Thấy gì từ việc Warren Buffett rót vốn vào TTCK liên tục bật đỉnh?
Tuần vừa qua, VN-Index đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ 6 (16/6) kết thúc tuần với điểm số tăng so với tuần trước đó, nhưng đóng cửa giảm so với đầu phiên giao dịch. Khác hẳn với thị trường Việt Nam, chỉ số Nikkei 225 Index của Nhật Bản đóng tuần với mức không những là cao nhất tuần, mà tính từ năm 2000 trở lại đây (tương đương với toàn bộ quãng đời của VN-Index từ ngày thành lập) thì TTCK Nhật Bản đóng cửa trong sắc xanh, đang giao dịch ở mức cao nhất của nhiều thập kỷ.
Thị trường Nhật Bản và Việt Nam gần đây có một điểm chung là Chính phủ có động thái nhiều lần nới lỏng tiền tệ thay vì thắt chặt như thị trường Mỹ. GDP của Nhật kể từ đại dịch COVID-19 năm 2020 đến nay cũng suy giảm, lạm phát tăng cao tương ứng với mức mở rộng tiền tệ. Ngoài ra, bản chất nền kinh tế và thành phần cốt lõi của GDP Nhật Bản thì rõ ràng khác nhiều so với Việt Nam.
Kể từ khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ ở hầu hết quốc gia, tác động của COVID-19 mờ nhạt dần, đi kèm với đó là sự chuyển hướng của chính sách tiền tệ, thắt chặt chống lạm phát là gam màu chủ đạo và sự ra đi của dòng tiền để lại một hệ quả tất yếu là sự suy giảm của chỉ số chứng khoán của hàng loạt quốc gia. Tuy nhiên trong cùng một hoàn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, mỗi quốc gia đã chọn cho mình một chiến lược đi riêng, và người Nhật đã chọn con đường tiếp tục đi lên sau đại dịch, chỉ số chứng khoán của Nhật Bản liên tục bật đỉnh của nhiều thập kỷ.
Bước đi này của TTCK Nhật Bản trở nên sắc lóa như một thanh kiếm Samurai khi tại đỉnh cao này vẫn đón nhận được động thái rót vốn đầu tư hơn 15 tỷ Mỹ kim từ huyền thoại chứng khoán Warren Buffett, một biểu tượng của đầu tư giá trị thành công nhất thế giới.
Đường kiếm Samurai sắc lóa và bộ óc Warren Buffett
Công ty Berkshire Hathaway của Warren Buffett hiện tại đang nắm giữ hơn 5% của 5 công ty danh tiếng của Nhật Bản bao gồm: Itochu, Mitsubishi Corp., Mitsui & Co., Sumitomo Corp. và Marubeni. Và một số công ty khác tại TTCK Nhật vẫn đang được cân nhắc để rót vốn thêm.
TTCK Nhật Bản đã và đang liên tiếp công phá đỉnh lịch sử của nhiều thập kỷ, trong khi những TTCK khác thì cổ phiếu nói chung đang “đại hạ giá” hàng loạt do TTCK điều chỉnh hậu đại dịch. Nếu là một tên tuổi khác việc này có lẽ sẽ bị quy chụp ngay cho cái danh “đầu cơ” đầy tiêu cực, nhưng sự thành công vang dội trong suốt cuộc đời của nhà đầu tư giá trị thành công nhất thế giới Warren Buffett khiến cho người ta không dám mở miệng nói ra điều đó.
Trường phái đầu tư giá trị thường được hiểu là cổ phiếu được rót vốn là “undervalued stocks” là những cổ phiếu đang được thị trường giao dịch ở mức giá thấp hơn giá trị thực chất. Vậy tại sao Warren Buffett lại tiếp tục rót vốn vào một TTCK đang bật đỉnh thế kỷ, và mua thêm vào những cổ phiếu đang ở mức giá cao nhất trong cuộc đời của cổ phiếu đó kể từ khi được niêm yết lên TTCK? Nếu đầu tư giá trị là thu mua những cổ phiếu có nền tảng tốt đang bị thị trường giao dịch vùng rẻ, thì sao Warren Buffett không đi qua Việt Nam mua nhiều cổ phiếu bluechip đang ở vùng giá “khuyến mãi” 70% đến 90% so với mức đỉnh?
Doanh nghiệp rẻ mạt sản suất ra hàng hóa chất lượng cạnh tranh thế giới?
Xuất được hàng vào các thị trường phát triển là mục tiêu của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Bao nhiêu năm qua, việc cạnh tranh về giá đã khiến cho doanh nghiệp Việt gặp nhiều đòn thuế và kiện tụng chống bán phá giá của các nước phương Tây, khi giá không rẻ được thêm, vậy thì chất lượng được đặt lên bàn cân. Nhưng liệu rằng một doanh nghiệp có giá trị thị trường rẻ mạt, sẽ huy động đủ vốn để đầu tư vào những dự án phát triển kinh doanh ngốn nhiều tỷ đô la? Những nhân viên nhận đồng lương và phúc lợi bọt bèo đủ sức sáng tạo và sản xuất ra những mặt hàng cạnh tranh đánh bật hàng hóa từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan..? E rằng đó chỉ là một giấc mơ ngây thơ!
Thị trường tài chính toàn cầu vì sự lưu thông hàng hóa và tiền tệ, nó trở nên có tương quan. Tuy nhiên, sự chệch pha của mối tương quan này cũng phổ biến không kém. Trước những khó khăn của thời cuộc kinh tế. Không thể cứ bèo trôi theo nước, cần có những đường kiếm Samurai sắc lóa như Nhật Bản. Cần có những bộ óc có tính chiến lược của toàn thể NĐT trên TTCK đồng pha với quyết sách thông minh của Chính phủ thì mới thay đổi được cái kết cục.
Bởi nếu muốn đạt được thành công chưa từng có, phải dám làm những việc chưa từng làm!
GDP giảm mà Index tăng là không hợp lý?
Người Nhật và sản phẩm từ nước này có uy tín trên toàn thế giới, bởi họ nổi tiếng bởi sự chính trực, trung thực đã chứng minh qua thời gian. Sản phẩm bền và ưu việt, còn người Nhật chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình. Thế giới đã được nhìn thấy cái uy tín đó, người Nhật đánh giá thấp sự lường gạt, rỗng ruột, lũng đoạn. Cho nên cho dù suy thoái toàn cầu hay không, thì thế giới vẫn sẽ cần những sản phẩm có chất lượng từ những doanh nghiệp đáng tin cậy rót vốn. Vậy bên cạnh bề nổi là rót vốn vào TTCK, thì rót vào doanh nghiệp nào? Và doanh nghiệp sử dụng đồng vốn đó để làm gì, tạo ra sản phẩm gì, hiệu quả ROE, ROA, ROI trong tương lai là bao nhiêu?
Đó là cốt lõi và tinh hoa của vấn đề. Chứ không phải GDP giảm thì toàn thể cổ phiếu cần phải lao dốc. Bởi những doanh nghiệp có năng lực sản xuất cạnh tranh thường có giá trị thị trường cao và có mức ảnh hưởng lên chỉ số Index của toàn thị trường cao. Những doanh nghiệp này chưa chắc đã bị suy giảm tổng cầu trong suy thoái. Thí dụ, lấy một gia đình điển hình ở Việt Nam ra phỏng vấn về việc, giả sử 1 trong 2 vợ chồng bị mất việc làm do kinh tế suy thoái, thì gia đình bạn sẽ bớt ăn vặt, mua sắm thời trang, hay cắt khẩu phần sữa của con cái? Con cái chỉ có một lần trong đời nằm trong giai đoạn vàng phát triển, khi chưa đến mức phải kiệt quệ tài chính, câu trả lời cho câu hỏi phỏng vấn trên có lẽ bố mẹ nào cũng chỉ mất 1 giây để quả quyết trả lời.
Như vậy, NĐT giá trị rót vốn cho một TTCK tăng bật đỉnh thế kỷ trong một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, vậy TTCK Nhật Bản quá sắc bén, hay Warren Buffett quá thông minh? Hay là cả hai? Như vậy nhìn lại TTCK Việt Nam, NĐT sẽ phản ứng như thế nào trước những kháng cự trước mắt, đâu đó cũng quyết định về việc chúng ta tự chọn cho mình một tương lai như thế nào. Ai rồi cũng phải tự dựng xây tương lai và tự chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình, nếu đổ lỗi cho quả bom nguyên tử xóa sạch Hiroshima là số phận, thì sự hồi sinh từ đống tro tàn để có một Hiroshima tráng lệ ngày nay là niềm tự hào của người Nhật cần đổ lỗi cho điều tình cờ gì?
Khi kinh tế đi vào suy thoái, dễ dẫn đến hiểu lầm rằng đối tượng cần được trợ giúp nhất là những người nghèo khổ, người thu nhập thấp cần được trợ giúp để mua nhà ở xã hội, người mất việc cần được trợ cấp thất nghiệp nhiều hơn v.v… Nhưng thực tế chi tiêu tài khóa cần đảm bảo mục tiêu sao cho tác động thúc đẩy tổng cầu lên cao theo cấp số nhân, mà người nghèo thì lại không đảm bảo được việc 1 đồng chi ra của Chính phủ sẽ được tiếp tục quay thêm nhiều vòng chi tiêu làm tăng tổng cầu cao hơn thành 3, 4 hay 5 đồng trong nền kinh tế. Dòng vốn thúc đẩy vượt qua suy thoái bên cạnh những mục tiêu nhân đạo trong xã hội, cần chú ý đến những khu vực có thể tạo ra việc làm từ những doanh nghiệp có thể sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ thực sự có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường