Tâm điểm chứng khoán: Hiệu ứng F0 sụt giảm và tin đồn giảm dự trữ bắt buộc
Theo chuyên gia, việc tài khoản nhà đầu tư mở mới sụt giảm là do giãn cách xã hội, không quá ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường. Điều này sẽ được cải thiện khi dịch bệnh được kiểm soát.
Hai tuần qua, VN-Index ghi nhận 9 phiên tăng điểm liên tiếp và chỉ giảm nhẹ ở phiên cuối tuần, chốt ở mức hơn 1.341 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE tuần qua đạt bình quân mức hơn 20.000 tỷ đồng/phiên. Tăng khá so với mức bình quân hơn 17.000 tỷ đồng/phiên tuần trước đó.
Thị trường diễn biến tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại nhiều tỉnh thành, nhất là tại TP.HCM diễn biến phức tạp; tài khoản mở mới của nhà đầu tư F0 sụt giảm trong tháng 7 và xuất hiện tin đồn về giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc…
Những vấn đề này được lý giải ra sao? Liệu xu hướng tăng điểm của thị trường cùng với thanh khoản sẽ được duy trì? Dưới đây là một số nhận định của các chuyên gia mà BizLIVE ghi nhận được.
Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân có khả năng đã đạt đỉnh
Ông Bùi Văn Huy, Chuyên gia chứng khoán
Đợt hồi phục vừa qua là rất bình thường khi trước đó thị trường đã giảm quá nhanh và các chỉ báo kỹ thuật rơi vào trạng thái quá bán. Tuy nhiên cũng cần phải khẳng định, đợt phục hồi vừa rồi là rất mạnh mẽ, bởi lẽ tiền trong thị trường vẫn còn rất nhiều dù đã có dấu hiệu giảm so với giai đoạn đỉnh điểm. Hiện tại, thị trường đã hồi khoảng 2/3 đoạn giảm và với mức độ này vẫn có thể nói thị trường còn nằm trong sóng hồi đơn thuần.
Đà phục hồi lần này cho thấy có sự chuyển đổi nhóm ngành dẫn dắt. Nổi bật đó là nhóm bán lẻ, bất động sản, dầu khí và các cổ phiếu họ Vingroup, khác nhiều so với nhịp tăng trước đỉnh. Nhiều trong số những nhóm ngành này mang “thế thủ”, do đó sự luân chuyển này để dẫn dắt đà tăng vẫn mang yếu tố dè chừng nhất định.
Thanh khoản có xu hướng dịch chuyển khỏi những ngành dẫn sóng trước đó là ngân hàng, thép sang các nhóm ngành khác. Như đã nói ở trên, sự luân chuyển hiện tại có vẻ không phải ở thế “tấn công”, dù giá tăng nhưng sự luân chuyển không hẳn là theo hướng quá lạc quan, nổi bật đó là nhóm bán lẻ, nhóm bất động sản, dầu khí và các cổ phiếu họ Vingroup, khác nhiều so với nhịp tăng trước đỉnh. Ở một góc nhìn khác, cổ phiếu smallcap lại đang hút tiền đợt này.
Nhìn tổng hợp lại bức tranh, tiền đã kém đi nhưng vẫn còn kha khá và đang trong thế dè chừng nhất định, tránh đối đầu với những nhóm ngành dẫn dắt trước đây, có cơ bản xấu đi và đã tăng nhiều.
Việc số lượng tài khoản mở mới giảm do 2 lý do. Thứ nhất, giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành khiến việc vận hành của các CTCK gặp ảnh hưởng, cùng với đó là nhà đầu tư cũng khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ mở mới.
Thứ hai, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân có khả năng đã đạt đỉnh. Số lượng nhà đầu tư mở mới, quan tâm đến chứng khoán vẫn sẽ ở mức tốt do chứng khoán ngày càng được biết đến và quan tâm nghiêm túc hơn, nhưng đỉnh điểm về dòng tiền cá nhân đổ vào và số lượng tài khoản mở mới có thể đã qua. Số lượng từ khoá Google Trend về chứng khoán hay quan sát đời thường của người làm nghề ít nhiều đưa đến kết luận này.
Để đánh giá thị trường đã trở lại xu hướng tăng giá hay chưa cần làm rõ một số điểm. Bối cảnh vĩ mô hiện tại rất khác so với những đợt điều chỉnh khác. Đây đã là lần thứ 4 Việt Nam có ca nhiễm Covid ngoài cộng đồng nhưng ai cũng rõ đây là lần đầu tiên chúng ta phải đối diện với việc đại dịch lan rộng đến vậy. Đương nhiên tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng là điều không phải bàn cãi. Nếu nhìn xung quanh các nước Đông Nam Á nói chung, hiện tại nền kinh tế và thị trường chứng khoán cũng đang chật vật do ảnh hưởng với Covid. Do đó nếu chưa có sự cải thiện đáng kể nào về mặt vĩ mô, đà tăng chưa thể quay trở lại bền vững được.
Xét trên yếu tố phân tích kỹ thuật, thị trường đã vượt MA20 nhưng chừng đó chưa thể khẳng định xu hướng tăng đã quay trở lại. Như đã nói ở trên, thị trường đang hồi khoảng 2/3 hay Fibonacci 61,8% đợt giảm, điều này cũng được cho là bình thường về mặt kỹ thuật. Sau cú hồi, thông thường nếu muốn tăng bền vững phải cần có vùng tích lũy, sau đó dựa trên những kỳ vọng mới để xác định xu hướng mới. Nếu không có sự đi kèm cải thiện đáng kể nào về các yếu tố cơ bản hoặc các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ mới để hỗ trợ nền kinh tế, thị trường khó bước vào giai đoạn tăng bền vững mới được.
Thanh khoản cũng là yếu tố được cân nhắc. Thanh khoản hiện tại đã hồi phục về mức quanh 20 ngàn tỷ/phiên trên HOSE, tuy nhiên so với mức đỉnh điểm hơn 30 ngàn tỷ thì vẫn thấp hơn rất nhiều. Thanh khoản đi trước giá, và không thể đưa một thị trường vượt đỉnh với thanh khoản yếu đi như vậy.
Margin chưa quá nóng
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam
Những nhà đầu tư mở mới trong thời gian qua có thể họ đã tạm rút ra khi thị trường điều chỉnh mạnh. Nhất là hai cú giảm liên tiếp, sau đó hồi lên nhẹ, rồi giảm thêm lần nữa. Những nhà đầu tư mới chắc chắn có sự hoang mang, hoảng loạn nên chọn phương án rút ra. Khi thị trường hồi phục nhà đầu tư bình tâm trở lại và giải ngân từ từ.
Thanh khoản tăng lên hiện nay kết hợp giữa hai nhóm nhà đầu tư, một là nhà đầu tư mở mới đã chọn phương án chưa giải ngân hoặc bán rút tiền ra; hai là nhà đầu tư kỳ cựu lâu năm đã bán lúc trước và quay trở lại, tăng sức mua từ giao dịch ký quỹ.
Thanh khoản không ảnh hưởng bởi yếu tố nhà đầu tư F0 mở mới sụt giảm. Bởi quan sát cho thấy, những nhà đầu tư mở mới trong thị trường bùng nổ thời gian qua, không phải ai mở tài khoản là cũng đổ tiền vào luôn mà họ cũng thận trọng, nghe ngóng. Đôi khi họ mở tài khoản rồi thời gian sau mới bắt đầu giao dịch, hoặc sức của họ một tỷ đồng nhưng khi mở mới chỉ bỏ một vài trăm triệu giao dịch dè chừng. Nên yếu tố tài khoản F0 sụt giảm không ảnh hưởng nhiều đến thanh khoản thị trường.
Sắp tới nếu thị trường điều chỉnh ở vùng giá hợp lý rồi tăng tiếp, bên cạnh đó có những thông tin tích cực hỗ trợ sẽ chứng kiến thanh khoản tăng hơn nữa, hướng về mức 23.000-25.000 nghìn tỷ đồng như trước.
Liệu margin có tăng nóng? Theo số liệu tôi đang có thì hầu như các công ty chứng khoán đang còn dư nguồn margin, tức lượng tiền cho vay margin chưa đụng kịch trần. Hầu hết đang cho vay tầm 70-80% trên số tiền đang có, nguồn margin còn rộng cho thời gian tới. Lượng tiền tham gia vào thị trường từ nghiệp vụ này chưa quá nóng và chưa trở nên lo lắng.
Về thị trường trong thời gian tới, xác suất thị trường điều chỉnh là cao, có thể bắt đầu từ đầu tuần. Nhưng còn chờ xem thông tin từ dịch bệnh, nếu TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… có số ca mắc mới giảm, tỷ lệ tử vong giảm bớt thì thị trường có thể theo kịch bản điều chỉnh ngắn trong một vài phiên và tăng tiếp. Nếu thị trường xấu thì thị trường có những phiên điều chỉnh mạnh hơn, dài hơn.
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy hoặc không bắt đúng đáy nhưng đã tham gia ở những nhịp bồi khiến họ tiếp tục chốt lời trong thời gian tới. Thị trường sẽ có những phiên điều chỉnh trong tuần tới, những sẽ giảm không quá sâu, không cần phải quá căng thẳng. Thị trường cần được củng cố, tích lũy trước khi bước vào nhịp tăng mới trong thời gian tới.
Lượng tiền mặt ở thị trường vẫn còn lớn
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta
Tôi cho rằng thị trường đã chính thức xác lập đáy ngắn hạn và xu hướng ngắn hạn đã quay trở lại mức tăng. Đồng thời, thanh khoản cũng đang dần cải thiện hơn cho thấy dòng tiền ngắn hạn cũng đã quay trở lại, đặc biệt dòng tiền có khuynh hướng tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Dòng tiền gia tăng trở lại không phải hoàn toàn do margin, lượng margin chưa quay trở lại mức đỉnh cũ trong trong tháng đầu tháng 6/2021. Đồng thời, dư địa margin sẽ tiếp tục gia tăng trong giai đoạn tới do nhiều công ty thực hiện tăng vốn điều lệ bằng phát hành thêm và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, lượng tiền mặt ở thị trường vẫn còn lớn khi số lượng nhà đầu tư mới sẽ tiếp tục gia tăng vào thị trường do môi trường lãi suất thấp.
Thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng trong tuần tới, nhưng không tránh khỏi xuất hiện các phiên điều chỉnh do ảnh hưởng từ áp lực chốt lời của nhà đầu tư. Nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã có mức sinh lời trong hai tuần qua cho nên áp lực chốt lời có thể gia tăng lên hai nhóm cổ phiếu này.
Tôi kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm kiểm định lại ngưỡng 1.390 và ngưỡng 1.420 điểm trong ngắn hạn.
Khối ngoại sẽ duy trì mua ròng trong tháng 8/2021 nhờ vào mức định giá thấp hiện nay của thị trường. Đồng thời, tỷ lệ tiền mặt ở các quỹ đang có xu hướng gia tăng cho nên áp lực giải ngân trong giai đoạn tới là khá cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận