menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Hảo

Thanh toán không tiền mặt ở nông thôn:Mấu chốt là mở rộng hệ sinh thái

Mobile money góp phần lớn để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại vùng sâu, vùng xa, nên NHNN đề xuất xây dựng hành lang pháp lý cho DN thực hiện dịch vụ này.

Tiềm năng cho mobile money còn rất lớn

Tại tọa đàm "Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 13/12, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết, thời gian qua, các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả nhất định.

Theo đó, NHNN đã ban hành các thông tư, hướng dẫn, mở tài khoản định danh khách hàng điện tử theo eKYC, mở thẻ theo định danh khách hàng eKYC. Vì vậy, khách hàng không cần đến ngân hàng mà vẫn có thể mở được các tài khoản thanh toán và mở được thẻ để thực hiện giao dịch.

Ngoài ra, từ năm 2015, NHNN đã chấp thuận cho một số đơn vị phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, bằng hình thức hợp tác giữa ngân hàng thương mại với một số tổ chức khác, như hình thức kết hợp giữa MB, Viettel, giữa Vietcombank với ví điện tử momo. Các hình thức phối hợp giữa các đại lý đã phát huy hiệu quả, vai trò hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, phải kể đến dịch vụ mobile money. Đây là dịch vụ thanh toán nhỏ lẻ, tiện lợi dành cho khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chỉ cần có sóng điện thoại. Tổng giá trị mobile money cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 15 triệu giao dịch với tổng số khoảng gần 950 tỷ đồng.

"Như vậy, có thể nói, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành công trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo ông Tuấn, thứ nhất là thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến.

Thanh toán không tiền mặt ở nông thôn:Mấu chốt là mở rộng hệ sinh thái
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN (Ảnh: VGP/Quang Thương).

Một số khó khăn khác như mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị. Ngoài ra, một số sản phẩm dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt chưa được thiết kế theo hướng tới khách hàng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ.

Bổ sung cho những khó khăn nêu trên, ông Trương Quang Việt - Phó Tổng Giám đốc Viettel Digital cho biết, về mặt pháp lý cũng có một số vướng mắc, như hạn mức tiêu dùng hằng tháng so với nhu cầu thực tế.

“Mặc dù, chúng ta đánh giá việc phát triển đến thời điểm này vẫn chưa bùng nổ nhưng tiềm năng cho mobile money còn rất lớn để khai phá, đặc biệt là hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, hướng đến phổ cập phổ cập tài chính toàn diện’, ông Việt nhấn mạnh.

Vị đại diện Viettel phân tích, dự kiến hết năm nay Viettel Digital đã có 2 triệu khách hàng dùng mobile money, có hơn 60% khách hàng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đến hết năm, dự kiến có hơn 3.000 điểm kinh doanh cung cấp dịch vụ cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Những con số này còn khiêm tốn cho với tiềm năng, đặc biệt so với khách hàng viễn thông.

Phát triển các đại lý thanh toán tại vùng sâu, vùng xa

Bàn về các giải pháp để thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, ông Phạm Anh Tuấn cho hay, NHNN đang dự kiến một số nội dung như tập trung triển khai các giải pháp để đa dạng các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là phát triển các đại lý thanh toán tại vùng sâu, vùng xa.

Với nội dung đại lý thanh toán, dự kiến NHNN sẽ xem xét để có khả năng tiếp tục gia hạn việc thí điểm, trên cơ sở đó sẽ rà soát, xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho việc chính thức triển khai.

“Đối với các vùng sâu, vùng xa, chúng tôi nghĩ rằng hệ thống mobile money sẽ góp phần rất nhiều trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Vì vậy dự kiến đến tháng 11/2023 khi kết thúc thí điểm 2 năm đối với dịch vụ này, chúng tôi đang xem xét, sơ kết, tổng kết đánh giá để có thể đề xuất lên Chính phủ tiếp tục cho triển khai thí điểm để tiếp tục xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp triển khai chính thức việc cung cấp các dịch vụ này”, ông Tuấn nói.

Về phía các ngân hàng, ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng Giám đốc Sacombank chia sẻ sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số cũng như ứng dụng các phương tiện thanh toán đa dạng và tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thanh toán không tiền mặt ở nông thôn:Mấu chốt là mở rộng hệ sinh thái
Các khách mời tham gia Tọa đàm (Ảnh: VGP/Quang Thương).

Ông Tâm phân tích, về tài khoản và thẻ ngân hàng, người dân ở vùng nông thôn hiện nay sở hữu rất nhiều. Vậy vấn đề mấu chốt rõ ràng là chúng ta phải phát triển hệ sinh thái thanh toán rộng hơn.

“Đứng về vai trò ngân hàng, chúng tôi cũng sẽ thực hiện việc cùng nhau số hóa bởi đây là công việc phải đi cùng nhau chứ không thể riêng lẻ, từ việc kết nối với NAPAS hay các tổ chức trung gian thanh toán khác, hay những tổ chức thẻ, Mobile Money, hay các công ty Fintech… để làm sao phát triển được thêm ngày càng nhiều điểm thanh toán nhỏ lẻ nhất, một điểm yếu hiện nay, để khuyến khích người dân sử dụng thanh toán”, ông nói.

Đại diện Sacombank cũng đề nghị có thể xem lại mức phí ưu đãi đối với khu vực vùng nông thôn hoặc có thể miễn giảm thuế, ưu đãi thuế đối với các đại lý chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

“Một điểm nữa, theo chúng tôi cần có sự quan tâm hơn chính là công tác truyền thông để tạo sự hấp dẫn thu hút khách hàng. Khách hàng ở đây không những trực tiếp ở vùng nông thôn mà các ngân hàng cũng cần gia tăng tiếp cận với các khách hàng ở vùng thành thị, đặc biệt là các khu công nghiệp, những người công nhân bởi chính những người này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới gia đình của họ, người thân của họ đang ở vùng nông thôn”, ông Tâm kết luận.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại