Thành công của doanh nghiệp là minh chứng cho môi trường đầu tư thuận lợi
Các doanh nghiệp đã đầu tư thành công tại Lâm Đồng, Gia Lai... đã có những chia sẻ đầy tâm huyết sau khi đầu tư thành công tại những địa phương này.
Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ-TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên đã ghi nhận những chia sẻ đầy tâm huyết về kinh nghiệm đầu tư và đánh giá môi trường đầu tư của một số doanh nghiệp sau khi đầu tư thành công ở Lâm Đồng, Gia Lai...
Là 1 trong 4 doanh nghiệp FDI đầu tiên đến đầu tư tại Lâm Đồng, đại diện Công ty TNHH Dalat Hasfarm cho biết, khởi đầu với tổng vốn đầu tư 700.000 USD trên diện tích 4 ha với 40 lao động, đến nay, Công ty đang hoạt động với tổng vốn đầu tư 130 triệu USD trên diện tích 340 ha với gần 4.000 lao động thường xuyên và gần 300 lao động công nhật mỗi ngày.
2 trong 3 dự án của Công ty được triển khai trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Lâm Đồng. Sản phẩm chính của Công ty là hoa cắt cành, hoa chậu và giống hoa cung cấp cho thị trường trong nước và 15 thị trường nước ngoài.
Công ty hiện đang hợp tác với gần 200 hộ dân với doanh số hàng năm gần 100 tỷ đồng. Bằng cách này, hoa của bà con nông dân Đà Lạt, Đơn Dương đã đến được với các khách hàng ở những thị trường rất khó tính như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc …
Công ty hiện đang tìm thêm đất để mở rộng các dự án đầu tư tại tỉnh Lâm Đồng, khảo sát môi trường đầu tư tại tỉnh Đăk Nông để đầu tư các dự án mới cũng như mở các thị trường xuất khẩu mới như New Zealand, Nga và các nước Trung Đông.
Tỉnh Lâm Đồng hiện nay, theo quan điểm của Công ty, đã hội tụ được đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Bên cạnh sự quyết tâm, tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Hội đồng quản trị, của các nhà đầu tư; trình độ quản lý của Tổng Giám đốc cùng trình độ tay nghề và kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công nhân, nhân viên thì không thể không kể đến môi trường đầu tư đầy hấp dẫn của tỉnh Lâm Đồng.
Về điều kiện tự nhiên, đại diện Công ty này cho rằng có thể tóm tắt là rất thuận lợi để phát triển các dự án nông, lâm nghiệp gắn với chế biến để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Vấn đề chỉ còn là tìm ra được phương thức tổ chức phù hợp để khai thác các tiềm năng thế mạnh này.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có các đơn vị rất mạnh về nghiên cứu rau, hoa như Phân viện Sinh học Tây Nguyên; Trung tâm nghiên cứu giống hoa, giống khoai tây; khoa Công nghệ Sinh học và khoa Nông Lâm của Trường Đại học Đà Lạt hoàn toàn có khả năng nghiên cứu, lai tạo các giống rau, hoa mới đáp ứng được các nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, các giống này sẽ là các giống có bản quyền của Việt Nam, từng bước thay thế cho hơn 90% các loại giống rau, hoa phải nhập khẩu (đang rất vướng mắc về việc đánh giá nguy cơ dịch hại) như hiện nay.
"Bên cạnh những thay đổi tích cực trong việc ban hành các chủ trương, chính sách ngày càng bám sát hơn, thiết thực hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp từ Chính phủ và các cơ quan TW, tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách để cụ thể hóa với các trình tự, thủ tục cụ thể phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong những năm gần đây, việc đề cao vai trò và tạo điều kiện cho Hiệp hội Doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề hoạt động đã tạo cơ sở cho mối quan hệ gắn bó hơn giữa các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, giúp các bên liên quan nhanh chóng tìm được tiếng nói chung, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp sớm tiếp cận được với các chủ trương chính sách mới của Đảng và nhà nước cũng như các quy định, hướng dẫn của tỉnh.
Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông, viễn thông …) của tỉnh Lâm Đồng liên tục được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đứng chân trên các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn", đại diện Công ty TNHH Dalat Hasfarm chia sẻ.
Vị đại diện này cho rằng, việc nâng cấp, khai thông các tuyến đường kết nối giữa tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ đã giúp cho việc lưu thông hàng hóa được thuận lợi, giảm tỷ lệ hư hỏng trong khâu vận chuyển, hạ giá thành … là một trong các yếu tố giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất - kinh doanh và phân phối sản phẩm.
"Nhìn chung, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã được lắng nghe, chia xẻ và hướng dẫn để được giải quyết. Việc làm rõ đầu mối và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong từng lĩnh vực cụ thể để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp đã làm cho mối quan hệ tương tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền được chặt chẽ và nhanh chóng hơn, làm cho các doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian đi lại, chờ đợi, nắm bắt kịp thời cơ hội kinh doanh. Có thể nói “đất lành, chim đậu” , sự thành công của Công ty TNHH Dalat Hasfarm hôm nay là minh chứng cho môi trường đầu tư thuận lợi và luôn được cải thiện của tỉnh Lâm Đồng", đại diện Công ty TNHH Dalat Hasfarm đánh giá.
Tại Hội nghị này, Công ty TNHH Dalat Hasfarm đề xuất, hiện nay, theo quy định thì các dự án FDI không được tiếp cận với các dự án nông - lâm kết hợp. Trong khi có nhiều dự án dạng này do các doanh nghiệp trong nước thực hiện không hiệu quả hoặc gặp khó khăn không thể triển khai dự án thì có các doanh nghiệp FDI cần tiếp nhận quỹ đất và bảo vệ rừng theo đúng các quy định của pháp luật thì lại không thể tiếp nhận để thực hiện. Do vậy, đại diện Công ty TNHH Dalat Hasfarm kiến nghị Chính phủ xem xét, có thể thí điểm cho thực hiện đối với những đối tượng và ở những địa bàn phù hợp.
Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "Thúc đẩy thị trường theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp xanh, an toàn, hữu cơ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước. Thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp xanh tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt áp dụng trong sản xuất nông nghiệp".
Công ty Dalat Hasfarm đang liên kết với gần 200 hộ nông dân để thu mua sản phẩm (hoa, lá trang trí) phục vụ trong nước và xuất khẩu cũng như đã xây dựng Quỹ Hỗ trợ phát triển cho nông dân vay không lãi để đầu tư các công trình phụ trợ canh tác. Tuy vậy, do nguồn lực có hạn nên chưa hỗ trợ được nhiều cho bà con nên nếu như có sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, các mối liên kết này sẽ có thể phát tiển cũng như duy trì hiệu quả hơn cũng như giúp cho doanh nghiệp yên tâm hơn trong việc duy trì và phát triển các chuỗi liên kết này. Cũng trong nhiệm vụ này, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ. Đây là một vướng mắc lớn đối với Công ty trong việc bảo vệ bản quyền các giống hoa nhập khẩu trong nhiều năm qua chưa được giải quyết và cũng chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Đại diện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chia sẻ kinh nghiệm đầu tư tại Gia Lai. Ảnh: V.T |
Đại diện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, Tây Nguyên là vùng giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Vùng có diện tích chủ yếu là đất đỏ bazzan và đất đỏ vàng, chính vì vậy thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế như sản xuất cây công nghiệp (cao su, cà phê, ché, hồ tiêu, điều,…), du lịch sinh thái, công nghiệp năng lượng,…
Gia Lai là tỉnh giàu tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, diện tích đứng thứ hai cả nước. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trung bình hằng năm đạt 5,18%; năm 2021, giá trị sản xuất đạt 31.987 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 34,96% trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Là một trong những tỉnh sản xuất cà phê, hồ tiêu lớn nhất cả nước; các cây trồng thế mạnh tiếp tục tăng trưởng nhanh về sản lượng và diện tích; tổng diện tích gieo trồng năm 2021 là 557.685 ha, tăng 233.196 ha so với năm 2002, năng suất và sản lượng cây trồng tăng dần qua các năm.
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp được thành lập vào năm 1991, bắt đầu đầu tư vào tỉnh Gia Lai năm 1999. "Nơi đây cho chúng tôi rất nhiều thứ, từ vùng đất bazan màu mỡ, con người hiếu khách, người nông dân chịu khó, đặc biệt là họ luôn lắng nghe và thay đổi để phù hợp với thời đại. Hiện nay Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chúng tôi làm đầu chuỗi, đã hình thành quy mô liên kết cà phê là 20.000 ha (quy trình 4C: 10.000 ha, quy trình UTZ: 1.241 ha, quy trình Organic: 45 ha) và 8.714 ha liên kết với các hộ nông dân trồng cà phê trực tiếp. Sản lượng thu mua hàng năm đạt: 70.000 tấn cà phê nhân; số hợp tác xã tham gia liên kết với Công ty: 10 HTX và 7.000 hộ tham gia liên kết, triển khai trên địa bàn 6 huyện. Việc trồng cà phê theo các tiêu chuẩn của nhà nhà nhập khẩu, trách nhiệm của Công ty chúng tôi là hỗ trợ bao tiêu sản phẩm và tài chính. Doanh nghiệp chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh, và xuất khẩu hàng nông sản chủ lực tại Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng như: cà phê, hồ tiêu, trong đó sản phẩm cà phê là mặt hàng sản xuất và kinh doanh chủ lực từ nông trại đến ly cà phê (Farm to Cup)", đại diện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chia sẻ.
Đặc biệt, sản lượng cà phê các loại hàng năm của công ty xuất khẩu trung bình 120 nghìn tấn/năm, chiếm khoảng 50% sản lượng cà phê của toàn tỉnh Gia Lai. Đứng thứ 2 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Năm 2021, là năm đại dich covid 19 bùng phát, chí phí logostic tăng cao cũng là khó khăn với chúng tôi, công ty đã xuất khẩu trên 120 nghìn tấn sản phẩm gồm cà phê nhân xanh, hồ tiêu và cà phê chế biến sâu. Tổng giá trị xuất khẩu nông sản năm 2020-2021 đạt khoảng 240 triệu USD.
Thị trường xuất khẩu của công ty đến hơn 60 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là các nước phát triển có yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Vĩnh Hiệp luôn chấp nhận thử thách mạo hiểm vì đây là một trong những sân chơi khó tính và dễ kiếm tiền, họ cũng đặt ra không ít thách thức cho xuất khẩu của cà phê Việt.
Thuế quan giảm xuống nhưng các khó khăn liên quan đến các rào cản kỹ thuật ngày càng lớn. Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho rằng, đây là những áp lực rất lớn đối với họ trong thời gian tới. Bối cảnh trên đòi hỏi họ phải xây dựng một chiến lực, kế hoạch lâu dài nhằm chủ động cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành hàng, đồng thời duy trì và phát huy lợi thế sẵn có trong quan hệ khách hàng truyền thống của ngành hàng trong và ngoài nước.
Nhiều quốc gia bắt đầu đánh thuế cao đối với sản phẩm không góp phần bảo vệ môi trường, hoặc sản phẩm xâm hại đất rừng, trong đó có sản phẩm cà phê, nên khi nhập khẩu vào EU phải có tất cả những chứng nhận đủ điều kiện hợp pháp, hoặc sản phẩm phải chứng minh được là nhà sản xuất có công bằng. "Như vậy, trước sự biến đổi xu thế tiêu dùng, chúng ta muốn tồn tại và thích ứng với thị trường thì buộc phải thay đổi", đại diện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chia sẻ.
Năm 2017, Vĩnh Hiệp vinh dự là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam hân hạnh được phục vụ cho Hội nghị APEC với thương hiệu Lamant cà phê, với sản phẩm hữu cơ Organic, cũng vào năm nay chúng tôi được chứng nhận là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chứng nhận của các tổ chức thế giới như USDA Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật bản.
"Năm 2020, chúng tôi được công nhận là sản phẩm đầu tiên cà phê Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA, gồm cà phê organic, cà phê rang xay được vận chuyển tới Châu Âu. Chúng tôi luôn tự hào về điều này. Thương hiệu của chúng tôi đã có nền móng vững chắc, chúng tôi tự tin vào khả năng cung cấp chất lượng tốt nhất cho thị trường trong và ngoài nước, sự tin tưởng này được truyền tải qua thông điệp hình ảnh, con người Gia Lai nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung mộc mạc, thật thà, chịu khó, truyền tải trên toàn cầu tạo điều kiện cho sự phát triển cà phê hữu cơ của tỉnh Gia Lai, nâng cao nhận thức về hạt cà phê với nguồn gốc cung ứng có tránh nhiệm. Chúng tôi cam kết xây dựng cộng đồng quanh hạt cà phê thông qua việc nâng cao nhận thức và đầu tư vào tài nguyên con người, để tạo nên những sự quan hệ văn hoá cà phê bản sắc và bền vững", đại diện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận