24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hạ Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tăng giá điện, người dân lo ngại hàng hóa "té nước theo mưa"

Với mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, người tiêu dùng không tránh khỏi nỗi lo hàng hóa “té nước theo mưa”.

Giá điện được điều chỉnh tăng 4,5%

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức điều chỉnh mức giá điện tăng 4,5%. Đây là lần tăng giá điện thứ 2, được thực hiện theo đúng quy trình, quy định.

Theo đó bắt đầu từ ngày 9/11, giá bán lẻ điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là trên 2.006 đồng/kWh. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Điều chỉnh giá điện luôn là điều khiến nhiều người tiêu dùng đặc biệt quan tâm bởi chúng có ảnh hưởng trực tiếp tới mức chi phí sinh hoạt cũng như dịch vụ của nhiều ngành liên quan.

Tăng giá điện, người dân lo ngại hàng hóa "té nước theo mưa"
Từ 9/11, giá điện bán lẻ tăng thêm 4,5%

Việc điều chỉnh tăng giá điện lần này được thực hiện đúng quy định về điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo để ngành điện thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch năm 2024.

Với lần điều chỉnh tăng này sẽ giúp giảm đi một phần khó khăn của EVN, đảm bảo an sinh xã hội và không có quá nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân đặc biệt là nhóm thu nhập thấp. Việc điều chỉnh giá điện hoàn toàn nằm trong kế hoạch, đi theo quy trình đã lên. Về quyết định quy định về giá điện do Bộ Công Thương ban hành, cùng với việc điều chỉnh giá bán lẻ cho các ngành sản xuất, giá bán lẻ cho kinh doanh…, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới được tính theo 6 bậc thang tiền điện cũng đã được công bố để người tiêu dùng dễ quản lý được hóa đơn theo sản lượng.

Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân lần này kỳ vọng phản ánh phần nào mức giá thị trường của nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện, qua đó tạo môi trường bình đẳng giữa các bên trong hoạt động điện.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, 10 tháng qua chi phí mua điện đã tăng so với kế hoạch là trên 13.000 tỷ đồng. Một mức tăng khá cao, nguyên nhân được chỉ ra là do tình hình thủy văn không thuận lợi ở các tháng mùa khô, dẫn đến phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện giá cao như nhiệt điện than, nhiệt điện khí và phát điện bằng dầu.

Đầu tháng 5 vừa qua, sau khi giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh tăng 3%, doanh thu của ngành điện năm nay ước tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng, đến nay với mức tăng mới 4,5% nữa kỳ vọng sẽ mang về cho ngành điện thêm 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên với việc chi phí sản xuất và mua điện vẫn tăng cao, nên việc điều chỉnh nói trên cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính của EVN trong ngắn hạn. Giá điện chính thức được điều chỉnh tăng. Việc điều chỉnh 4,5% giúp giảm thiểu khó khăn trong hoạt động của EVN và được xác định không gây ảnh hưởng quá nhiều đối với cuộc sống của người tiêu dùng.

Thêm gánh nặng

Thông tin giá điện tăng đang nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự lo lắng, ái ngại chi tiêu hàng ngày vọt lên.

Chia sẻ với báo chí, chị Thu Phương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: “Cứ nhìn hệ lụy của việc giá xăng tăng gần đây thì sẽ thấy người dân bị tác động như thế nào. Vì cũng như xăng, điện là mặt hàng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của bất kỳ hộ gia đình nào. Không những thế, nó còn tác động đến rất nhiều hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ liên đới khác. Chính vì vậy, việc tăng hoặc giảm giá điện có thể sẽ kéo theo nhiều hàng hóa thiết yếu đắt đỏ thêm".

Cũng theo chị Phương, việc giá điện tăng còn bị coi là "cái cớ" để hàng hóa thiết yếu "té nước theo mưa", thiết lập mặt bằng giá cả mới. Như năm ngoái, giá xăng liên tiếp tăng, ngay lập tức, giá cả loạt hàng hóa từ mớ rau, con cá cho đến bát phở, bát bún... cũng tăng theo.

Đáng nói là khi giá xăng hạ "nhiệt" thì các loại hàng hóa trên vẫn chây ỳ không giảm hoặc giảm nhỏ giọt và chắc chắn không bao giờ quay lại mức giá cũ. Bây giờ đến điện tăng giá, tôi thực sự lo lắng không biết các mặt hàng thiết yếu có lại ào ạt tăng giá theo như hiệu ứng đã từng xảy ra với giá xăng dầu hay không. Cuối cùng vẫn là người tiêu dùng chịu thiệt nhiều nhất.

Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) nhận định: “Theo tôi, việc tăng giá điện để bảo đảm phù hợp với giá thị trường, giá xăng dầu thế giới tăng cao hiện nay, cũng như bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hợp lý.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Công Thương cần tính toán hợp lý mức tăng tới đâu, để vừa mức cho EVN bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, tái đầu tư, vừa khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Về phía EVN cũng cần cân đối các khoản chi như chi thường xuyên, chi đầu tư, chi chế độ lao động... để cân đối nguồn tài chính, không chỉ dồn sang việc tăng giá điện”.

Theo đánh giá của ĐBQH Phạm Văn Hoà, việc điều chỉnh giá điện sẽ có tác động đến CPI. Bởi, mọi hoạt động đời sống, sản xuất, kinh doanh đều liên quan đến tiêu thụ điện. Nếu tiêu thụ mạnh thì CPI tăng, nếu tiêu thụ hạn chế thì CPI hạ.

Trong tình hình hiện nay, ước tính của Bộ Công Thương, việc tăng giá điện lần này có thể khiến chỉ số CPI năm nay tăng 0,035%. Đối với doanh nghiệp, việc điều chỉnh tăng giá điện lần này cũng có tác động không giống nhau.

Với doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận, tác động tăng giá điện không đáng kể, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm đóng góp cho ngân sách và xã hội. Tuy vậy, với doanh nghiệp khó khăn hay trong thời kỳ thua lỗ, sản xuất kinh doanh không hiệu quả, việc tăng giá điện hiện nay tạo thêm gánh nặng.

Đại biểu Phạm Văn Hoà cho hay, theo giải trình của Bộ Công Thương, việc rút ngắn chu kỳ điều hành giá điện bán lẻ bình quân từ 6 tháng/lần như hiện nay xuống còn 3 tháng sẽ giúp giá điện không bị dồn tích chi phí, ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN.

Tuy vậy, Chính phủ cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng và đánh giá khách quan vấn đề này. Thực tế mức tăng hiện nay không quá cao nhưng xét về tổng mức tăng mang lại cho EVN rất lớn. Trong khi người dân, doanh nghiệp, nhà sản xuất còn gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Hiện Chính phủ đang hỗ trợ nhiều cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tạo công ăn việc làm cho người dân và tăng thu ngân sách. Nếu doanh nghiệp thấy giá điện tăng liên tục trong thời gian như vậy sẽ quan ngại trong đầu tư sản xuất kinh doanh.

Đối với quy định giá điện theo thang 6 bậc như hiện hành cũng cần xem xét lại khi có nhiều ý kiến cử tri cho rằng chưa hỗ trợ người tiêu dùng, nhà sản xuất. Hiện những hộ nghèo và hộ cận nghèo đã sử dụng đến mức đó trong khi nhu cầu tiêu dùng điện càng ngày tăng lên trong khi mức trần của bậc 1 chỉ 50 kWh.

M.Vy (t/h từ BNEWS/TTXVN, Hà Nội mới, Tiền Phong,Gia đình Việt Nam)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
2.06 +0.01 (+0.42%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả