menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Vân

Tăng trưởng của Việt Nam nổi bật trong khu vực

Tổng thể nhìn lại, mức tăng trưởng cao trong quý III đã khiến Việt Nam một lần nữa là nền kinh tế tăng trưởng nổi bật trong khu vực...

Tăng trưởng cao hơn

“Trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu không chắc chắn đã trở thành một hiện tượng bình thường mới trong năm 2019, khó có thể tưởng tượng Việt Nam - nền kinh tế dựa nhiều vào thương mại với bên ngoài – vẫn có thể có được mức tăng trưởng hơn 7% như đạt được trong năm ngoái. Mức tăng trưởng GDP 7,31% trong quý III vừa qua đánh dấu sự tăng trưởng nhanh nhất trong 6 quý trở lại đây”, Báo cáo đánh giá triển vọng KTVM Việt Nam của Khối nghiên cứu, Ngân hàng HSBC đưa ra mới đây cho biết.

Tuy “khó tưởng tượng” nhưng theo các chuyên gia của HSBC, cũng không hẳn là điều gì đó quá ngạc nhiên khi ngành sản xuất tiếp tục nằm ở trung tâm của câu chuyện với mức tăng trưởng hai con số ổn định 11,7% trong quý III. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IP) khi tăng tới 13,3% trong quý III, phần lớn sự tăng trưởng nhanh này được thúc đẩy bởi lĩnh vực điện tử vẫn đang bùng nổ, nhờ vào dòng vốn FDI vẫn liên tục chảy vào của các công ty công nghệ.

Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam cũng ghi nhận những dữ liệu lạc quan trong quý III với mức tăng hơn 10%, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sản phẩm điện tử. Điều tương tự cũng diễn ra với nhập khẩu khi tăng 10% trong quý III và hơn một nửa trong số đó được đóng góp bởi các linh phụ kiện điện tử và máy tính. “Vì nhiều mặt hàng điện tử nhập khẩu được dùng để lắp ráp trong các sản phẩm cuối cùng phục vụ cho xuất khẩu, nên điều này cũng hàm nghĩa là tăng trưởng của xuất khẩu sẽ ổn định trong những tháng tới”, báo cáo của HSBC nhận định.

Thế nhưng không phải sản xuất mà dịch vụ mới là ngành đóng góp lớn nhất giúp cho Việt Nam có được tăng trưởng cao. Với mức tăng trưởng 7,1% trong quý III (tăng với tốc độ cao nhất từ đầu năm nay), ngành dịch vụ tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng ổn định, và đóng góp tới 40% vào tăng trưởng GDP danh nghĩa. Điều này có được một phần là nhờ vào tiêu dùng nội địa mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, du lịch cũng tiếp tục là một trụ cột khác hỗ trợ cho ngành dịch vụ tăng trưởng cao. Khi nhìn vào các phân khúc nhỏ trong ngành dịch vụ, có thể thấy các ngành liên quan đến du lịch như bán lẻ, lưu trú và vận tải đã có được sự tăng trưởng ổn định liên tục…

Tổng thể nhìn lại, mức tăng trưởng cao trong quý III đã khiến Việt Nam một lần nữa là nền kinh tế tăng trưởng nổi bật trong khu vực. Với mức tăng trưởng này, Khối nghiên cứu của HSBC đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng cả năm nay của Việt Nam lên mức cao hơn, lên 6,9% từ mức 6,7% như dự báo trước đây.

Không chỉ HSBC tỏ ra lạc quan với triển vọng của kinh tế Việt Nam, mà Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng một lần nữa điều chỉnh dự báo tăng trưởng. Trong Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III vừa được công bố hôm 10/10, VEPR dự báo tăng trưởng quý IV có thể đạt 7,26% và cả năm đạt mức 7,05% (trong báo cáo KTVM quý II, dự báo tăng trưởng năm 2019 cũng đã được VEPR điều chỉnh tăng thêm 0,09% so với báo cáo quý I).

Đặc biệt theo các chuyên gia của VEPR, chính sách tiền tệ, tỷ giá được điều hành hết sức linh hoạt, chủ động đã duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, qua đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tăng trưởng của Việt Nam nổi bật trong khu vực

Chủ động ứng phó với bất định bên ngoài

Cùng với tăng trưởng tích cực, lạm phát trong quý III tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, phù hợp với kỳ vọng của thị trường và nhiều dự báo cho rằng diễn biến này nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong quý IV. Ngay cả khi độ trễ về thời gian truyền tải tác động của các yếu tố bên ngoài như giá dầu toàn cầu đối với giá xăng dầu trong nước (có thể khiến chi phí vận tải tăng trở lại sau đợt tăng giá xăng dầu vừa qua) nhưng điều này sẽ không gây ra rủi ro lạm phát bật tăng nghiêm trọng trong thời gian tới. “Chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát sẽ vẫn thấp trong suốt quý IV”, báo cáo của HSBC đánh giá.

Trong khi đó theo TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR, mặc dù lạm phát trong 9 tháng đầu năm được kiểm soát ở mức thấp nhưng vẫn có những yếu tố khiến chỉ số này tăng cao hơn trong thời gian tới. Nguyên nhân chính từ việc tăng đều theo lộ trình của nhóm hàng giáo dục; giá thực phẩm, lương thực có thể chịu áp lực tăng do dịch tả lợn châu Phi, và bất định của giá nhiên liệu.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu toàn cầu, đặc biệt là các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU và theo hầu hết các dự báo thì tăng trưởng của các nền kinh tế lớn này đều sẽ giảm tốc hơn nữa - thì điều này đặt ra những rủi ro bất lợi cho thương mại và tăng trưởng của Việt Nam. Trên thực tế, chỉ số PMI các tháng gần đây đã cho thấy một số dấu hiệu chậm lại trong ngành sản xuất. Không chỉ sản lượng bắt đầu suy giảm mà nhiều chỉ số phụ khác, như đơn đặt hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới... cũng tăng trưởng với tốc độ chậm hơn, báo hiệu nhu cầu suy yếu.

Báo cáo của VERP nhận định, kinh tế Việt Nam trong cuối năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới. Do đó, việc điều hành một cách chủ động linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường nhằm hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài là rất cần thiết.

Theo báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương công bố ngày 10/10/2019 của WB, dù nhận định triển vọng vẫn tích cực trong trung hạn nhưng căng thẳng thương mại leo thang và suy giảm toàn cầu mạnh hơn so với dự kiến có thể gây áp lực cho đà tăng trưởng của Việt Nam. WB dự báo tăng trưởng GDP sẽ giảm đà từ 7,1% năm 2018 xuống mức trên dưới 6,6% năm 2019 (do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và tăng trưởng sản xuất nông nghiệp yếu hơn) và ở mức 6,5% trong các năm 2010 và 2021.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả