Tân Hoàng Minh làm dự án trên 'đất vàng' Hà Nội ra sao?
Tập đoàn Tân Hoàng Minh được biết đến là chủ của nhiều khu “đất vàng” tại Hà Nội. Tại nhiều dự án chất lượng thiết kế, thi công không được như mong đợi, thậm chí bị cơ quan chức năng nhiều lần xử lý…
Nhiều lần bị xử lý
Ngày 12/1, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội xác nhận rằng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an có đề nghị đơn vị cung cấp thông tin liên quan 11 dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Hà Nội. “Sở KH&ĐT đã có văn bản cung cấp thông tin từ cuối tháng 12/2021”, đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho hay.
Cụ thể, C03 đã đề nghị cung cấp tài liệu liên quan việc chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước liên quan 11 dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Hà Nội. 11 dự án gồm: D’. Le Pont D’ or Hoàng Cầu; D’. Palais Louis Nguyễn Văn Huyên; D’. San Raffles Hàng Bài; D’. Le Roi Soleil Quảng An Tân Hoàng Minh; D’. El Dorado I (Phú Thượng); D’. El Dorado II (Phú Thanh); D’Capitale Trần Duy Hưng; Summit Building Trần Duy Hưng; D’.Jardin Royal - Tân Hoàng Minh Đại Cồ Việt; Tân Hoàng Minh Lò Đúc và Tân Hoàng Minh Hoàng Mai.
Trước đó vào năm 2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận thanh tra 3 dự án vi phạm trong quá trình triển khai xây dựng của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh tại Hà Nội.
Đó là dự án xây dựng chung cư CT1 ao Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa; dự án Khu nhà ở phía đông hồ Nghĩa Đô, đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy; Dự án xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng, thương mại, nhà trẻ và căn hộ chung cư số 2 Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ.
Cụ thể, dự án D’. Le Roi Soleil - Quảng An (ngã ba đường Xuân Diệu, Đặng Thai Mai - quận Tây Hồ) khi nghiệm thu, thanh toán đã tính sai khối lượng thi công. Ngoài ra, công trình cũng có tình trạng chênh lệch giữa biện pháp thi công trong đề xuất kỹ thuật với đề xuất tài chính dẫn đến thanh toán chưa đúng khối lượng thực tế thi công, giảm hơn 14 tỷ đồng.
Dự án D’. Le Pont D’ or - Hoàng Cầu cũng xảy ra sai phạm tương tự trong quá trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng.
Ở 2 dự án D’. Le Pont D’ or - Hoàng Cầu và D’. Palais de Louis - Nguyễn Văn Huyên, một số gói thầu thi công, biên bản nghiệm thu công việc căn cứ tiêu chuẩn xây dựng đã hết hiệu lực; thiếu một số thí nghiệm theo quy định hoặc kết quả thí nghiệm lập không đúng quy định.
Đặc biệt, theo Thanh tra Bộ Xây dựng, trong cả 3 dự án hạng sang của Tân Hoàng Minh kể trên, có 11 nhà thầu thi công không mua bảo hiểm cho công trình theo cam kết của hợp đồng giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Trong đó, dự án D’. Le Pont D’ or - Hoàng Cầu có 2 nhà thầu. Dự án D’. Palais de Louis - Nguyễn Văn Huyên có 8 nhà thầu và dự án D’. Le Roi Soleil - Quảng An có một nhà thầu.
Thanh tra Bộ Xây dựng ngay trong năm 2017 cũng đã lập biên bản vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư là Tân Hoàng Minh tổng số tiền 275 triệu đồng.
Đất công thành đất tư
Đáng chú ý, trong 11 dự án của Tân Hoàng Minh mà C03 đề nghị cung cấp tài liệu có dự án Summit Building tại số 216 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy - dự án vốn được phê duyệt xây trên đất công. Tuy nhiên, sau nhiều giai đoạn đất công này đã được “chuyển" thành đất tư không qua đấu giá. Dự án này cũng biến thành dự án nhà ở thương mại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building tại số 216 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội do Cty CP Veracity làm chủ đầu tư. Ngày 27/1/2003, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định cho Cty TNHH Hoa Phượng Thăng Long (Cty Hoa Phượng Thăng Long) thuê 4.741m2 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Mục đích thuê đất là xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm. Thời gian thuê đất 45 năm kể từ ngày ký quyết định trên (đến năm 2048).
Theo quyết định trên, trong tổng diện tích 4.741m2 mà Cty Hoa Phượng Thăng Long thuê có 2.438m2 đất do UBND quận Cầu Giấy quản lý; 38m2 đất là diện tích làm đường nội bộ thuộc khu di dân Tràng Hào do Ban Quản lý dự án Thăng Long quản lý; 2.265m2 đất do UBND phường Trung Hòa quản lý và một số hộ dân đang sử dụng.
Đến năm 2014, một pháp nhân mới là Cty TNHH Hoa phượng Thăng Long Hà Nội (Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội) ra đời, cũng có địa chỉ tại 216 Trần Duy Hưng. Chưa đầy 4 tháng sau, Hoa Phượng Thăng Long đã chuyển nhượng một phần dự án cho Hoa phượng Thăng Long Hà Nội.
Ngày 15/2/2017, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định 1147/QĐ-UBND cho phép Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội chuyển mục đích sử dụng 2.373m2 đất tại thửa B khu 216 Trần Duy Hưng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building. Quyết định này dựa trên các Nghị định của Chính phủ về thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố và đề nghị của Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội.
Cần yêu cầu nhà đầu tư chứng minh năng lực
GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc việc đấu giá “thiệt 1 nhưng lợi 5”, khi có quỹ đất quanh đó họ vẫn còn. “Đây là chiêu kích giá đất và hiện nay chưa có biện pháp nào để quản lý hiệu quả”, GS. Võ nói.
Ông Võ cũng cho rằng nên có thêm nhiều điều khoản bổ sung để siết chặt hơn nữa các ràng buộc liên quan đến đấu thầu đất đai. Phải sửa Luật Đấu thầu, không thể lỏng lẻo như hiện nay. Điều kiện trúng rồi mà bỏ thầu phải chặt chẽ. Bên cạnh đó điều kiện trúng thầu cũng cần phải có những điều kiện nhất định, đảm bảo năng lực tài chính. Các doanh nghiệp tham gia đấu giá, đấu thầu phải là những doanh nghiệp có đủ năng lực để phát triển dự án.
TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn (Chủ tịch NgoViet Architects & Planners) nhận định, trong trường hợp của Tân Hoàng Minh rõ ràng có dấu hiệu nâng giá vì mục đích riêng. Tuy nhiên, hiện tại lại không có cơ sở để phạt hành vi này.
Theo ông Sơn, một khi nhà đầu tư đẩy giá đất lên cao bất thường, thì đó không phải là tư duy khoa học mà là tư duy cá cược. Tức là họ sẽ thiệt ở chỗ này, nhưng đã có sẵn bài toán hưởng lợi ở chỗ khác. Vị này đề nghị cấm doanh nghiệp tham gia đấu giá đất làm dự án vì mục đích lũng đoạn thị trường.
Theo một đại diện Sở Tài chính Hà Nội, Luật Đấu giá tài sản 2016 chưa có quy định ràng buộc người tham gia đấu giá phải nộp kèm các tài liệu chứng minh năng lực tài chính, khả năng được cấp tín dụng từ ngân hàng. Do đó, trong thời gian tới có thể khắc phục bằng cách quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực tài chính, chứng minh được khả năng thực hiện dự án đấu giá phù hợp với quy hoạch...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận