Tầm giá 730 triệu, chọn Mitsubishi Xforce Ultimate hay Lynk & Co 06?
Phiên bản cao cấp nhất của Mitsubishi Xforce có giá thấp hơn 24 triệu đồng so với Lynk & Co 06.
Phân khúc SUV cỡ B đang là một trong những điểm nóng của thị trường ôtô Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Các vị trí nhóm đầu doanh số ở phân khúc này liên tục có sự xáo trộn, nhiều mẫu xe cả thuần điện lẫn vận hành bằng động cơ xăng liên tục ra mắt trong các tháng gần đây cho thấy sự quan tâm đặc biệt của thị trường cũng như các hãng xe dành cho phân khúc SUV đô thị.
Gần đây nhất, Mitsubishi công bố giá bán 705 triệu đồng dành cho phiên bản Ultimate của "tân binh" Mitsubishi Xforce, còn Lynk & Co cũng tung ra mẫu SUV cỡ B mang tên Lynk & Co 06 có giá 729 triệu đồng để cạnh tranh cùng các đối thủ cùng phân khúc.
Đây là cặp đối đầu thú vị giữa một bên là dòng xe thương hiệu Nhật Bản đang chiếm lĩnh thị trường và một bên sở hữu không ít lợi thế về sản phẩm của thương hiệu Trung Quốc.
Ngoại thất
Mitsubishi Xforce phiên bản Ultimate vẫn sở hữu kích thước dài x rộng x cao lần lượt 4.390 x 1.810 x 1.660 mm cùng chiều dài trục sơ sở ở mức 2.650 mm. Trong khi đó, "tân binh" Lynk & Co 06 có các kích thước tương ứng lần lượt 4.340 x 1.820 x 1.625 mm và chiều dài cơ sở 2.640 mm.
Tại phần đầu xe, Lynk & Co 06 được duy trì thiết kế đặc trưng của hãng xe Trung Quốc với nắp ca-pô dập gân nổi hình chữ U. Dải đèn LED ban ngày dạng khối được đưa lên nắp ca-pô, trong khi cụm đèn chiếu sáng chính có dạng LED chóa phản xạ nằm liền kề với lưới tản nhiệt Urban Matrix.
Về phần mình, đầu xe Mitsubishi Xforce được đặc trưng bởi cụm đèn LED tạo hình chữ T, trong đó dải đèn định vị ban ngày có thiết kế phân tầng khá lạ mắt. Mitsubishi Xforce phiên bản Ultimate cũng có đèn chiếu sáng chính dạng LED thấu kính, đồng thời được trang bị thêm đèn sương mù dạng LED đặt bên dưới cản trước.
Ở phía đuôi xe, cả Mitsubishi Xforce Ultimate lẫn Lynk & Co 06 đều được trang bị cụm đèn hậu dạng LED. Tuy nhiên, phần đuôi xe của mẫu SUV cỡ B thương hiệu Nhật Bản được đánh giá cao hơn nhờ sở hữu cốp điện, trang bị chưa xuất hiện trên Lynk & Co 06.
Cả hai xe đều sở hữu "dàn chân" là bộ mâm kích thước 18 inch, nhưng Mitsubishi Xforce Ultimate được trang bị bộ lốp rộng hơn với thông số 225/50, trong khi thông số lốp của Lynk & Co 06 là 215/55.
Mẫu xe Nhật Bản cũng có lợi thế hơn Lynk & Co 06 về khoảng sáng gầm khi thông số này ở các mẫu xe tương ứng lần lượt là 222 mm dành cho Mitsubishi Xforce Ultimate và 172 mm dành cho đại diện Trung Quốc.
2 mẫu xe không có sự vượt trội khi so sánh với nhau về thiết kế. Lynk & Co 06 dù khá đẹp nhưng không thật sự ấn tượng như các mẫu xe khác của hãng, trong khi Mitsubishi Xforce Ultimate trên thực tế cũng không có điểm nhấn nào thật sự nổi bật so với các phiên bản khác của dòng xe này.
Nội thất
Bên trong khoang lái, cả Lynk & Co 06 lẫn Mitsubishi Xforce Ultimate đều sở hữu màn hình giải trí trung tâm kích thước 10,25 inch, có hỗ trợ kết nối Apple CarPlay và Android Auto không dây. Tuy nhiên, mẫu SUV cỡ B của thương hiệu Trung Quốc được trang bị màn hình đa thông tin kích thước 10,25 inch nằm sau vô lăng, trong khi Xforce Ultimate chỉ sở hữu màn hình kích thước 8 inch.
Mitsubishi Xforce Ultimate vẫn sở hữu cần số cơ dạng thẳng tương tự các phiên bản GLX, Exceed và Premium. Trong khi đó, cần số trên Lynk & Co 06 là dạng điện tử. Cả 2 xe đều được trang bị phanh tay điện tử tích hợp tính năng Auto Hold, điều hòa tự động 2 vùng có tích hợp lọc không khí.
Khu vực yên ngựa của 2 xe cũng là nơi đặt nút chọn chế độ lái. Lynk & Co 06 sở hữu 4 chế độ lái khác nhau bao gồm Economy/Comfort/Sport/Intelligent, còn Mitsubishi Xforce có 4 chế độ lái bao gồm Normal/Wet/Gravel/Mud.
Khoang nội thất của Lynk & Co 06 còn được đánh giá trội hơn nhờ trang bị cửa sổ trời toàn cảnh Panorama. Tuy nhiên khi xét đến hệ thống âm thanh, Lynk & Co 06 và Mitsubishi Xforce Ultimate tỏ ra khá "ngang tài ngang sức".
Với Lynk & Co 06, hãng xe Trung Quốc đã trang bị cho mẫu SUV cỡ B một hệ thống âm thanh gồm 6 loa Hifi. Trong khi đó, Mitsubishi Xforce Ultimate là phiên bản duy nhất được hãng xe Nhật Bản trang bị hệ thống âm thanh Yamaha cao cấp với tổng cộng 8 loa bao quanh không gian cabin.
Tại hàng ghế thứ hai, Mitsubishi Xforce Ultimate và Lynk & Co 06 đều được trang bị cửa gió điều hòa cùng các cổng sạc thiết bị di động. Bệ tì tay tích hợp khay giữ cốc cho hàng ghế sau cũng là trang bị tương đồng trên 2 mẫu xe.
Độ hoàn thiện của Lynk & Co 06 có phần nhỉnh hơn một chút, đây có lẽ là ưu điểm nhỏ khi so sánh với Xforce.
Động cơ và vận hành
Mitsubishi Xforce phiên bản Ultimate vẫn sở hữu khối động cơ MIVEC dung tích 1.5L tương tự các phiên bản còn lại, cho ra công suất tối đa 105 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại 141 Nm. Trong khi đó, Lynk & Co 06 được trang bị động cơ tăng áp dung tích 1.5L cho ra công suất tối đa 178 mã lực và mô-men xoắn cực đại 290 Nm.
Mẫu SUV cỡ B của thương hiệu Trung Quốc còn được đánh giá cao hơn khi sở hữu hộp số 7 cấp ly hợp kép ướt, còn trang bị này trên Mitsubishi Xforce là loại vô cấp CVT.
Về trang bị an toàn, cả Mitsubishi Xforce Ultimate lẫn Lynk & Co 06 đều sở hữu 6 túi khí, bên cạnh các tính năng an toàn cơ bản như hệ thống chống bó cứng phanh, phân phối lực phanh điện tử, hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp, cân bằng điện tử hay hỗ trợ khởi hành ngang dốc.
Gói công nghệ ADAS trên Mitsubishi Xforce Ultimate và Lynk & Co 06 bao gồm một số tính năng tương đương nhau, bao gồm ga tự động thích ứng, đèn pha tự động, cảnh báo tiền va chạm, cảnh báo khi chuyển làn, cảnh báo điểm mù hay cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau.
Tuy nhiên, Lynk & Co 06 được bổ sung thêm tính năng cảnh báo lệch làn, hỗ trợ giữ làn và chuyển làn, bên cạnh hệ thống camera toàn cảnh 540 độ cho phép quan sát dưới gầm xe. Trên Mitsubishi Xforce phiên bản Ultimate, hệ thống camera quan sát chỉ bao gồm camera lùi đặt ở phía đuôi xe.
Giá bán
Như đã đề cập phía trên, Lynk & Co 06 được định giá 729 triệu đồng tại thị trường Việt Nam và trở thành mẫu xe rẻ nhất của thương hiệu ôtô Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, giá bán của Lynk & Co 06 vẫn nhỉnh hơn so với mức niêm yết 705 triệu đồng của Mitsubishi Ultimate hay phiên bản cao nhất của các đối thủ bao gồm Kia Seltos (599-799 triệu đồng), Hyundai Creta (599-699 triệu đồng) và chỉ hấp dẫn hơn Mazda CX-30 2.0L Premium (749 triệu đồng), Toyota Yaris HEV (765 triệu đồng), Honda HR-V RS (871 triệu đồng) hay Toyota Corolla Cross HEV với giá bán 920 triệu đồng.
Lynk & Co 06 có giá bán không rẻ so với mặt bằng chung của phân khúc SUV cỡ B. Ảnh: Lynk & Co.
Nhìn chung, khoảng chênh lệch 24 triệu đồng giữa Lynk & Co 06 với Mitsubishi Xforce Ultimate được thể hiện qua sức mạnh vượt trội của động cơ tăng áp dung tích 1.5L hay một số tính năng an toàn trong gói ADAS mà hãng xe Trung Quốc trang bị cho mẫu SUV cỡ B.
Giá bán cũng không hẳn là trở ngại lớn nhất của Lynk & Co 06 tại thị trường Việt Nam bởi tương tự nhiều mẫu xe Trung Quốc khác, "tân binh" trong phân khúc SUV cỡ B còn phải vượt qua những định kiến lâu năm về chất lượng xe Trung Quốc cũng như giá trị thương hiệu trước khi thuyết phục được khách hàng chấp nhận xuống tiền.
Sau 5 tháng đầu năm, Mitsubishi Xforce đang tạm thời là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc SUV cỡ B với doanh số 2.942 xe. Tuy nhiên, doanh số này chưa bao gồm lượng tiêu thụ của phiên bản Ultimate bởi Mitsubishi Việt Nam chỉ vừa công bố giá bán cũng như bàn giao Xforce Ultimate cho khách hàng từ tháng 6.
Trong khi đó, doanh số của các mẫu xe thương hiệu Lynk & Co tại thị trường Việt Nam không được chia sẻ. Có thể nói Lynk & Co 06 là mẫu xe đáng thử nhất của hãng xe này tại Việt Nam, vì nó có mức giá tương đối hợp lý và dễ tiếp cận hơn so với những cái tên khác. Còn nếu lựa chọn theo tiêu chí thương hiệu và an toàn, Xforce của Mitsubishi vẫn là cái tên đã được kiểm chứng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận