Tăng cường tính thực chất, minh bạch trong đấu thầu
Nghị định mới hướng dẫn Luật Đấu thầu năm 2023 cụ thể hóa các quy định về lựa chọn nhà thầu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước.
Đặc biệt là mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế; đồng thời tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu.
Ngày 27/02/2024, Chính phủ ban hành 2 văn bản mới hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 là Nghị định 23/2024/NĐ-CP (Nghị định 23) và Nghị định 24/2024/NĐ-CP (Nghị định 24). Đây là 2 nghị định quy định chi tiết rất quan trọng, hướng dẫn nhiều nội dung lớn về lựa chọn nhà thầu, trong bổ sung nhiều quy định mới để hướng dẫn các nội dung Luật Đầu thầu 2023.
“Cởi trói” cho bệnh viện công lập trong mua sắm hàng hoá, thiết bị y tế để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế. Nhất là thời gian qua các bệnh viện (BV) vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc.
Điểm mới, đáng chú ý của Nghị định 24 là quy định rõ các gói thầu được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, cấp cứu người bệnh, phục vụ phòng chống dịch bệnh... Điều này nhằm bảo đảm các BV có thể mua ngay được thuốc để phục vụ công tác mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu tốn nhiều thời gian.
Liên quan đấu thầu thuốc tập trung, để khắc phục tình trạng trước đây chỉ có 1 nhà thầu trúng thầu cung cấp thuốc với số lượng lớn, phạm vi giao hàng rộng, dẫn đến một số trường hợp nhà thầu không đủ khả năng thực hiện hợp đồng, Nghị định 24 bổ sung quy định cho phép lựa chọn nhiều hơn 1 nhà thầu trúng thầu; để nếu nhà thầu xếp hạng thứ nhất không còn khả năng cung cấp, chủ đầu tư được ký ngay hợp đồng với nhà thầu xếp hạng tiếp theo.
Chủ đầu tư được mời thầu theo cách cho các nhà thầu được chào số lượng theo khả năng cung cấp của mình, không nhất thiết phải chào theo đúng số lượng thuốc nêu trong hồ sơ mời thầu.
Ngoài ra, trường hợp nhà thầu đã trúng thầu (gồm cả trúng thầu gói thầu đấu thầu tập trung) nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng không thể tiếp tục cung cấp thuốc thì BV được phép chỉ định thầu cho nhà thầu khác thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu mà không giới hạn hạn mức chỉ định thầu.
Giám đốc BV Việt Đức Dương Đức Hùng cho biết, trong điều kiện không ít mặt hàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị từ các nhà cung ứng bị gián đoạn do bị đứt gãy nguồn cung, cùng với đó là nhiều vật tư, dụng cụ phẫu thuật của chuyên ngành ngoại khoa chỉ có 1 - 2 nhà cung ứng đã tạo ra không ít áp lực và ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch của BV.
Các chuyên gia y tế cho rằng quy định như trên sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho các BV trong việc mua thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh; cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương. Đồng thời, góp phần giúp BV lựa chọn được hàng hóa có chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu chuyên môn và khả năng tài chính của mình.
Về xác định giá gói thầu, Nghị định 24 quy định việc thu thập báo giá là 1 trong 7 căn cứ để xác định giá gói thầu. Riêng lĩnh vực y tế, trường hợp có nhiều hơn 1 báo giá, BV được lựa chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn làm giá gói thầu.
Trước đây, để xác định được giá của các gói thầu mua sắm hàng hoá, vật tư, trang thiết bị y tế, BV phải có 3 báo giá. Trên thực tế, có những máy móc, vật tư, thiết bị chỉ có 1 đến 2 nhà cung cấp trên thị trường, nên không thể có 3 báo giá theo quy định.
Các BV đã có thể lựa chọn mua sắm được vật tư, hàng hoá, thiết bị chỉ có 1 đến 2 nhà cung cấp và có quyền lựa chọn đặc tính, cấu hình của các máy móc, thiết bị, vật tư y tế cần sử dụng trong bệnh viện, phù hợp tài chính của bệnh viện.
"Đây là điểm mới, các bệnh viện sẽ tránh được tình trạng phải mua vật tư giá thấp, hay các máy móc, thiết bị khi hỏng, rất khó để mua sắm linh kiện thay thế…" - Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ chia sẻ. Như vậy, khắc phục được tình trạng một số cơ sở y tế phải mua trang thiết bị rẻ nhất, nhưng không đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh.
Đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục
Nghị định số 23 bổ sung một số quy định về ưu đãi đối với nhà đầu tư có giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được hưởng mức ưu đãi 5% khi đánh giá hồ sơ dự thầu.
Nhà đầu tư cam kết chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; hoặc thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ được hưởng mức ưu đãi 2% khi đánh giá hồ sơ dự thầu.
Nghị định yêu cầu khi dự thầu, nhà đầu tư phải nộp các tài liệu chứng minh. Nhà đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi được lựa chọn ký kết hợp đồng phải thực hiện đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu, hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra còn có nhiều ưu đãi khác, đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, với nhà sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam trên cơ sở sáng chế hoặc kết hợp một phần chuyển giao công nghệ, ưu đãi đối với đấu thầu trong nước, với những sản phẩm, dịch vụ được dán nhãn sinh thái, năng lượng và tương đương... thì hưởng ưu đãi theo hướng được ưu tiên khi đánh giá về năng lực, kinh nghiệm.
Ngoài ra, cũng bỏ một số bước trong quy trình mua sắm; không cần phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu, danh sách đạt kỹ thuật đối với 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ, hay không cần thương thảo hợp đồng trong một số trường hợp cụ thể cùng nhiều vấn đề khác.
Đẩy mạnh lộ trình đấu thầu qua mạng, công khai minh bạch
Theo bà Ngô Chi Linh - Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT), một số điểm mới của Nghị định nổi bật như: quản lý chất lượng nhà thầu, chất lượng hàng hóa dịch vụ; công khai thông tin để đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong đấu thầu; những tiêu chí đánh giá uy tín nhà thầu để từ đó tăng trách nhiệm nhà thầu cũng như chất lượng thực hiện các dự án... Quan trọng nhất là nội dung tối đa hóa các ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được thực hiện đấu thầu một cửa, tất cả sẽ được thực hiện qua mạng từ phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả, ký hợp đồng điện tử, thanh toán hợp đồng, đánh giá uy tín, đánh giá kết quả thực hiện hay giám sát đấu thầu trên hệ thống...
Trước đó, Bộ KH&ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT ngày 15/2/2024 hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Thông tư 01)
Thông tư này quy định rõ về cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu. Theo đó, thông tin về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu trên Hệ thống gồm: Thông tin chung về nhà thầu; Số liệu về báo cáo tài chính hằng năm; Thông tin về các hợp đồng đã và đang thực hiện; Thông tin về nhân sự chủ chốt; Thông tin về máy móc, thiết bị; Thông tin về uy tín của nhà thầu.
Thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu được chủ đầu tư đăng tải trên Hệ thống trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu/phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Thông tin cơ bản về dự án được đăng tải đồng thời với kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa phải công khai chi tiết thông tin về các hạng mục hàng hóa trúng thầu bao gồm các nội dung sau: Danh mục hàng hóa; Ký mã hiệu; Nhãn hiệu; Năm sản xuất; Xuất xứ (quốc gia, vùng lãnh thổ); Hãng sản xuất; Cấu hình, tính năng kỹ thuật cơ bản; Khối lượng; Đơn giá trúng thầu.
Nhà thầu chủ động cập nhật thông tin về năng lực, kinh nghiệm của mình theo quy định này trên Hệ thống và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác đối với các thông tin đã kê khai trên Hệ thống. Trường hợp nhà thầu tự thực hiện việc chỉnh sửa trên Hệ thống, Hệ thống sẽ lưu lại toàn bộ các thông tin trước và sau khi nhà thầu thực hiện chỉnh sửa. Thông tin về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu được xác thực bằng chữ ký số của nhà thầu.
Nhà thầu phải đính kèm các văn bản, tài liệu để chứng minh tính xác thực về năng lực, kinh nghiệm; văn bản, tài liệu đính kèm được lưu trữ và quản lý trên Hệ thống.
Trường hợp nhà thầu kê khai không trung thực nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào thì bị coi là gian lận theo quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Đấu thầu.
Luật Đấu thầu cũng sửa đổi, bổ sung và quy định chi tiết hơn một số hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu như thông thầu, chuyển nhượng thầu trái phép; kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu và xử lý vi phạm trong đấu thầu. Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, việc sửa đổi, bổ sung các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu sẽ giúp giảm thiểu những sai phạm có thể xảy ra, tăng cường tính minh bạch trong đấu thầu, đảm bảo công bằng giữa các nhà thầu, nhà đầu tư.
Điều 133 của Nghị định số 24/2024/NĐ-CP cũng có nhiều quy định chuyển tiếp. Theo đó, đối với gói thầu đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng đến ngày Nghị định số 24/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 27/2/2024) chưa phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và có nội dung không phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và Nghị định này thì phải phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu để phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và Nghị định này.
Trường hợp gói thầu không áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và đã phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành chưa đóng thầu thì phải sửa đổi hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu để phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, Nghị định này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận