Thấy gì ở thị trường bất động sản mới nổi Bình Phước?
Ngoài những cơn “sốt” đất hồi đầu năm 2021, “thủ phủ” cao su Bình Phước đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ từ hạ tầng giao thông cùng với cơ chế chính sách cởi mở, từ đó, kéo theo thị trường bất động sản đang thu hút nhiều doanh nghiệp về đầu tư, săn quỹ đất.
Giá ấm dần
Thông tin về những tập đoàn lớn như Vingroup (năm 2016), FLC (năm 2018), Cát Tường (năm 2019) đổ về Bình Phước triển khai dự án bất động sản hay những thông tin về các dự án giao thông chuẩn bị triển khai đã tạo nên làn sóng đầu tư mới ở Bình Phước.
Về tình hình phát triển của thị trường bất động sản ở địa phương này trong thời gian qua, chuyên gia Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) DKRA Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản Bình Phước đã có những bước phát triển nhất định trong giai đoạn từ năm 2015-2019, nhưng phân khúc phát triển chủ yếu vẫn là đất nền phân lô, người mua chỉ̉ mang tính chất đầu tư. Gần đây, với sự xuất hiện của một vài chủ đầu tư lớn, đã góp phần tạo ra sự sôi động cho thị trường này.
“Mức giá đất của Bình Phước đã tăng mạnh trong thời gian 3 năm qua, trung bình 10 - 20%/năm từ năm 2018-2020 tùy theo khu vực khác nhau. Đây là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư, nhưng cũng ẩn chứa rủi ro từ những cơn “sốt” đất diễn ra đầu năm 2021. Tuy nhiên, trong tương lai gần, bất động sản Bình Phước sẽ tạo nên lực hấp dẫn trong các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, chuyên gia Nguyễn Hoàng nhận định.
Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, trao đổi với Nhadautu.vn ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Asian Holding nhìn nhận, thị trường bất động sản Bình Phước có 2 đợt biến động lớn về giá đất. Cụ thể, giai đoạn đầu từ những năm 2017-2018 khi mà TX. Đồng Xoài lên thành phố, giai đoạn tiếp theo là đầu năm 2021 khi có thông tin quy hoạch sân bay Técníc, huyện Hớn Quản và tuyến ĐT753 từ Đồng Xoài đi cầu Mã Đà.
Nếu so sánh từ những năm 2017, 2018 đến nay thì tốc độ tăng giá tùy từng khu vực. Đất thổ cư có thể đã tăng đến 100%, đặc biệt là ở vị trí gần các khu công nghiệp Chơn Thành, Becamex, Minh Hưng. Trong khi đó đất dự án dao động từ 20-30%.
“Ví dụ như như ở Đồng Phú, thời điểm trước đất có giá 4-5 triệu đồng/m2 thì nay không có giá dưới 10 triệu đồng/m2. Hay như ở Đồng Xoài trước đây dao động từ 7-8 triệu đồng/m2 thì bây giờ mức giá trung bình đã lên đến 15 triệu đồng/m2. Tại Chơn Thành những năm 2018, 2019 mức giá đất từ 2,5-3 triệu đồng/m2 thì nay cũng tăng lên từ 5-6 triệu đồng/m2…”, ông Hậu cho hay.
Chờ đòn bẩy từ hạ tầng giao thông
Hạ tầng giao thông ở Bình Phước chính là điểm sáng kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản. Không những vậy, Bình Phước còn có mục tiêu biến vùng đất cao su trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam bộ vào năm 2025.
Mục tiêu đã rõ ràng, địa phương này đang dồn mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, đi cùng với cơ chế chính sách cởi mở để có thể thu hút các nhà đầu tư về nghiên cứu, đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh đã có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và tiếp tục được quy hoạch và mở rộng.
Nếu so sánh hạ tầng giao thông các tỉnh khu vực phía Nam có thể thế thấy, Bình Phước đang đi đúng hướng mà tỉnh Bình Dương đã định hình phát triển trước đây, trong đó đặc biệt ưu tiên về hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh tạo thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, liên kết giữa các vùng, miền, thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm đầu tư.
Tuyến QL14 hiện hữu kết nối Bình Phước với các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam bộ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về giao thương mà còn rút ngắn khoảng cách về kinh tế giữa Bình Phước với các tỉnh lân cận. Còn QL13 thông qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư kết nối Bình Phước với Campuchia, Lào, Thái Lan.
Bên cạnh đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định mục tiêu từng bước hoàn thiện và nâng cấp kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, lĩnh vực phát triển và thu hút đầu tư.
Bình Phước sẽ phối hợp Bộ GTVT và các tỉnh nơi có dự án đi qua để sớm triển khai thực hiện. Đơn cử như tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành với tổng mức đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng; cao tốc Chơn Thành - Đắk Nông với tổng mức đầu tư dự kiến 5.700 tỷ đồng; tuyến đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến cửa khẩu Hoa Lư với tổng mức đầu tư dự kiến 25.000 tỷ đồng; QL14C kết nối Đắk Nông với Bình Phước qua Tây Ninh, Long An, tổng mức đầu tư dự kiến 767 tỷ đồng...
Ngoài ra, địa phương này còn ưu tiên đầu tư các trục đường song song, trục kết nối với các tuyến ĐT741, QL13, QL14, các tuyến đường tránh và tiếp tục triển khai xây dựng đường Đồng Phú - Bình Dương. Đồng thời, khởi động lại dự án xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và cảng Cái Mép, Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Hiện nay, Bình Phước đang có nhiều dự án giao thông trọng điểm quy hoạch, từ đó cũng đã đẩy giá bất động sản. Tuy vậy, phần lớn các dự án giao thông này lại chưa triển khai khai xây dựng hoặc chỉ đang dừng ở bước nghiên cứu tiền khả thi. Mặt khác lượng di dân cơ học ở địa phương này đang còn thấp, tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp cũng chưa cao.
Do đó, các chuyên gia cũng đánh giá thị trường bất động sản dù có nhiều dư địa để phát triển trong vài năm tiếp theo, song, các nhà đầu tư thứ cấp cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin để tránh rủi ro.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận