Tân Tổng thống Mỹ quyết “hành động lớn”
Kế hoạch giải cứu trị giá 1,9 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra cho thấy, ông đang quyết tâm tránh lặp lại những sai lầm như thời của Tổng thống Obama - mà ông Biden là phó tướng - đã ứng xử với cuộc đại suy thoái năm 2009.
Tăng trưởng GDP có thể tới 8%
Chính phủ liên bang Mỹ đã hành động không đủ mạnh trong năm 2009 để chống lại cuộc đại suy thoái. Và kết quả là sự phục hồi kinh tế sau đó đã yếu hơn kỳ vọng. Là cựu Phó tổng thống thời kỳ của ông Obama nên ông Joe Biden, tân Tổng thống Mỹ hiện nay, có lẽ đã trực tiếp “học” được bài học đau đớn này. Đó là lý do tại sao ông đang triển khai cách tiếp cận phải “làm lớn” trong bối cảnh thừa hưởng một nền kinh tế yếu kém và đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ từ Chính phủ tiền nhiệm Donald Trump.
Jason Furman, một trong những kiến trúc sư của kế hoạch kích thích kinh tế năm 2009, nói với CNN Business mới đây: “Nếu chúng ta nhìn lại và nghĩ rằng kế hoạch này là quá lớn, đó sẽ là một sự hối tiếc”. Là cựu trợ lý kinh tế hàng đầu của Tổng thống Obama, chuyên gia Furman nhớ lại rằng, thời điểm đó Nhóm nghiên cứu của ông đã đề xuất cần có một gói kích thích trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2009 – mức lớn hơn trên 25% so với gói kích thích cuối cùng đã được Quốc hội thông qua năm đó để giúp kinh tế phục hồi. “Một trong những nguyên nhân khiến sự phục hồi chậm hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 chính là vì quy mô kích thích đã không được thông qua ở mức lớn hơn”, chuyên gia này khẳng định.
Trở về thời hiện tại, các nhà kinh tế cho rằng, kế hoạch kích thích của ông Biden nếu được thông qua sẽ giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch trong khoảng 6 tháng tới. Ngày 14/1 vừa qua, ông Biden đã đề xuất "Kế hoạch giải cứu nước Mỹ", với một gói kích cầu trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Trong đó gồm các khoản chính như: Đề xuất hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD/người cho phần lớn dân Mỹ; Tiền lương tối thiểu liên bang sẽ được nâng lên 15 USD/giờ; Người thất nghiệp sẽ được hỗ trợ 400 USD/tuần cho tới hết tháng 9/2021; Người vay thế chấp nhà được hỗ trợ giãn nợ cho tới cuối tháng 9; 350 tỷ USD dùng để cấp hỗ trợ cho các chính quyền tiểu bang; 170 tỷ USD hỗ trợ các trường học và cơ sở giáo dục; 50 tỷ USD được chi để tăng cường công tác xét nghiệm Covid-19; 20 tỷ USD cho tiêm vắc-xin Covid-19; hay 25 tỷ USD hỗ trợ cho thuê nhà…
Theo Austan Goolsbee, cựu cố vấn kinh tế của chính quyền Obama, một trong những bài học của năm 2009 là lập luận cho rằng, cứ bắt đầu một cách khiêm tốn (kích thích từ từ) và sau đó tiếp tục bổ sung nếu nền kinh tế không được cải thiện. Nhưng thực tế khi hành động theo lập luận đó đã không mang lại kết quả như kỳ vọng. Là người đã trực tiếp trải qua thời kỳ đó, “chúng ta thấy chính quyền Tổng thống Biden sẽ không lặp lại kịch bản như vậy”, chuyên gia này nhận định. Như kế hoạch trên cho thấy, ông Biden và nội các đang muốn “làm lớn”, hành động quyết liệt chứ không phải theo cách nhỏ giọt và “chạy theo” diễn biễn thực tế như trước đây.
Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics dự báo, nếu kế hoạch nhiều tham vọng trên được thông qua, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng “chóng mặt”, có thể đạt 8% trong năm nay và thị trường việc làm sẽ trở lại trạng thái “gần như toàn dụng” vào mùa thu năm 2022.
Liệu Quốc hội Mỹ có “gật đầu”?
Tuy nhiên, kế hoạch kích cầu của Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ vấp phải các phản đối tại Quốc hội. Chuyên gia Mark Zandi kỳ vọng khi chính thức được thông qua thì giá trị của kế hoạch giải cứu sẽ bị điều chỉnh giảm xuống chỉ còn 750 tỷ USD. Ở kịch bản này, tăng trưởng GDP có thể ở mức khoảng 5% trong năm nay, theo chuyên gia này. Lạc quan hơn một chút là các chuyên gia của Goldman Sachs khi dự đoán giá trị gói hỗ trợ được thông qua sẽ là 1,1 nghìn tỷ USD. Theo đó, tăng trưởng GDP sẽ ở mức 6,6% trong năm nay (tăng từ 5,9% mà Goldman Sachs dự kiến trước khi đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ).
Như vậy, một trong những vấn đề khó khăn nhất của tân Tổng thống Biden và nội các là làm thế nào để thuyết phục các nhà lập pháp và công chúng chấp nhận kế hoạch này trong bối cảnh nợ và thâm hụt ngân sách liên bang vốn đã đang ở các mức cao chưa từng có trong lịch sử và khiến Mỹ phải đối mặt với một tình trạng tài khóa không bền vững. Tất nhiên để bảo vệ cho kế hoạch của mình, tân chính quyền của ông Biden đang nhấn mạnh đến quan điểm “giờ không phải lúc để lo lắng về các khoản nợ”.
Dù biết sẽ gặp khó khăn để có thể thông qua kế hoạch này tại Quốc hội nhưng bà Janet Yellen - ứng viên sáng giá cho chức Bộ trưởng Bộ Tài chính dưới thời của ông Biden - cho rằng: Với lãi suất đang ở mức thấp lịch sử hiện nay, điều thông minh nhất mà chúng ta có thể làm là “hành động lớn”, Yellen nói với các nhà lập pháp hôm thứ Ba. "Về lâu dài, tôi tin rằng lợi ích mang lại sẽ vượt xa chi phí bỏ ra".
Quan điểm này của bà Yellen cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp lớn tại Mỹ. Như Giám đốc điều hành Walmart Doug McMillon hôm thứ Ba vừa qua cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay cần được giải quyết ngay. “Hãy thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, đó là cách tốt nhất để trả khoản nợ đó về sau này”, Doug McMillon nói.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lo ngại “làm lớn” có thể dẫn tới quá tay và trở thành vô trách nhiệm. "Tôi thực sự nghĩ rằng họ đang làm quá nhiều. Đến một lúc nào đó, điều đó sẽ trở thành vô trách nhiệm", Lindsey Piegza, chuyên gia kinh tế trưởng tại Stifel, nhận định và cho rằng, nợ trên GDP của Mỹ đang tăng lên là vấn đề "đáng báo động", do đó cần một cách tiếp cận “nhỏ hơn, có mục tiêu hơn”.
Đồng tình phần nào với quan điểm này, chuyên gia Jason Furman cho rằng riêng đề xuất hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD/người cần có mục tiêu hơn. Cụ thể, chỉ những người dân Mỹ bị cắt giảm thu nhập thực sự mới được nhận đủ khoản hỗ trợ này. Tuy nhiên, Furman bác bỏ lo ngại về nợ của Mỹ vì các khoản thanh toán lãi suất của chính phủ liên bang đang ở mức thấp và giảm đi do chi phí đi vay đang rẻ nhất trong lịch sử. Ngay cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - vốn theo truyền thống luôn nhấn mạnh những mối ngại về nợ - cũng đang đưa ra thông điệp với các nền kinh tế rằng, không phải quá lo ngại về điều đó lúc này. “Quá lo ngại về nợ tăng mà sớm chuyển sang thắt lưng buộc bụng chắc chắn sẽ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế. Đấy là một bài học mà rất nhiều nền kinh tế đã trải qua”, Jason Furman kết luận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận