Tăng lãi suất tiền gửi, giảm lãi vay... 'đòn gió" của các ngân hàng?
Hiện một số ngân hàng nâng lãi suất huy động để hút vốn, đồng thời cũng thông báo hạ lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng.
Song theo nhiều khách hàng, để hưởng được lãi suất các ngân hàng đưa ra không dễ.
Ngân hàng đồng loạt nâng lãi suất tiền gửi, hạ lãi suất vay
Trong khi nhóm ngân hàng thương mại lớn thuộc khối nhà nước như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank vẫn giữ lãi suất ổn định ở mức 6,6-7%/năm ở các kỳ hạn 13, 18 và 24 tháng thì các ngân hàng thương mại khác lại nâng mức lãi suất huy động khá cao.
Hiện nay, ngân hàng có lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là SHB với lãi suất 8,9%. Đứng thứ hai là ngân hàng SCB với lãi suất 8,66%. Thứ ba là ngân hàng ABBank với lãi suất là 8,5%.
Nam Á Bank thì có mức lãi suất là 8,3% cho kỳ hạn 12 tháng; VietBank và TPBank cùng có mức lãi suất là 8,2%. Ở mức lãi suất 8% ở kỳ hạn 12 tháng thì có các ngân hàng như BaoVietBank, NCB, PVcomBank, VietCapitaBank. Các ngân hàng như Bắc Á, Eximbank, OceanBank công bố mức lãi suất là 7,9%.
Ngoài nâng lãi suất huy động, các ngân hàng thương mại cũng thông báo hạ lãi suất vay để đáp ứng nhu cầu kinh doanh sản xuất, vay vốn của doanh nghiệp và người dân.
Hiện ABBank tung ra hai gói vay ưu đãi với lãi suất chỉ từ 7%/năm và một chương trình khác với lãi suất 9% hoặc ưu tiên miễn phí trả nợ trước hạn. Ngoài ra, còn có những gói vay ưu đãi khác hướng đến khách hàng đang tìm kiếm vốn phục vụ hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ, kinh doanh cá thể với mức lãi suất 9%/năm hoặc từ 8,2%/năm.
BIDV thông báo hạ lãi suất xuống còn 5,5% trong năm đầu đối với một số nhóm khách hàng ưu tiên. Ngoài ra, khách có nhu cầu vay mua nhà trung dài hạn, vay sản xuất kinh doanh, mua ôtô sẽ hưởng lãi suất 7,3%/năm trong vòng 6 tháng đầu tiên, hoặc từ 7,8%/năm trong vòng 12 tháng.
VPBank cho biết, sẽ giảm 1% lãi suất vay tín chấp và 0,5% lãi suất với các khoản vay đảm bảo kỳ hạn ngắn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn ACB có gói tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 3000 tỷ đồng, áp dụng lãi suất ưu đãi 7,5%; Techcombank áp dụng giảm 0,5% lãi suất so với hiện nay ở nhóm khách hàng vay ngắn hạn...
Khó hưởng lãi suất hấp dẫn
Lãi suất huy động các ngân hàng đưa ra khá hấp dẫn, nhưng đối tượng khách hàng được hưởng mức lãi suất cao không nhiều. Để hưởng được mức lãi suất 9% như quảng cáo phải kèm theo điều kiện như số tiền gửi lớn, kỳ hạn dài (24-34 tháng), chỉ áp dụng cho khách hàng cá nhân.
Chẳng hạn, để hưởng lãi suất 8,9% của SHB, đòi hỏi khách hàng phải gửi trên 500 tỉ đồng và lãnh lãi cuối kỳ; còn hưởng lãi suất 8,66% ở SCB đòi hỏi khách phải gửi ít nhất 10 tỉ đồng. Đối với khách hàng gửi số tiền dưới 1,5 tỉ đồng thì lãi suất chỉ còn 8,45%. Hoặc nếu muốn hưởng lãi suất 8,2% kỳ hạn 12 tháng ở TPBank, đòi hỏi khách hàng gửi ít nhất 100 tỉ đồng và cam kết không rút trước hạn.
Tương tự, mặc dù niêm yết lãi suất 8%, kỳ hạn 12 tháng nhưng ngân hàng VietCapitalBank đòi hỏi khách phải gửi online, PVcomBank yêu cầu khách hàng gửi ít nhất 500 tỉ đồng, còn dưới 500 tỉ thì mức lãi suất chỉ còn 7,7%/năm.
Riêng về mặt bằng lãi suất cho vay, dù các ngân hàng thông báo giảm nhưng điều kiện để hưởng lãi suất ưu đãi này cũng rất nhiêu khê. Các chuyên gia cho rằng, các gói tín dụng ưu đãi lãi vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nghe rất hấp dẫn, nhưng chỉ dành cho doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt hoặc là “mối ruột” của các ngân hàng.
“Dù một số ngân hàng có chính sách ưu đãi về lãi suất nhưng chỉ trong một thời gian ngắn hạn hất định, thường là từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó sẽ thả nổi lãi suất theo thị trường. Bởi lãi suất huy động ở mức cao thì sẽ khiến lãi suất cho vay không cách nào giảm như kỳ vọng của khách hàng và doanh nghiệp. Lãi suất huy động và cho vay sẽ chênh lệch 3% thì lãi suất đến tay người tiêu dùng và doanh nghiệp phải phổ biến từ 10-11%/năm đối với các khoản trung dài hạn” – Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận