Tasco 'vỡ mộng' với trạm thu phí tự động không dừng
Nhiều năm theo đuổi dự án thu phí tự động không dừng, những gì Tasco thu về chỉ là khoản lỗ lũy kế và nợ ngân hàng khổng lồ.
Mới đây, công ty TNHH thu phí tự động VETC (VETC) đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển nhượng Dự án thu phí tự động không dừng hoặc Nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục triển khai.
Nguyên nhân được cho là dự án bị chậm triển khai, dẫn đến chủ đầu tư thua lỗ hàng trăm tỷ đồng và có nguy cơ tiếp tục thu lỗ trong các năm tới.
Dự án thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1) được Bộ GTVT chỉ định thầu cho Công ty VETC với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Dự án được thực hiện từ năm 2014, song đến nay vẫn chưa hoàn thành và gặp nhiều vướng mắc.
Là đơn vị duy nhất trực tiếp cung cấp dịch vụ thu phí không dừng giai đoạn 1, VETC từng là quân bài chiến lược của Công ty cổ phần Tasco (Tasco). Đây là chủ đầu tư các dự án BOT với các trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án như Quốc Lộ 10, Quốc lộ 21, Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình, Quốc lộ 10 đi Hải Phòng.
Từ chỗ nắm giữ 51% cổ phần VETC sau đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 99,9% cổ phần, Tasco đặt nhiều tham vọng vào dự án này, và coi là động lực tăng trưởng dài hạn cho công ty.
Cụ thể, từ năm 2020-2024, Tasco sẽ được nhận 8% mức doanh thu phí tương đương với chi phí nhân công của trạm, từ 2025-2029 được nhận 9% mức phí của trạm, từ 2030 trở đi được nhận 10% mức phí của trạm.
Bên cạnh nguồn thu tăng trưởng bằng lần theo năm, Tasco còn có thể tận dụng nguồn tiền ứng trước của mỗi tài khoản xe để làm vốn lưu động. Tới cuối năm 2017, công ty đã tổ chức dán thẻ được 300.000 trên tổng số 2,7 triệu xe lưu hành, phí trả tiền trước trung bình mỗi xe là 300.000 đồng, tương đương tổng phí ứng trước là 90 tỷ. Với mục tiêu dán được 1 triệu xe, Tasco có thể tận dụng nguồn phí ứng trước vào khoảng 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong vai trò là đơn vị duy nhất tham gia dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1, Tasco đánh giá mình sẽ có những lợi thế nhất định khi Chính phủ triển khai giai đoạn 2 trên gần 60 trạm BOT còn lại trên toàn quốc.
Doanh nghiệp cũng sẽ có những lợi thế lâu dài khác khi chính phủ thực hiện thu phí đỗ xe điện tử, thu phí nội đô,... nhờ đã tích lũy được tệp khách hàng lớn sử dụng dịch vụ của mình.
Mặc dù vậy, thực tế cho thấy các ý tưởng của Tasco đã không trở thành hiện thực. Tính đến thời điểm giữa năm 2019, mới chỉ có 11 trạm BOT ký hợp đồng dịch vụ để trích doanh thu cho VETC và còn 33 trạm BOT chưa ký kết hợp đồng này.
VETC cho biết, gần 1 năm sau khi Chính phủ có văn bản chỉ đạo và 10 tháng kể từ khi Bộ giao thông vận tải có quyết định phê duyệt về chủ trương trích doanh thu, thực tế triển khai gặp rất nhiều khó khăn từ chính sách cũng như nhà đầu tư BOT. Mức phí mà VETC hưởng chỉ khoảng 5 – 10% mức phí đã ký trong hợp đồng BOO. Vì vậy, doanh thu của VETC thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch.
Số lượng xe dán thẻ và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia thu phí tự động không dừng chưa cao. Trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện nên chưa khuyến khích được người dân tham gia.
Kết quả, doanh thu của dự án thu được chỉ đạt khoảng 10% so với phương án tài chính khiến khoản lỗ lũy kế đến 30/9/2019 đã lên đến 300 tỷ đồng. Công ty ước tính, trường hợp đến hết năm 2020, VETC hoàn thành ký hợp đồng thu phí tự động không dừng tại 44 trạm thu phí thì công ty sẽ lỗ lũy kế cho công tác vận hành khoảng 500 tỷ đồng. Trường hợp đến cuối năm 2020 vẫn chưa triển khai được các trạm thu phí của VEC và VIDIFI thì VETC dự kiến lỗ lũy kế 580 tỷ đồng.
Đơn vị phải đứng ra “ôm” khoản lỡ lũy kế khổng lồ của VETC không ai khác ngoài công ty mẹ Tasco. Nếu tiếp tục giữ dự án thì ngoài vốn chủ sở hữu tham gia dự án là 280 tỷ đồng đã góp, Tasco còn phải bù lỗ thêm cho VETC 580 tỷ đồng.
Để triển khai dự án này, bản thân Tasco cũng đã phải vay nợ lớn. Báo cáo tài chính quý 3/2019 của công ty cho thấy, Tasco đã vay từ BIDV hơn 795 tỷ đồng để thực hiện dự án thu phí tự động không dừng. Đây là khoản vay trong hạn mức tín dụng 1.275 tỷ đồng kéo dài 147 tháng mà BIDV tài trợ cho án thu phí này. Mặc dù vậy, kể từ đầu năm 2019 đến nay, BIDV cũng đã ngừng giải ngân.
Thất bại trong việc phát triển trạm thu phí tự động không dừng và những vụ lùm xùm, ‘xả trạm BOT’ khiến hoạt động kinh doanh của Tasco khá ảm đạm.Từ mức doanh thu kỷ lục gần 2.800 tỷ đồng và số lãi sau thuế trên 400 tỷ đồng năm 2016, cả doanh thu và lợi nhuận những năm tiếp theo của Tasco đều giảm mạnh. Năm 2018, lãi sau thuế của công ty chỉ còn 66 tỷ đồng, giảm 6 lần sau 2 năm.
Sau 9 tháng đầu năm 2019 Tasco ghi nhận lợi nhuận chỉ 25 tỷ đồng, tiếp tục giảm 70% so với cùng kỳ. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HUT của Tasco giảm về vùng đáy nhiều năm trở lại đây, giao dịch quanh mức 2.000 đồng/cổ phiếu.
Đầu tháng 10, Tasco công bố quyết định thay đổi nhân sự ở vị trí cấp cao Tổng Giám đốc công ty. Theo đó, miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Văn Dưỡng, người lên thay là ông Nguyễn Viết Tân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận