Temu: Rẻ nhưng không hề “bổ” và “ngon” như quảng cáo… trái phép!
“Giảm giá tưng bừng, Temu giảm đến 90%”, chạy hàng loạt quảng cáo sản phẩm trên shoptemu, temufashion… kể từ đầu tháng 10 cho tới nay. Người dùng Việt dậy sóng bởi nhiều sản phẩm đẹp mắt như mũ, dép có giá chưa tới 20,000 đồng; cơ man đồ gia dụng giá rẻ.
Nhưng thực tế, không họp báo công bố chính thức có mặt ở thị trường Việt, hỏi ra thì biết Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo - chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam nhưng app của sàn thương mại điện tử này đã cho phép người dùng đăng ký mua hàng bằng tiếng Việt, giao hàng qua 2 doanh nghiệp hậu cần cũng của Trung Quốc là Best Express và Ninja Van.
Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100,000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Còn về hoạt động xúc tiến thương mại, Luật cũng quy định "mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại".
Temu không đăng ký hoạt động với Bộ Công thương, mở app bằng tiếng Việt khi chưa có giấy phép, lại còn rầm rộ quảng cáo vượt mức cho phép… nhưng tất thảy đều làm lén một cách… công khai trước cơ quan quản lý của Việt Nam, tìm cách lôi kéo người tiêu dụng Việt, dẫn tới hệ lụy xáo trộn sản xuất trong nước, nhất là trong trong các ngành giày dép và hàng tiêu dùng, thất thoát thuế, đánh mất tính công bằng trong kiểm soát, quản lý kinh doanh giữa hàng hóa nội địa với nước ngoài, kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử, giữa sàn thương mại điện tử này với sàn thương mại điện tử khác…
Đó là chưa kể đến đâu là công cụ bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn vi phạm quyền riêng tư của người dùng Việt Nam mà một sàn giao dịch ngoại ngang nhiên thực hiện? Đâu rồi biện pháp tăng cường quy định về thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu cá nhân, ở đây lại là người dùng trong nước trước một “khách lạ” ngoài nước?
Mãi đến chiều 23/10, tại buổi họp báo thường kỳ quý 3, lãnh đạo Bộ Công thương mới lên tiếng là bộ này “đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát đánh giá tác động”. Ông Thứ trưởng cũng thật thà nói “Về giá cả, tôi cũng giật mình khi thấy giá của họ rẻ, nhưng phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, vì chưa thể khẳng định giá đó thật hay không. Trước hết phải tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường".
Còn tại phiên họp tổ của Quốc hội sáng 26/10, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ quan ngại khi hàng giá rẻ bán trên các sàn thương mại điện tử quốc tế đang tràn vào Việt Nam khi chưa được cấp phép hoạt động, nó đe dọa doanh nghiệp sản xuất nội địa. Đồng ý kiến, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nói "đây là sự cảnh báo rất lớn", bởi sản phẩm giá rẻ nước ngoài tràn vào qua kênh này sẽ triệt tiêu hàng hóa trong nước.
Bên hàng lang Quốc hội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook... Ông đã yêu cầu Tổng cục Thuế rà soát, yêu cầu nền tảng này kê khai nộp thuế và thu thập các dữ liệu thống kê: "Trường hợp Temu không nộp thuế, cơ quan quản lý sẽ thanh tra, xử lý".
Nhìn sang các nước, phản ứng với Temu là khá nhanh và mạnh. Indonesia ra lệnh cấm. Thái Lan từ tháng 7 đến hết năm áp thuế giá trị gia tăng 7% đối với tất cả gói hàng nhập khẩu có giá dưới 1,500 baht (42 USD). Âu - Mỹ định siết các quy định hoạt động và nhập khẩu. Vào tháng 5 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố rằng Temu sẽ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn về nội dung trực tuyến của EU sau khi nền tảng đạt số lượng người dùng thường xuyên hơn 45 triệu. Hôm 11/10, EC cho biết đã gửi yêu cầu đến Temu cung cấp thông tin về các biện pháp mà nền tảng này đang thực hiện nhằm ngăn chặn việc bán các sản phẩm bất hợp pháp, căn cứ theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA). "Dựa trên đánh giá về phản hồi của Temu (- yêu cầu gửi về EC trước 21/10), Ủy ban sẽ quyết định các bước tiếp theo" - thông báo của EC nêu.
Còn tại Mỹ, Temu cũng đối mặt với khả năng thay đổi quy định về De minimis, đang cho phép miễn thuế và kiểm tra với các kiện hàng nhập khẩu giá trị dưới 800 USD.
Còn Việt Nam chúng ta, vẫn chỉ mới… thỏ thẻ đề xuất, kiến nghị xem xét, chỉnh sửa chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng giá trị dưới 1 triệu đồng, khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT).
Sau cùng thì, qua 2 tuần thử nghiệm cơn lốc mua sắm giá rẻ, nhất là “món hời” free ship thì người dùng Việt cũng ít nhiều vỡ lẽ ra rằng Temu không rẻ, không nhanh như quảng cáo. Temu cũng không đa dạng cơ cấu ngành hàng. Các ngành vốn là thế mạnh của thương mại điện tử tại Việt Nam thì lại không thuộc sở trường của Temu như thời trang, thực phẩm chế biến, rau củ quả… Dù free ship nhưng thời gian giao hàng lại rất chậm so với các sàn trong nước, sàn nước ngoài, sàn của chính Trung Quốc giao dịch hợp pháp. Cách thức gói hàng cũng lỏng lẻo, việc đổi, trả hàng lại rất phức tạp.
Cơ bản nhất thì người dùng đều nhận ra Temu thực chất chỉ bán hàng không thương hiệu giá rẻ, tức với kết nối trực tiếp xưởng sản xuất nên giá thành rẻ. Tuy nhiên chất lượng hàng hóa không đảm bảo. Đơn cử Hàn Quốc đã phát hiện mẫu dép từ Temu chứa lượng chì trong đế cao hơn giới hạn cho phép 11 lần. Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng CHOICE (Australia) công bố kết quả kiểm tra 15 món đồ chơi mua ngẫu nhiên trên Temu, với hầu hết tiềm ẩn nguy hiểm từ pin.
Với tính năng chỉ thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple Pay, không chấp nhận tiền mặt cộng với hàng xưởng giá rẻ nên “người tiêu dùng thông minh” Việt cũng phần nào kịp nhận ra chất lượng của Temu tuy có rẻ nhưng không “ngon” và “bổ” như đã tưởng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận