24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quách Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tháo các điểm nghẽn để logistics TP HCM cất cánh

TP HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành logistics.

Ngành logistics sẽ phát triển tương xứng tiềm năng nếu giải quyết được các vấn đề bức bách về hạ tầng, nguồn nhân lực...

Ngày 14-4, tại tọa đàm "Logistics TP HCM cất cánh" trong khuôn khổ Hội nghị "Cục Hải quan TP HCM và cộng đồng doanh nghiệp (DN) đồng hành, chung tay phục hồi kinh tế" do Cục Hải quan TP HCM tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng ngành logistics rất quan trọng, là đầu mối để đưa TP HCM phát triển nhưng còn nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ.

Nhiều điểm nghẽn

Phát biểu tại tọa đàm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết dù đóng vai trò quan trọng nhưng ngành logistics thành phố đang tồn tại 5 điểm nghẽn. Trong đó, hạ tầng chưa đồng bộ là vấn đề quan trọng; cả đường sắt, bộ, thủy, hàng không đều chưa hoàn chỉnh. Hiện nay, Chính phủ mới triển khai tuyến đường Vành đai 3, đây được xem là tín hiệu đáng mừng.

Cũng theo ông Hoàng Vũ, thành phố có đến 4.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực logistics với 2.000 kho bãi. Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành còn ở mức độ thấp. Các chỉ số ứng dụng rất thấp (kể cả cơ quan quản lý ngành) khiến cho chi phí logistics đội lên cao, gấp đôi so với các nước khác, khiến DN hoạt động trong ngành gặp khó khăn. Nếu Việt Nam không có biện pháp kéo giảm chi phí logistics thì rất khó cạnh tranh, khó tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại...

Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP HCM (HLA), cho rằng ngành hải quan đóng vai trò quan trọng quyết định mọi dòng chảy hàng hóa có được ổn định hay không. Hoạt động của ngành hải quan đã có nhiều thay đổi tích cực, nhất là trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua. Nhờ đơn giản hóa các thủ tục hải quan, hải quan điện tử đã giúp cho hoạt động logistics rất nhiều. Tuy nhiên vấn đề hạ tầng chưa đồng bộ, nhân lực thiếu trầm trọng đang rất bức bách, cần sự hỗ trợ đào tạo từ ngành hải quan.

Cần phát triển hệ thống trung tâm logistics

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, trong kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển ngành logistics TP HCM giai đoạn 2025-2030 đã nêu rõ 6 giải pháp, trong đó phát triển hệ thống trung tâm logistics là cấp thiết. Hiện nay các trung tâm phát triển tự phát, chưa có sự phối hợp công - tư nên chưa có trung tâm logistics nào đủ tầm dù quy mô nhỏ hay lớn. "TP HCM cần đầu tư 7 trung tâm logistics theo hình thức kêu gọi đầu tư.

Trong đó, TP Thủ Đức có 3 trung tâm logistics ở các khu gần cảng Long Bình, cảng Cát Lái, khu công nghệ cao... đến năm 2023 phải hoàn tất tất cả thủ tục tư vấn, kêu gọi đầu tư. Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết vùng, với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh... TP HCM cần nhiều đơn vị tư vấn để triển khai tốt nhất hoạt động của các trung tâm logisics" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin và nói thêm, trong định hướng phát triển ngành logistics thì chuyển đổi số là giải pháp ưu tiên.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, cho biết thời gian qua ngành hải quan thành phố đã có nhiều kiến nghị nhằm cắt giảm chi phí logistics, cụ thể nhất là hoạt động quản lý chuyên ngành kết hợp kiểm tra hàng để hình thành vòng tròn khép kín; triển khai đề án chống ùn tắc tại cảng Cát Lái cũng như các khu vực khác. Đặc biệt, để những giao dịch có liên quan đến hải quan tốt hơn thì phải có hệ thống quản trị tập trung, giao dịch hải quan điện tử.

Cục Hải quan TP HCM cũng đã mạnh dạn đề xuất thu phí hạ tầng cảng biển từ 1-4 cũng như tìm cách đề xuất biện pháp phát triển hệ sinh thái đồng bộ gồm du lịch, chuyển đổi số... Về nhân sự, Cục Hải quan TP HCM có thể kết hợp HLA, các trường để hỗ trợ trong công tác đào tạo nhân lực, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động đại lý hải quan để công tác làm thủ tục của các DN thuận lợi, nhanh chóng.

Ông Thắng nhấn mạnh có nhiều cơ sở để ngành logistics thành phố cất cánh. "TP HCM có vị trí thuận lợi, có cảng nước sâu và có thể kết nối tốt các khu vực, quan trọng là có nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao cùng với nhiều hiệp định đã ký kết với khả năng thu hút 260 tỉ USD trong thời gian tới.

Đặc biệt, các tổ chức quốc tế vẫn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với việc kiểm soát dịch bệnh tốt. TP HCM thu hút khách du lịch chiếm đến 50% thị phần khách nước ngoài, với tốc độ xuất nhập khẩu hiện nay, tới 2030 Việt Nam sẽ thu hút lượng hàng hóa lớn" - ông Thắng nêu dẫn chứng.

TP Thủ Đức là trọng tâm của logistics

Tại tọa đàm, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, thừa nhận điểm nghẽn lớn nhất ngành logistics TP HCM là hạ tầng mà TP Thủ Đức chiếm đa phần các dịch vụ. TP Thủ Đức có cụm các cảng lớn, chiếm 45% năng lực thông quan tại phía Nam. Trong quy hoạch, TP Thủ Đức đề xuất kết nối các cụm cảng để kết nối đường bộ, đường sắt quốc gia; trong ngắn hạn là kết nối Cát Lái - Phú Hữu và Vành đai 3 với Long Thành - Dầu Giây.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả