Tập đoàn trăm tỉ nhân dân tệ phá sản gây rúng động Trung Quốc
Truyền thông Trung Quốc đưa tin Tập đoàn Đông Lĩnh (Dongling Group) từng đứng thứ 205 trong “Top 500 doanh nghiệp Trung Quốc năm 2023” với doanh thu 125,7 tỉ nhân dân tệ, hiện đã đi vào con đường phá sản.
Tập đoàn Đông Lĩnh có hơn 100 công ty thành viên, tổng tài sản 40 tỉ NDT và hơn 18.000 nhân viên đang đối mặt với việc bị sa thải. Các chuyên gia trong ngành cho rằng sự phá sản của Tập đoàn Đông Lĩnh chủ yếu là do mở rộng quá mức, thay đổi thị trường và quản lý kém. Việc phá sản, các vụ kiện tư pháp, tổng số tiền thi hành án và hạn chế về pháp nhân liên quan đến Tập đoàn Đông Lĩnh cho thấy công ty đang gặp khó khăn trong việc trả nợ và không có khả năng trả nợ hoặc mất khả năng thanh toán.
Được biết, Lý Hắc Ký (Li Heiji), "người lãnh đạo số 1" của Tập đoàn Đông Lĩnh từng là người giàu nhất tỉnh Thiểm Tây, cũng đã thu hút sự chú ý của dư luận. Dựa trên hành vi mở rộng trong quá khứ của tập đoàn, một số người trong Douyin đã so sánh Lý Hắc Ký với Hứa Gia Ấn. Tuy nhiên, một chủ doanh nghiệp tư nhân trong ngành ống hợp kim của thành phố Bảo Kê đã bày tỏ trên nền tảng xã hội: “Lý Hắc Ký vẫn là hình mẫu cho các doanh nhân tư nhân ở Bảo Kê”.
Lò cao các nhà máy luyện thép của Tập đoàn Đông Lĩnh đã ngừng hoạt động.
Làm thủ tục phá sản
Tiền thân ban đầu là một doanh nghiệp tập thể cấp thôn được thành lập vào năm 1980. Năm 1994, doanh thu của nó vượt quá 100 triệu NDT. Năm 1996, Tập đoàn Đông Lĩnh được thành lập. Sau nhiều năm phát triển, đã có nhiều công ty trực thuộc. Hoạt động kinh doanh chính liên quan đến luyện thép và kim loại màu, năng lượng khoáng sản, chuỗi cung ứng dịch vụ...đây là một doanh nghiệp luyện kẽm tư nhân quy mô lớn ở miền Tây Trung Quốc.
Làng Đông Lĩnh, nơi Tập đoàn Đông Lĩnh tọa lạc, còn được gọi là "Tây bộ đệ nhất thôn” (Ngôi làng hàng đầu miền Tây Trung Quốc). Thu nhập bình quân đầu người của dân làng vượt quá 100.000 NDT/năm (350 triệu VND) và tài sản trung bình của mỗi hộ gia đình vượt quá 5 triệu NDT (17,5 tỉ VND). Tòa nhà văn phòng 40 tầng của Tập đoàn Đông Lĩnh, là tòa nhà cao nhất ở thành phố Bảo Kê.
Vào ngày 20/9/2023, tài khoản WeChat chính thức của tập đoàn thông báo đã lần thứ 19 liên tiếp lọt vào “Top 500 doanh nghiệp Trung Quốc”, đứng thứ 205 trong danh sách “Top 500 doanh nghiệp Trung Quốc” với 125,7 tỉ NDT; tập đoàn cũng đứng thứ 69 trong danh sách “Top 500 doanh nghiệp dịch vụ Trung Quốc” được công bố đồng thời.
Trụ sở Tập đoàn Đông Lĩnh (phải) cao 40 tầng nổi bật ở thành phố Bảo Kê.
Tập đoàn Đông Lĩnh từng rất giỏi “cứu người”. Từ năm 2000 đến năm 2009, tập đoàn này đã tham gia tái cơ cấu hơn 10 doanh nghiệp nhà nước bên bờ vực phá sản. Đến năm 2017, Tập đoàn này vẫn đang thực hiện tâm niệm "thành công và mang lại lợi ích cho thế giới". Trong kế hoạch tái cơ cấu Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Diệu Huy Vô Tích, Tập đoàn Đông Lĩnh được xác định là nhà đầu tư tái cơ cấu.
Việc Tập đoàn Đông Lĩnh phá sản khiến nhiều người kinh ngạc. Ấn tượng của nhiều người về Tập đoàn Đông Lĩnh vẫn còn đọng lại với những danh hiệu như “doanh nghiệp tư nhân 100 tỉ NDT” và “Top 500 công ty”. Cập nhật mới nhất của tài khoản công khai WeChat của tập đoàn là vào ngày 9/2 năm nay.
Nguyên nhân nào khiến Đông Lĩnh phá sản?
Về mặt kinh doanh, nhiều người chỉ ra rằng việc Tập đoàn Đông Lĩnh phá sản là do mối liên hệ quá sâu với bất động sản. Năng lực sản xuất thép của Tập đoàn Đông Lĩnh từng bán được hơn 10 triệu tấn sản phẩm thép/năm, đứng đầu trong danh sách bán thép xây dựng của Trung Quốc. Tập đoàn đã công khai tuyên bố vào năm 2022: “51% chi phí sản xuất sắt là từ than cốc và than đá, lợi nhuận của chuỗi ngành luyện kim sẽ bị các mỏ than lấy đi”.
Các nhà xưởng ngừng hoạt động, 18 nghìn nhân viên thất nghiệp.
Đồng thời, bất động sản cũng là một trong những hướng kinh doanh được Tập đoàn Đông Lĩnh tham gia. Thông tin công khai cho thấy năm 2018, công ty này cũng đóng vai trò là nhà đầu tư tái cơ cấu, bơm 1,3 tỉ NDT để hồi sinh dự án Trung tâm Ngân Huy ở địa phương đã bỏ dở trong 8 năm.
Năm 2020, tài khoản của tập đoàn bị tòa án đóng băng do tranh chấp hợp đồng với nhà cung cấp thang máy. Sau đó, còn xảy ra tranh chấp tài chính với một công ty xây dựng.
Trước khi tuyên bố phá sản và tổ chức lại, Tập đoàn Đông Lĩnh đã vướng vào các vụ kiện tụng. Dữ liệu giám sát của trang Tianyancha cho thấy tính đến ngày 2/8/2024, Tập đoàn Đông Lĩnh đang phải đối mặt với các vấn đề kiện tụng tư pháp nghiêm trọng, liên quan đến 145 vụ án tư pháp, bao gồm tranh chấp hợp đồng mua bán và tranh chấp hợp đồng cho vay...số tiền bị cưỡng chế thực hiện đã lên tới 1,27 tỉ NDT.
Ngoài ra, điều đáng chú ý là trên trang web Đấu giá tư pháp Alibaba, quyền cổ phần của Ngân hàng Trường An do Tập đoàn Đông Lĩnh nắm giữ đã bị Tòa án Nhân dân quận Bi Lâm, thành phố Tây An bán đấu giá công khai. Giá khởi điểm là 110.754.955,5 NDT, tương đương 2,17 NDT mỗi cổ phiếu và ngày mở bán là 22/8.
Ông Bách Văn Hỉ, Phó chủ tịch Liên minh vốn doanh nghiệp Trung Quốc, cho biết việc phá sản, các vụ kiện tụng, tổng số tiền thực hiện và hạn chế về pháp nhân liên quan đến Tập đoàn Đông Lĩnh cho thấy công ty đang gặp khó khăn trong việc trả nợ, không có khả năng trả nợ hoặc mất khả năng thanh toán.
Lý Hắc Ký, ông chủ Đông Lĩnh từng là doanh nhân được tôn vinh.
Tác động đến nền kinh tế địa phương và cả nước
Nhà kinh tế và chuyên gia tài chính mới Dư Phong Huệ cho rằng sự phá sản của Tập đoàn Đông Lĩnh chủ yếu là do mở rộng quá mức, thay đổi thị trường và quản lý kém.
Khi thị trường tốt, Tập đoàn Đông Lĩnh áp dụng chiến lược cấp tiến và vay mượn nhiều để mở rộng quy mô, dẫn đến tỷ lệ nợ cao; môi trường kinh tế thay đổi, nhu cầu trong ngành thép giảm và giá cả giảm, cùng với áp lực tài chính nội bộ càng trầm trọng hơn; cộng thêm các vấn đề quản lý nội bộ, chẳng hạn như sai sót trong việc ra quyết định và chuỗi vốn bị gián đoạn cuối cùng đã dẫn đến khó khăn về tài chính.
Dư Phong Huệ cho rằng với tư cách là một doanh nghiệp tư nhân lớn, việc Tập đoàn Đông Lĩnh phá sản sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương và thậm chí cả quốc gia, đặc biệt là các chuỗi công nghiệp thượng hạ nguồn. Thứ hai, 18.000 nhân viên sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Thứ ba, thị trường tài chính cũng có thể sẽ có biến động; các tổ chức tài chính và nhà đầu tư liên quan sẽ bị ảnh hưởng. Sự kiện này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các công ty khác, nhắc nhở họ chú ý quản lý rủi ro và duy trì sự ổn định tài chính.
Tờ Hoa Hạ Thời báo cho hay Tập đoàn Đông Lĩnh đang làm thủ tục phá sản và tái tổ chức. Mục đích không phải là "thanh toán" mà là "tái sinh"; thông qua gọi vốn đầu tư, giảm nợ nần để giúp công ty giải quyết nợ, tập trung vào phân phối lại lợi ích của chủ nợ được để đạt được tình thế các bên cùng có lợi cho chủ nợ, con nợ, nhà đầu tư, cổ đông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận