang có xu hướng tăng trong những quý gần đây. Chuỗi FPT Shop lần lượt cắt 16 cửa hàng kể từ tháng 3 đến cuối tháng 9 năm nay.
Các chuỗi bán lẻ nhỏ hơn với tiềm lực tài chính khiêm tốn hơn cũng từng xác nhận với VnExpress rằng đã phải thay đổi kế hoạch kinh doanh. Họ buộc đóng các cửa hàng kém hiệu quả, sa thải nhân viên hàng loạt, cắt bỏ chỉ số chất lượng dịch vụ để ưu tiên doanh số.
Ngay cả các doanh nghiệp bán buôn, tức phân phối sản phẩm cho các nhà bán lẻ, cũng bị ảnh hưởng. Nhìn chung, tác động của cuộc chiến giá đối với các đơn vị như Digiworld (DGW) hay Petrosetco (PET) ít nghiêm trọng hơn nhờ không phải chịu các chi phí cố định về tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác tại cửa hàng. Tuy nhiên, để hỗ trợ nhà bán lẻ, các doanh nghiệp này phải đưa ra mức chiết khấu tốt hơn. Song song đó, các nhà bán lẻ có tiềm lực lớn sẽ tìm cách phân phối trực tiếp từ hãng sản xuất tới tay người tiêu dùng cuối, bỏ qua phân phối trung gian. Các chuỗi nhỏ hơn sẽ cân nhắc gia tăng tỷ trọng hàng xách tay.
Như vậy có thể thấy "cuộc chiến giá rẻ" đang bào mòn lợi nhuận của toàn ngành. Đến nay, MWG vẫn chưa khẳng định khi nào sẽ dừng cuộc đua giảm giá. Ở lần chia sẻ gần nhất, ban lãnh đạo công ty chỉ nói sẽ điều chỉnh chiến lược này cho giai đoạn cuối năm. Trong khi đó, FRT cho rằng sự cạnh tranh khốc liệt sẽ hạ nhiệt sau khi các công ty lớn giảm lượng hàng tồn kho. Còn Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, áp lực cạnh tranh giá có thể được nới lỏng khi nhu cầu cải thiện vào mùa cao điểm, trong đó có mùa mua sắm cuối năm hay các sản phẩm mới được ra mắt nhằm phục vụ nhu cầu dịp Tết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận