Tháo gỡ "điểm nghẽn" để thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước
Trước thực trạng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang diễn ra chậm hơn so với mục tiêu đề ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự đồng bộ về chính sách để tháo gỡ vướng mắc.
Báo cáo về công tác cổ phần hóa, sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, trong những tháng đầu năm 2024, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp tiến triển chậm.
Về cổ phần hóa, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 và số 184/QĐ-TTg ngày 20/2/2024. Trong 6 tháng đầu năm, chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Về thoái vốn, trong 6 tháng đầu năm 2024, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp (F1) với tổng giá trị phần vốn nhà nước là 139 tỷ đồng, thu về 149,2 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 2 doanh nghiệp (F2) với giá trị 39,91 tỷ đồng, thu về 180,58 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm, không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao là do những hạn chế ở khâu lập kế hoạch cho đến khâu tổ chức triển khai thực hiện, giám sát kiểm tra. Trong số đó, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp chưa cao, chưa quyết liệt. Cùng với đó, việc thanh tra, kiểm tra thời gian qua chưa có chế tài xử lý trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước trong việc chậm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, thúc đẩy đổi mới, phát triển nền kinh tế, vì vậy cơ quan đại diện chủ sở hữu cần có đánh giá thận trọng để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm hiệu quả, khả thi, không thất thoát tài sản Nhà nước. Đồng thời, cần có sự đồng bộ về chính sách, quy định pháp luật cũng như sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng.
Cần có sự đồng bộ về chính sách, quy định pháp luật cũng như sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đề nghị, Chính phủ làm rõ những vướng mắc gặp phải trong quá trình tổ chức triển khai, nếu vướng mắc xuất phát từ cơ chế, chính sách, thì cần sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sắp xếp lại nhà, nhà đất của doanh nghiệp nhà nước.
“Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban quản lý vốn nhà nước đưa ra định hướng rõ ràng để các cơ quan đại diện chủ sở hữu có đánh giá thận trọng, xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức triển khai thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm phù hợp, khả thi, không thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Đồng thời, phải xử lý nghiêm những trường hợp cố ý làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp dẫn đến việc triển khai không đạt được yêu cầu đề ra”, đại biểu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Đức Duy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho biết, công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, xử lý doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, cho phá sản các công ty lâm nghiệp, lâm trường quốc doanh, công ty cấp nước, còn nhiều vướng mắc, khó triển khai thực hiện, nguyên nhân chủ yếu do pháp luật về doanh nghiệp, về xử lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường, cơ chế giá dịch vụ công ích... còn nhiều khó khăn.
“Cần hoàn thiện cơ chế pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp công ích, đơn vị sự nghiệp kinh tế và xử lý tài chính tại các doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, giải thể, xử lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc danh”, đại biểu đề nghị.
Được biết, để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang tổng hợp, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách vướng mắc liên quan đến sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất đai khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cụ thể, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; sửa đổi bổ sung Nghị định sửa đổi, Nghị định 91/2015/NĐ-CP về việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017/NĐ-CP và Nghị định 91/2015/NĐ-CP liên quan,...
Trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm dự toán thu ngân sách nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận