Tăng trưởng đi kèm nhiều thách thức với doanh nghiệp dược
Theo khảo sát do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) tiến hành trong tháng 10 và tháng 11 năm nay với gần 90% số doanh nghiệp dược phẩm thì có gần 80% số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận.
Nhiều chuyên gia phân tích, dịch COVID-19 đã tạo sự chuyển dịch nhanh hơn trong cơ cấu doanh thu của ngành dược phẩm theo nhiều cách khác nhau.
Theo đó, dịch bệnh bùng phát khiến người dân hạn chế đến khám chữa bệnh tại bệnh viện; đồng thời chuyển sang mua thuốc điều trị triệu chứng COVID-19 và thực phẩm bổ sung hồi phục sức khỏe giai đoạn hậu COVID-19 tại kênh nhà thuốc.
Sự gia tăng tiêu dùng đối với các sản phẩm vitamin hay thực phẩm chức năng để tăng cường hệ miễn dịch, củng cố sức khỏe trong bối cảnh "sống chung với COVID-19”. Nhà thuốc theo mô hình hiện đại giành được thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống, khi Chính phủ dần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với các nhà bán lẻ dược phẩm, theo đó, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thuốc kê đơn và triển khai hình thức đơn thuốc điện tử. Kênh nhà thuốc có thể đã chiếm thị phần từ kênh bệnh viện, do các bệnh viện công đã thận trọng hơn trong hoạt động đấu thầu thuốc. Tất cả những nhân tố trên khiến cho tốc độ doanh thu của các nhà thuốc được duy trì ổn định ở mức 10% trong năm 2021 và tiếp tục cải thiện đến gần hết năm 2022.
Cũng theo báo cáo của Vietnam Report, hiện tại, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành thuốc, hóa dược và dược liệu đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại từ quý I/2022, với mức tăng trưởng 24,6% - gần đạt mức tăng trưởng so với cùng thời điểm năm 2020 khi đại dịch chưa bùng phát tại Việt Nam. Lũy kế 9 tháng đầu năm, chỉ số này đạt tăng trưởng 18,3%.
Việt Nam cũng là 1 trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nhận thức của người tiêu dùng đối với chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và thu nhập của người dân cao hơn, khiến chi tiêu cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nói chung và tiêu thụ dược phẩm bình quân đầu người nói riêng sẽ nhiều hơn.
Thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đạt giá trị 16,2 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 6% GDP. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021, dự kiến sẽ đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn từ năm 2020-2030 là 7,6%. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021.
Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report phân tích, Top 4 thách thức ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dược phẩm và chăm sóc sức khỏe. Đó là, rủi ro từ chuỗi cung ứng, chi phí hậu cần gia tăng; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành, chi phí nguyên liệu thô và sức ép từ tỷ giá gia tăng.
Cụ thể, thách thức hàng đầu xuất phát từ việc ngành dược trong nước còn nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài với tỷ lệ khá cao, lên tới 80 - 90%; trong đó, số nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lên tới 85% tổng kim ngạch nguyên liệu nhập khẩu.
Dịch bệnh khiến cho nhu cầu đối với dược liệu nói chung và hoạt chất API nói riêng tăng cao, thị trường thuốc nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu.
Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ rõ sự lúng túng của doanh nghiệp trong nước khi chuỗi cung ứng thuốc từ các nước bị đứt gãy. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu cũng khiến ngành dược chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá, nguồn hàng cung cấp; thêm vào đó là chi phí nhập khẩu khiến giá thành xuất khẩu thuốc của Việt Nam cao hơn khoảng 20 - 25% so với Trung Quốc, Ấn Độ.
Theo số liệu thống kê từ giữa năm 2018, giá nhiều nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng mạnh từ 15 - 80%, điều này khiến cho lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp giảm sâu. Bên cạnh đó, phụ thuộc quá lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài dễ gây ra những rủi ro cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước thực trạng gặp khó về chuỗi cung ứng và chi phí hậu cần gia tăng, 64,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết, sẽ nỗ lực nghiên cứu thị trường, sản xuất ra các loại thuốc phù hợp với nhu cầu của người dân, tăng cường kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào; 85,7% số doanh nghiệp cho biết đã gia tăng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm trong năm vừa qua. 57,1% số doanh nghiệp nâng cấp, đầu tư nhà máy đạt chuẩn quốc tế. Có 42,9% số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu thuốc và tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất nguyên liệu (mua bằng phát minh, sáng chế, hợp tác…)
Hoạt động cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng là một thách thức không mới đối với ngành dược phẩm. Nhiều lãnh đạo và chủ các doanh nghiệp cho biết, điểm yếu của doanh nghiệp trong nước chính là thị phần phân tán, quy mô nhỏ và tiềm lực tài chính còn mỏng. Khả năng tăng đầu tư vào nghiên cứu và trang bị công nghệ sản xuất bị hạn chế, khó khăn trong đầu tư dự án quy mô lớn, trong việc mua các sáng chế về dược, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm….
Hầu hết các doanh nghiệp nội địa đều tập trung sản xuất các loại thuốc phổ biến trên thị trường, trong khi đó các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại lại không được quan tâm. Từ đó, gây nên tình trạng sản xuất chồng chéo, tranh giành phân khúc thị trường nhỏ giữa hầu hết các doanh nghiệp trong nước. Phân khúc thuốc đặc trị, chuyên khoa… với giá trị cao hoàn toàn do các doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh.
Vì lẽ đó, theo ông Vinh, nếu các doanh nghiệp ngành dược phẩm muốn tồn tại và phát triển trong tương lai cần triển khai ngay Top 3 chiến lược bao gồm nghiên cứu các sản phẩm thuốc mới, phát triển các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận