Thành tích kinh tế không trọn vẹn của ông Biden
Tổng thống Biden khởi động chiến dịch tái tranh cử trong bối cảnh các cử tri đang lo lắng về lạm phát cao, lãi suất leo thang.
"Chúng tôi sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và sản xuất. Chúng tôi sẽ tạo ra hàng triệu công việc được trả lương cao ở Mỹ và đưa thị trường việc làm trở lại con đường dẫn đến toàn dụng lao động", ông Joe Biden nêu thông điệp khi tranh cử vào năm 2020.
Bằng một số biện pháp, kinh tế Mỹ đã tốt hơn kể từ khi ông tiếp quản Nhà Trắng. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ khi ông nhậm chức vào 20/1/2021, trong bối cảnh việc làm và lương tăng. Điều này đã giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, dù tăng trưởng kinh tế nói chung không đồng đều.
Theo Politico, nhiều chiến lược gia và nhà hoạt động của đảng Dân chủ đánh giá cao chính quyền Biden về việc ổn định nền kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, bốn phần năm số người được hỏi trong cuộc thăm dò gần đây của WSJ mô tả sức khỏe nền kinh tế "không tốt" hoặc "kém". Gần một nửa dự đoán tình hình sẽ tệ hơn trong năm tới. Các nhà kinh tế được khảo sát trong tháng này nêu xác suất suy thoái trong 12 tháng tới là 61%.
Vậy đâu là những lý do khiến thành tích kinh tế của ông Biden ít nhiều lu mờ trong mắt cử tri?
Đầu tiên, lạm phát của Mỹ tăng vọt trong đại dịch do các yếu tố như tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nhân công, các chương trình kích thích của chính phủ và nhu cầu bị dồn nén của người tiêu dùng với các dịch vụ như du lịch và ăn uống khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Đến tháng 3/2023, chỉ số giá tiêu dùng nước này đã giảm xuống 5% so với mức cao nhất gần đây là 9,1% vào tháng 6/2022. Song, nó vẫn cao hơn nhiều so với mức 1,4% vào tháng 1/2021, khi ông Biden nhậm chức. Giá hàng tạp hóa và dịch vụ ăn uống đặc biệt tăng cao, gây khó khăn cho ngân sách hộ gia đình. Chi phí thực phẩm đã tăng 18,3% trong tháng trước so với đầu năm 2021.
Diễn biến CPI Mỹ qua các đời tổng thống. Đồ họa: WSJ
Xung đột Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022 đã khiến giá năng lượng toàn cầu tăng vọt. Giá trung bình của một gallon (3,7 lít) xăng không chì thông thường hôm 25/4 là 3,66 USD, đã giảm so với mức cao kỷ lục 5,02 USD vào ngày 14/6/2022, nhưng cao hơn mức 2,39 USD vào ngày 20/1/2021, theo dữ liệu của OPIS.
Thứ hai, thị trường lao động cải thiện nhưng vẫn gặp khó. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 3,5% vào tháng trước, gần mức thấp nhất trong 50 năm. Đây là một con số cải thiện nếu so với mức 6,3% vào tháng 1/2021 và mức cao nhất do đại dịch gây ra là gần 15% vào tháng 4/2020. Người sử dụng lao động đã tạo thêm 12,6 triệu việc làm kể từ tháng 1/2021. Điều đó đã nâng tổng số người đi làm của quốc gia lên trên mức trước đại dịch vào giữa năm ngoái.
Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ qua các đời tổng thống. Đồ họa: WSJ
Dù vậy, nhà tuyển dụng chật vật kiếm người là tình trạng thiếu lao động kinh niên trong nhiều lĩnh vực kể từ khi các biện pháp phong tỏa do đại dịch nới lỏng. Số lượng việc làm đăng tuyển mức 9,9 triệu vào tháng 2/2023, vượt quá số người Mỹ thất nghiệp khoảng 4 triệu. Khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, tình thế ngược lại, với 7,2 triệu vị trí đăng tuyển nhưng số người tìm việc hơn 10 triệu.
Chưa kể, lương tăng nhanh nhưng không theo kịp lạm phát kể từ khi ông Biden nhậm chức. Thu nhập trung bình mỗi giờ của lao động khu vực tư nhân đã tăng gần 11% vào tháng 3/2023 so với tháng 1/2021. Con số này thấp hơn mức tăng gần 15% của CPI trong cùng giai đoạn.
Tổng tài sản của người Mỹ tăng vọt sau đại dịch, khi cổ phiếu và giá trị bất động sản tăng lên và các hộ gia đình đã trả hết nợ trong thời gian phong tỏa. Tuy nhiên, một số tài sản đã mất giá trong năm qua khi lãi suất tăng. Nhìn chung, tài sản ròng của hộ gia đình - giá trị của tất cả tài sản, chẳng hạn cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản trừ đi các khoản nợ như vay thế chấp và nợ thẻ tín dụng - đã tăng 8%, tính từ quý I/2021 đến quý IV/2022.
Tổng tài sản hộ gia đình Mỹ (nghìn tỷ USD) qua các đời tổng thống. Đồ họa: WSJ
Thứ ba, nợ công của Mỹ tính đến 24/4 lên 31.460 tỷ USD, tăng 8.000 tỷ USD so với cuối tháng 1/2020. Một phần là do việc tăng chi tiêu hàng nghìn tỷ USD để đối phó với đại dịch. Gần một nửa số nợ tăng lên đó (3.780 tỷ USD) được tích lũy từ khi ông Biden nhậm chức.
Nợ công đang trở thành chủ đề nóng trên chính trường. Bộ Tài chính Mỹ đang hết cách để tránh vay thêm. Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen cho biết cơ quan của bà đã thực hiện "các biện pháp đặc biệt" kể từ tháng 1 để thanh toán một số khoản nợ đến hạn trong khi hạn chế tối đa việc vay thêm. Tuy nhiên, các nhà phân tích ước tính Bộ Tài chính có thể hết các lựa chọn vào tháng 6 hoặc tháng 7.
Tỷ lệ nợ công Mỹ so với GDP (%) qua các đời tổng thống. Đồ họa: WSJ
Hôm 25/4, Hạ viện - kiểm soát bởi đảng Cộng hòa, đã thông qua đề xuất cắt giảm chi tiêu liên bang hàng tỷ USD để đổi lấy việc tăng trần nợ công. Dù vậy, để tránh vỡ nợ và khả năng xảy ra suy thoái, sẽ phải cần một số loại thỏa thuận khác mà đảng Cộng hòa và Dân chủ đồng ý.
Một cuộc thăm dò của NBC News được công bố vào cuối tuần trước cho biết, 70% người Mỹ nói rằng Biden không nên tranh cử - bao gồm 51% người theo đảng Dân chủ. Trong số những người nói ông không nên tranh cử thì 69% cho rằng tuổi tác là một lý do. Số người ủng hộ ông tranh cử là 26%. Tuy nhiên, rất nhiều điều có thể xảy ra trong một chiến dịch kéo dài 18 tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường