Tập đoàn độc quyền EVN?
Tiếng Việt có nhiều tên công ty gắn với “tập đoàn”. Thực chất dù có tên là “tập đoàn” hay “tổng công ty” thì về tư cách pháp nhân doanh nghiệp ấy vẫn chỉ là một công ty. “Tập đoàn” có gốc tiếng Trung hay “group” tiếng Anh dùng đối với doanh nghiệp là một khái niệm chỉ một nhóm các công ty có mối quan hệ về sở hữu vốn hay lĩnh vực hoạt động.
Nhóm công ty này có nhiều tầng, theo quan hệ sở hữu chi phối về vốn thì bắt đầu là công ty mẹ rồi đến con, cháu, chút, chít,… Trong hệ thống ấy có công ty vừa là con công ty này vừa là mẹ của công ty khác. Một công ty này dù có sở hữu 100% vốn của công ty kia thì về tư cách pháp nhân hai công ty vẫn là độc lập với nhau và bình đẳng trước pháp luật.
Muốn biết một công ty có công ty con không thì nhìn vào BCTC (báo cáo tài chính) mục “Đầu tư tài chính dài hạn” (mã số 250), tiểu mục “Đầu tư vào công ty con” (mã số 251) là biết số vốn đầu tư vào công ty con. Ví dụ, công ty mẹ EVN có vốn đầu tư CSH 31/12/2021 là 203 nghìn tỷ đồng thì đầu tư công ty con là 149 nghìn tỷ đồng; công ty mẹ Vingroup có vốn cổ phần 31/12/2022 là 36,7 nghìn tỷ đồng thì đầu tư công ty con là 163,5 nghìn tỷ đồng. Có nhiều công ty mẹ có giá trị đầu tư vào công ty con lớn hơn vốn CSH của công ty mẹ nhiều lần là bởi công ty mẹ vay nợ dài hạn rồi đầu tư vào công ty con. Đầu tư vào công ty con thì lợi nhuận được chia về công ty mẹ sẽ thể hiện ở mục “Doanh thu hoạt động tài chính” tại phần Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty mẹ.
Thường thì lợi nhuận năm này của công ty con sẽ chuyển về công ty mẹ vào năm sau và thể hiện ở doanh thu tài chính công ty mẹ trong năm sau, còn BCTC hợp nhất của năm nào thì thể hiện kết quả chung của cả công ty mẹ và công ty con trong năm ấy. Có trường hợp tất cả các công ty con đều có lãi nhưng công ty mẹ lại lỗ và báo cáo tài chính hợp nhất là lỗ. Ví dụ, trường hợp của EVN, các công ty con (GENCO) phát điện bán điện sản xuất với giá có lãi cho công ty mẹ; công ty mẹ mua điện xong lại bán cho các công ty con tiêu thụ (các điện lực) với giá công ty con có lãi. Kết quả là lỗ dồn cả vào công ty mẹ. Theo luật doanh nghiệp và cả điều lệ EVN thì công ty mẹ EVN không có quyền ép công ty con khiến công ty con bị thiệt hại, nên con vẫn lãi và mẹ lỗ là như vậy.
Nhà nước với tư cách đầu tư vốn kinh doanh trước đây có một số lượng lớn DNNN nhưng sau này nhà nước nhóm các doanh nghiệp cùng ngành nghề với nhau và vốn của tất cả các doanh nghiệp này được giao cho một công ty với tư cách CSH đối với vốn ở các công ty khác. Các tập đoàn, tổng công ty vì thế mới hình thành. Vì nhóm doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân nên công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty mới giữ vai trò đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác. Nhiều tập đoàn, tổng công ty có công ty con thành lập từ lâu rồi mới sinh ra công ty mẹ. Chính thức từ thời điểm 01/7/2010 tất cả các tập đoàn, tổng công ty đều phải hạch toán vốn công ty mẹ đầu tư vào công ty con thống nhất theo mô hình chung.
Quá trình hình thành một nhóm các công ty sản xuất, truyền tải và phân phối điện đã hình thành một sự độc quyền tự nhiên trong hoạt động cung ứng điện. Nhà nước lại giữ quyền quyết định giá bán điện nên việc kinh doanh điện lại có tính chất độc quyền nhà nước. Dù không có một tuyên bố nào về độc quyền đối với mặt hàng điện nhưng để có các doanh nghiệp ngoài nhà nước cạnh tranh song song với EVN hoàn toàn không đơn giản, bởi doanh nghiệp cần có quá trình phát triển cả về vốn và nhân lực. Nếu bắt đầu khuyến khích ngay từ bây giờ thì may ra phải cả chục năm nữa mới có hy vọng có doanh nghiệp ngoài nhà nước cạnh tranh được với EVN. Tất nhiên, nếu mở cửa cho nước ngoài thì cũng có thể ngay lập tức có doanh nghiệp nước ngoài đủ sức mạnh để áp đảo EVN.
Người tiêu dùng khi thấy tình cảnh thiếu điện thì quy ngay thực trạng này là kết quả của việc độc quyền doanh nghiệp. Thực tế có đủ dữ liệu để chứng minh rằng việc cung ứng điện của Việt Nam có quá trình phát triển từ 2000 đến nay là tốt nhất trong khu vực. Khi kinh tế tiếp tục phát triển, GDP tiếp tục tăng theo hướng tiêu tốn năng lượng thì tất yếu sẽ thiếu điện nếu không phát triển công suất phát điện. Sự lúng túng trong quy hoạch gắn với cam kết 2050 bỏ hoàn toàn điện than đã khiến chậm một nhịp trong việc xây các nhà máy nhiệt điện mới. Tất cả các ý kiến duy ý chí về việc không tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, tất cả các biểu hiện cảm xúc phê phán sự “độc quyền” của EVN lúc này đều không có ích gì trong việc đáp ứng đủ điện.
Ở góc độ quản lý nhà nước đảm bảo cho việc phát triển hàng hoá điện thì không có liên quan gì đến quan hệ đầu tư vốn của nhà nước vào doanh nghiệp. Nếu nhà nước không giao cho công ty mẹ EVN đầu tư vào 3 tổng công ty phát điện (GENCO), 1 tổng công ty truyền tải điện, 5 tổng công ty điện lực thì EVN không mang tiếng là một tập đoàn độc quyền. Việc tổ chức mô hình tập đoàn có cái lợi là mọi định hướng phát triển ngành của quản lý nhà nước được dựa vào doanh nghiệp. Thực tế đây là một mô hình ngược. Lẽ ra quản lý nhà nước phải là cơ quan có đủ năng lực hoạch định các chính sách phát triển, còn doanh nghiệp chỉ là nơi thực hiện và mục tiêu của doanh nghiệp phải vì lợi nhuận là chính. Việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như các cánh tay nối dài của hoạch định và thực hiện chính sách đã khiến các DNNN mang tiếng là độc quyền và kém hiệu quả.
Cuộc sống luôn vận động không ngừng, có những việc làm tuần tự, có những việc làm đồng thời. Để hoạch định lâu dài đối với phát triển điện nói riêng và năng lượng nói chung thì phải có cơ quan chức năng quản lý nhà nước với nhân sự đủ năng lực. Các nghiên cứu có thể dựa vào các think tank khi bỏ tiền ra thuê. Trách nhiệm đảm bảo đủ năng lượng không phải là của doanh nghiệp mà là các chính sách hợp lý để hoạt động doanh nghiệp tự nhiên đáp ứng đủ nhu cầu của cuộc sống. Đối với tập đoàn EVN với tư cách là doanh nghiệp vì lợi nhuận thì hoàn toàn có thể tổ chức thành các doanh nghiệp phát điện, truyền tải và phân phối độc lập (trong quan hệ sở hữu vốn), song song với tổ chức thị trường điện. Gần đây có ý kiến đề xuất tách Trung tâm điều độ điện quốc gia ra khỏi EVN và trực thuộc Bộ quản lý. Việc này không giải quyết được gốc của vấn đề, kể cả khi hiệu quả việc điều độ có tốt hơn. Nếu tách doanh nghiệp truyền tải độc lập không nằm trong group thì việc điều độ chính là của doanh nghiệp truyền tải chứ không phải là việc của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận