menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khả Ngân

Thách thức kép của chuỗi cung ứng công nghệ Trung Quốc

Chuỗi cung ứng công nghệ Trung Quốc bước sang 2023 với thách thức kép là nhu cầu sụt giảm và xáo trộn do biện pháp kiểm soát Covid-19 thay đổi.

Theo một nguồn tin từ chuỗi cung ứng nói với Nikkei Asia, Apple đã thông báo cho một số đối tác yêu cầu sản xuất ít linh kiện AirPods, Apple Watch và MacBook trong quý I/2023 với lý do nhu cầu suy yếu.

"Apple thông báo cho chúng tôi về việc giảm đơn hàng kể từ quý trước, một phần do nhu cầu không mạnh", quản lý tại một nhà cung cấp của Apple nói. "Chuỗi cung ứng ở Trung Quốc vẫn đang cố gắng thích ứng với những chính sách thay đổi một cách đột ngột về đại dịch, dẫn đến tình trạng thiếu lao động do Covid-19 bùng phát nhiều nơi".

Trung Quốc thay đổi chính sách từ "zero-covid" sang trạng thái ít nghiêm ngặt hơn, dỡ bỏ nhiều công đoạn kiểm soát như xét nghiệm và cách ly nhằm duy trì và phát triển kinh tế. Ban đầu, các công ty công nghệ hoan nghênh sự điều chỉnh của chính quyền. Nhưng giờ đây, họ phải đối mặt với thách thức trong việc chấp nhận "bình thường mới", đó là là sự gia tăng các ca nhiễm khi biện pháp kiểm soát lỏng lẻo hơn.

"Tình hình rất hỗn loạn", CEO một nhà sản xuất linh kiện điện tử cung cấp cho Samsung, Apple và một số công ty smartphone Trung Quốc cho biết.

Trong khi đó, một nhân viên Honor mô tả môi trường nhà máy hiện nay phần lớn "chấp nhận" việc bị nhiễm virus. "Câu chào điển hình bây giờ là: Bạn đã xét nghiệm dương tính chưa?", người này nói. "Bây giờ nó đã trở nên quá tự nhiên. Nếu không thể tránh khỏi, chúng tôi thà đón nhận nó sớm hơn. Nếu không, công việc của chúng tôi sẽ tiếp tục gián đoạn sắp tới".

Chính quyền địa phương nhiều nơi đặt nhà máy đã vận động để thúc đẩy sự thay đổi. Chiết Giang, Trùng Khánh và An Huy thông báo người lao động, gồm cả nhân viên y tế, không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ có thể quay lại làm việc với "sự bảo vệ nhất định".

Dù vậy, một số chuyên gia lo ngại việc nới lỏng một cách đột ngột sẽ gây tác động dây chuyền. Alicia Garcia Herrero, chuyên nhà kinh tế của Natixis, dự đoán về tác động "đáng chú ý" đối với ngành sản xuất sau khi Trung Quốc mở cửa. Dù vậy, bà cho rằng tình trạng không kéo dài quá lâu, có thể giảm sau Tết Nguyên đán.

Trên Nhân dân nhật báo hôm 20/12, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao nhận định chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở nên phân mảnh vì đại dịch và chiến sự ở Ukraine. Ông kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc cố gắng "trở nên lão luyện trong sản xuất" để duy trì khả năng phục hồi trong bối cảnh gián đoạn nhiều mặt.

Dù bài báo không đề cập đến Apple hay công ty nước ngoài nào đang hoạt động tại Trung Quốc, SCMP cho rằng lời kêu gọi của ông Wentao xuất phát từ bối cảnh Trung Quốc đối mặt với nguy cơ đánh mất vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu do chính sách đối phó với Covid hơn ba năm qua.

Trích dẫn kết quả nghiên cứu, hai nhà phân tích Bai Shenghao và Ivan Lam của Counterpoint cho biết Foxconn đang có kế hoạch chuyển 10-30% công suất từ Trung Quốc sang các nước như Ấn Độ, Việt Nam và Brazil, trong khi đối thủ của họ là Pegatron cũng đang đầu tư vào các nhà máy tiên tiến và đào tạo nhân sự tại Ấn Độ.

"Chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu đang dần dịch chuyển ra bên ngoài Trung Quốc để tránh rủi ro của việc phụ thuộc vào một trung tâm sản xuất duy nhất", Shenghao và Lam nhận định.

Niềm tin đỉnh dịch sớm qua

Những người như nhân viên Honor kể trên tin rằng tốt hơn hết là đối mặt với làn sóng lây nhiễm khi nhu cầu đang chững lại, bởi sớm muộn tình trạng này cũng xảy ra. "Hơn nửa số người trong tổ của tôi nhiễm bệnh, họ được nghỉ phép vì đơn hàng hiện chưa lớn", người này nói.

Ding Yi, chủ sở hữu công ty vật liệu Wuxi Huansheng, cho biết cơ sở sản xuất của ông bị gián đoạn từ giữa tháng 12 sau khi hầu hết công nhân bị nhiễm bệnh. Nhưng hiện tại, mọi việc đã hoạt động bình thường. "Không có tác động lớn nào, vì cuối năm lượng đơn hàng giảm nên tôi cũng không quá lo lắng", Yi nói.

Các công ty lớn như Foxconn, đối tác sản xuất iPhone lớn nhất cho Apple, đã bị thiếu lao động sau đợt bùng phát Covid-19 cuối tháng 10 năm ngoái. Giờ công ty thu hút nhân sự trở lại bằng tiền thưởng tới 14.000 nhân dân tệ (2.013 USD), cũng như yêu cầu nhân viên giới thiệu thêm người mới. Các công ty sản xuất trong chuỗi cung ứng công nghệ khác như Jabil ở Thành Đô, Pagatron ở Thượng Hải và LY iTech ở Thâm Quyến, cũng tăng lương và thưởng cho công nhân đầu tháng này.

"Hầu hết chúng tôi hy vọng làn sóng Covid sẽ đạt đỉnh vào khoảng tháng 2 và mọi thứ dần trở lại bình thường từ tháng 3", một nhà quản lý của SMIC, công ty sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, nói. "Chúng tôi đã trải qua một khoảng thời gian đen tối khi gần một nửa đội ngũ nhiễm bệnh, chỉ còn dưới 50% số người làm việc. Nhưng giờ đây, mọi thứ dần được cải thiện".

Jonah Cheng, Giám đốc đầu tư của J&J Investment, tỏ ra lạc quan tương tự. Theo ông, thị trường hiện vẫn "tiêu hóa" lượng hàng tồn dư thừa được sản xuất thời gian qua. Ông kỳ vọng suy thoái sẽ chạm đáy năm nay và bắt đầu phục hồi vào năm sau.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại