Tăng trưởng kinh doanh của Eurozone giảm nhẹ trong tháng 8
Hoạt động kinh doanh của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang tăng trưởng ở mức gần cao nhất trong 15 năm qua bất chấp mức tăng trưởng giảm nhẹ trong tháng do áp lực về nguồn cung.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, Chỉ số Nhà quản lý mua hàng tổng hợp nhanh (PMI) - một chỉ dấu về sức khỏe của nền kinh tế Eurozone – đã giảm xuống 59,5 trong tháng 8 so với mức 60,2 trong tháng 7. Tăng trưởng được ghi nhận khi chỉ số này từ 50 trở lên. Trong khi đó, PMI của Anh, nước đã rời Liên minh châu Âu (EU) và không thuộc Eurozone, ghi nhận mức giảm mạnh trong tháng 8, xuống 55,3 (mức thấp trong 6 tháng qua) từ 59,2 của tháng 7.
Tăng trưởng kinh doanh của Eurozone giảm nhẹ trong tháng 8 một phần do một số doanh nghiệp lo ngại về tác động liên quan tới biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nhưng lý do chính là do cầu vượt cung trong bối cảnh hoạt động kinh doanh tăng mạnh trở lại trong 19 quốc gia thành viên Eurozone.
Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson của IHS Markit, chuỗi cung ứng bị gián đoạn tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Nhu cầu tăng cùng với trục trặc về nguồn cung đang đẩy chi phí cao hơn, dẫn tới “ giá bán trung bình đối với hàng hoá và dịch vụ tăng ở mức gần kỷ lục”. Ông William nhấn mạnh áp lực lạm phát hiện đã lên mức cao nhất.
Báo cáo cho thấy lần đầu tiên trong quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19, tăng trưởng trong ngành dịch vụ đã vượt tăng trưởng trong ngành chế tạo. Tăng trưởng về việc làm ở mức cao nhất trong 21 năm qua.
Trong số các nước thành viên Eurozone, Đức ghi nhận tăng trưởng kinh doanh cao nhất mặc dù nguồn cung cho ngành chế tạo chủ chốt của nước này vẫn bị hạn chế. Tiếp đó tới Pháp với tăng trưởng kinh doanh giảm hơn so với mức cao của tháng 6, trong đó tăng trưởng sản lượng nhà máy giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.
Theo công ty phân tích Oxford Economics, khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn của các biến thể của virus SARS-CoV-2 cùng với trục trặc kéo dài về chuỗi cung ứng là những mối đe dọa sự phục hồi kinh tế của các nước Eurozone.
Các số liệu chính thức vào cuối tháng 7 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone trong quý II/2021 đã tăng 2% so với quý I/2021, sau hai quý giảm liên tiếp. Trong quý đầu tiên, GDP của Eurozone giảm 0,3%, sau khi giảm 0,6% trong ba tháng cuối năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận