Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị tòa tuyên phá sản
Căn cứ Điều 44 Luật Phá sản năm 2014, Đức Long Gia Lai không chấp nhận quyết định mở thủ tục phá sản số 01 của TAND tỉnh Gia Lai.
Ngày 13/10, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM công bố thông tin bất thường về việc bị tuyên phá sản.
Theo đó, vào ngày 12/10, Đức Long Gia Lai nhận được quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS của TAND tỉnh Gia Lai ban hành. Căn cứ Điều 44 Luật Phá sản năm 2014, Đức Long Gia Lai không chấp nhận quyết định mở thủ tục phá sản số 01 của TAND tỉnh Gia Lai. Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã có đơn đề nghị xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản gửi Toà án Cấp cao tại Đà Nẵng, TAND tỉnh Gia Lai, Viện KSND tỉnh Gia Lai.
Trước đó, ngày 29/7, Đức Long Gia Lai nhận được thông báo từ TAND tỉnh Gia Lai về việc Công ty CP Lilama 45.3 (mã chứng khoán: L43) có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DLG với lý do công ty mất khả năng thanh toán các khoản nợ, trong đó có khoản nợ của L43.
Đức Long Gia Lai không chấp nhận quyết định mở thủ tục phá sản số 01 của TAND tỉnh Gia Lai. |
Phản hồi về vấn đề này, Đức Long Gia Lai khẳng định công ty không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng. Nguồn tài chính của doanh nghiệp đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác.
“Khoản nợ của L43 rất nhỏ, chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của công ty, hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán. Do đó, công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản”, đại diện DLG cho biết.
Đức Long Gia Lai cho biết, đã làm việc, đưa ra lộ trình trả nợ và sẵn sàng trả nợ cho L43 sau khi hai bên thống nhất lộ trình thanh toán nhưng phía L43 chưa đồng ý.
Tại báo cáo tài chính soát xét bán niên năm nay ghi nhận ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán. Cụ thể, đơn vị kiểm toán thông tin tại thời điểm 30/6, khoản lỗ thuần lũy kế của DLG là hơn 2.042 tỷ đồng. Các khoản nợ ngắn hạn vượt quá tổng tài sản ngắn hạn gần 1.224 tỷ đồng.
Giải trình về vấn đề này, Đức Long Gia Lai cho biết đã có kế hoạch thanh lý, nhượng bán tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh để có dòng tiền trả nợ ngân hàng trong giai đoạn 2023 - 2025. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán chưa có đủ bằng chứng để xác định giá trị của các tài sản trên, dẫn đến không thể xác định các tài sản này có phù hợp với kế hoạch trả nợ của DLG hay không. Do đó, đơn vị kiểm toán cho rằng, việc nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của DLG.
Theo Đức Long Gia Lai, những vấn đề ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty đã tồn tại từ năm 2022 đến nay. Công ty đang từng bước khắc phục, cụ thể nhất là khoản lãi sau thuế hơn 34 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.
Ngoài ra, ngày 17/7, Đức Long Gia Lai đã ký hợp đồng với đơn vị thẩm định giá tài sản độc lập, định giá lại toàn bộ tài sản đảm bảo của công ty và bên thứ ba để xác định giá trị tài sản đảm bảo dư nợ vay ngân hàng. Sau khi có kết quả thẩm định giá tài sản, DLG sẽ cung cấp bằng chứng cho đơn vị kiểm toán để khẳng định công ty có khả năng trả nợ và hoạt động liên tục.
Báo cáo soát xét bán niên 2023 của Đức Long Gia Lai cho thấy, tại ngày 30/6, nguồn vốn của doanh nghiệp là 5.702 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ vay của DLG là 2.947 tỷ đồng, chiếm hơn nửa nguồn vốn, gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý, cuối quý II, Đức Long Gia Lai có 1.172 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn.
Nửa đầu năm nay, Đức Long Gia Lai đi vay 22 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 47 tỷ đồng. Trong năm 2022, doanh nghiệp này không đi vay thêm tiền mà chỉ trả nợ gốc vay 217 tỷ.
Ông Bùi Pháp - Chủ tịch Hội đồng quản trị DLG. |
Tại thời điểm ngày 30/6, chủ nợ lớn nhất của Đức Long Gia Lai là Ngân hàng BIDV với tổng dư nợ 2.275 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn với BIDV là 788 tỷ đồng, với 477 tỷ là dư nợ trái phiếu. Doanh nghiệp chưa thanh toán phần lớn khoản vay của BIDV. Tài sản thế chấp các khoản vay của Đức Long Gia Lai tại BIDV chủ yếu là các tài sản cố định, dự án BOT...
Chủ nợ lớn thứ hai của Đức Long Gia Lai là VietinBank với tổng dư nợ hơn 500 tỷ đồng, gồm 23 tỷ đồng vay ngắn hạn và 478 tỷ đồng vay dài hạn. Tài sản thế chấp tại VietinBank là toàn bộ quyền khai thác, thu phí các trạm thu phí đoạn Km 817 - Km 887 trên quốc lộ 14 tỉnh Đắk Nông cùng các tài sản khác phát sinh từ ưu đãi đầu tư theo hợp đồng BOT.
Đức Long Gia Lai cũng vay ngắn hạn 233 tỷ đồng từ ngân hàng Sacombank. Trong đó, khoản vay 178 tỷ được bảo lãnh bởi ông Bùi Pháp - Chủ tịch Hội đồng quản trị DLG và tài sản hữu hình của công ty. Còn lại, khoản vay 55 tỷ đồng tại Sacombank có khoản thế chấp là toàn bộ tài sản đầu tư xây dựng gắn liền với đất và các hệ thống máy móc, trang thiết bị gắn liền với công trình xây dựng hình thành từ vốn vay.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng vay khoảng 30 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân. Tại ngày 30/6, Đức Long Gia Lai lỗ luỹ kế 2.042 tỷ đồng, khoản nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 1.224 tỷ đồng.
Bao nhiêu dự án bất động sản ở TPHCM được 'phá băng'?
29/09/2023
Lý do Ricons kiện nhà thầu lớn nhất Việt Nam, yêu cầu mở thủ tục phá sản
30/07/2023
Nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam bị kiện, yêu cầu mở thủ tục phá sản
26/07/2023
Dòng tiền bắt đầu chảy, bất động sản ôm hy vọng phá băng
10/07/2023
Duy Quang
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận