Thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại 13 quốc gia, vùng lãnh thổ
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ không chỉ giúp trái thanh long Bình Thuận tiêu thụ vững chắc ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra ngoài nước, đặc biệt là những thị trường khó tính.
Du khách quốc tế hào hứng khi được làm nông dân và trải nghiệm cuộc sống của người trồng thanh long ở vùng nông thôn đặc trưng của Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
Thời gian qua, Bình Thuận đẩy mạnh việc trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thanh long. Đồng thời, hỗ trợ các đơn vị đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài, góp phần giữ vững thương hiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội thanh long Bình Thuận thẩm định điều kiện, năng lực sử dụng chỉ dẫn địa lý Bình Thuận dùng cho quả thanh long cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh quả thanh long trong vùng đăng bạ.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Bình Thuận cho 17 cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 96 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thanh long được cấp chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Bình Thuận; trong đó, 30 giấy chứng nhận còn hiệu lực.
Hiện chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được Liên minh Châu Âu (EU) bảo hộ. Cùng đó, hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT" đã đăng ký và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan… Các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh thanh long gồm: Thuận Tiến, Hòa Lệ, Hồng Sơn, Hàm Minh 30 đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Tính đến tháng 6/2020, Bình Thuận có khoảng 32.000 ha thanh long với sản lượng hơn 640.000 tấn. Thực tế cho thấy, từ khi có chỉ dẫn địa lý, thanh long Bình Thuận đã thâm nhập được những thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, giai đoạn 2016- 2019, các doanh nghiệp của Bình Thuận đã xuất khẩu chính ngạch hơn 28 triệu USD, tương đương 24.500 tấn thanh long tươi. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống như Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan…, thanh long Bình Thuận còn được xuất khẩu chính ngạch sang các nước Đức, Hà Lan, Hoa Kỳ, New Zealand…
Chỉ dẫn địa lý đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; đồng thời tạo cho người nông dân thói quen sản xuất theo quy trình khoa học, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ hoàn thiện hồ sơ đăng ký nộp cho cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản theo Dự án “Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận sang Nhật Bản”.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội thanh long Bình Thuận tăng cường tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thanh long thực hiện các thủ tục gia hạn hoặc tái cấp Giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho trái thanh long.
Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính, tỉnh đẩy mạnh sản xuất thanh long theo hướng an toàn. Ngành nông nghiệp vận động, tuyên truyền người dân thực hiện sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản, từng bước phát triển sản xuất thanh long theo hướng GlobalGAP, thanh long hữu cơ để mở rộng thị trường châu Âu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận