24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Chín
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tâm điểm chứng khoán: Giải mã hiện tượng phiên 2 tỷ USD và lời khuyên cho nhà đầu tư

Theo các chuyên gia, thanh khoản bùng nổ cuối tuần qua đến từ áp lực chốt lời, từ dòng tiền nhàn rỗi sẵn sàng đổ vào thị trường...

Thị trường chứng khoán tuần qua, nhà đầu tư dồn sự chú ý vào phiên giao dịch cuối tuần với việc điều chỉnh giảm mạnh của chỉ số (-3,3%) cùng với tổng thanh khoản 3 sàn gần chạm mốc 50.000 tỷ đồng.

Điều gì đã khiến thị trường có diễn biến đột biến như trên? Đâu là kịch bản cho thị trường trong tuần này? Thanh khoản liệu có duy trì con số tỷ đô? Và quan trọng, nhà đầu tư nên làm gì trong bối cảnh hiện nay?....


BizLIVE ghi nhận ý kiến các chuyên gia chứng khoán xoay quanh chủ đề trên.

Tránh việc bán tháo bằng mọi giá

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh TP.HCM, CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Phiên giao dịch ngày 20/8 là phiên hội tụ nhiều yếu tố khiến thanh khoản bùng nổ. Thứ nhất là trạng thái tâm lý của bên bán bị tác động tiêu cực ngay từ đầu phiên với các tin đồn được lan truyền về việc TP.HCM sắp ban bố tình trạng khẩn cấp và chuẩn bị phong tỏa toàn thành phố, Hà Nội thì sẽ cấm đi lại trong 7 ngày... Thời gian gần đây tình hình dịch tại các tỉnh phía Nam vẫn diễn biến phức tạp nên khi xuất hiện những thông tin như trên sẽ tạo tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư rất nhiều và trong phiên 20/8 bên bán có nhiều thời điểm là bán tháo trong hoảng loạn (giống với các đợt bán tháo vì tin xấu dịch bệnh trước đây).

Thứ hai là ở phía bên mua, lực cầu mua cũng rất sẵn sàng mua vào khi mặt bằng giá cổ phiếu giảm về mức thấp, đặc biệt là ở thời điểm cuối phiên, khi nhiều cổ phiếu giảm về gần mức giá sàn thì sức mua tốt đã giúp nhiều cổ phiếu hồi phục mạnh trở lại so với mức thấp trong phiên. Về chỉ số chung VN-Index cũng đóng cửa chỉ còn giảm 45 điểm so với mức giảm sâu nhất là hơn 57 điểm trong phiên.

Thứ ba, là yếu tố từ hệ thống công nghệ của HOSE đã thông suốt và giúp cho các giao dịch mua bán không bị hạn chế về số lượng lệnh như trước đây, cung cầu đều được thỏa mãn nên đã đưa thanh khoản chung lên mức kỷ lục.

Rõ ràng, với một phiên giảm mạnh về điểm số và tăng cao về thanh khoản cho thấy một trạng thái kỹ thuật là xấu nếu như trong điều kiện thị trường bình thường. Tuy nhiên đây là phiên mà tâm lý người bán có phần hoảng loạn bởi “fake news” và điểm nhấn của phiên giao dịch này là lực cầu mạnh cuối phiên giúp cho thị trường không xảy ra hiện tượng giá cổ phiếu sàn hàng loạt (trắng bên mua) như những lần nhà đầu tư hoảng loạn vì tin dịch trước đây, có thể nhìn đây là điểm tích cực trong một phiên giao dịch siêu thanh khoản, điều này trực tiếp cho thấy TTCK Việt Nam đang thu hút được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư so với các kênh đầu tư khác đang chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, một lượng tiền lớn đang vận động trong thị trường.

Với những gì đang diễn ra, cùng với tình hình dịch bệnh đang phức tạp ảnh hưởng chung tới nền kinh tế và doanh nghiệp, nhiều khả năng trong tuần này thị trường sẽ có diễn biến giằng co với tâm lý chung của nhà đầu tư là thận trọng.

Một điểm đáng lưu ý là những thông tin chính thống liên quan đến các biện pháp tăng cường chống dịch tại TP.HCM cũng đã rõ ràng với hàng loạt giải pháp được đưa ra hợp lý. Trong đó quân đội sẽ trực tiếp tham gia điều phối và cùng nhiều lực lượng phòng chống COVID-19 tại địa phương để hỗ trợ vận chuyển lương thực và hỗ trợ y tế cho TP.HCM trong thời gian tới để đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16 (áp dụng tới 6/9/2021).

Tôi cho rằng đây là các biện pháp sẽ giúp TP.HCM có thể đạt được mục tiêu kiểm soát dịch tới ngày 15/9, với nhà đầu tư chứng khoản thì việc Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Nam nói riêng sớm kiểm soát được dịch bệnh sẽ là một thông tin tích cực trong những tuần đầu tháng 9.

Trong điều kiện thị trường nhiễu loạn vì thông tin dịch bệnh như hiện nay có mấy vấn đề nhà đầu tư cần tuân thủ để bảo vệ chính mình.

Không sử dụng margin khi thị trường diễn biến khó lường và hạn chế các hoạt động trading ngắn hạn mà không chú trọng đến việc lựa chọn doanh nghiệp tốt về cơ bản.

Với nhà đầu tư đang có vị thế tiền mặt thì có thể coi những đợt sụt giảm này là cơ hội, ưu tiên cho phương pháp đầu tư trung và dài hạn, lựa chọn cổ phiếu cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng cao và có thể chọn các nhịp thị trường giảm mạnh để có thể mua được ở mức giá thấp.

Với các nhà đầu tư vẫn còn nắm giữ cổ phiếu, việc quản trị rủi ro danh mục là quan trọng, đưa margin về mức thấp và cơ cấu danh mục theo hướng ưu tiên các cổ phiếu cơ bản tốt để chờ thị trường ổn định hồi phục trở lại. Tránh việc bán tháo bằng mọi giá trước những thông tin tiêu cực không có căn cứ.

Hầu hết những thông tin hay tác động tiêu cực nhất của đợt dịch này sẽ thể hiện trong quý 3 và một phần đã phản ánh vào TTCK thời gian gần đây.Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh TP.HCM, CTCK Kiến Thiết Việt Nam

Từ năm 2020 cho tới nay, hầu hết sau các đợt bán tháo vì thông tin dịch bệnh COVID-19 thị trường sẽ sớm cân bằng và hồi phục trở lại khi những tín hiệu tích cực từ việc kiểm soát dịch bệnh được thể hiện, khi đó các cổ phiếu có cơ bản tốt, tăng trưởng doanh thu lợi nhuận cao đều hồi phục mạnh với sự trở lại của dòng tiền.

Đương nhiên trong thực tế những doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh khiến doanh thu, lợi nhuận sụt giảm sẽ có khoảng thời gian phải chấp nhận thực tế là dòng tiền sẽ chưa trở lại trong ngắn hạn, khi đó sự hồi phục của các doanh nghiệp này như thế nào trong tương lai sẽ có thể thu hút dòng tiền của nhà đầu tư. Hầu hết những thông tin hay tác động tiêu cực nhất của đợt dịch này sẽ thể hiện trong quý 3 và một phần đã phản ánh vào TTCK thời gian gần đây.

VN-Index điều chỉnh về 1.200 điểm thì TTCK sẽ là cơ hội hấp dẫn

Ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng Phân tích Doanh nghiệp, CTCK Dầu khí (PSI)

Thị trường chứng khoán Việt Nam có sự điều chỉnh mạnh với thanh khoản lập kỷ lục trong ngày 20/8 có thể do một số yếu tố ảnh hưởng.

Thứ nhất, ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 lần 4 tới nền kinh tế Việt Nam. Đợt dịch lần 4 này kéo dài hơn, số ca lây nhiễm tăng nhanh làm ảnh hưởng sâu rộng không chỉ lĩnh vực thương mại – dịch vụ như trong các đợt trước mà còn gây đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất tại các khu vực kinh tế trọng điểm. Chỉ số PMI trong 2 tháng 6,7 vừa qua đều dưới 50 khi những trung tâm sản xuất công nghiệp, trung tâm kinh tế như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, …bị gián đoạn sản xuất ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu.

Thứ hai, ảnh hưởng của dòng vốn ngoại đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Mới đây trong biên bản họp vừa được công bố ngày 18/8 cho thấy những tín hiệu đầu tiên về việc FED đang rút dần các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc giảm dần quy mô mua trái phiếu hàng tháng và dự kiến tăng lãi suất trở lại trong năm sau. Thông thường khi FED bắt đầu thắt chặt chính sách sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền khối ngoại tại các thị trường mới nổi và cận biên. Ngay trong tuần vừa qua, khối ngoại đã bán ròng mạnh và có yếu tố không nhỏ từ xu hướng rút vốn khỏi các quỹ ETF như Fubon FTSE Vietnam ETF; DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF với tổng quy mô rút gần 1.300 tỷ đồng.

Thứ ba, áp lực chốt lời của nhà đầu tư tăng mạnh khi thị trường hồi phục nhanh trong thời gian ngắn và tiếp cận vùng đỉnh cũ. Sau khi xác lập đáy mới vào ngày 19/7/2021 với điểm số 1.243 điểm, chỉ sau 1 tháng giao dịch VN-Index đã tăng được 132 điểm lên 1.375 điểm vào phiên 19/8/2021, tương ứng mức tăng hơn 10% trong một tháng.

Thanh khoản tăng đột biến nhiều khả năng đến từ nguồn tiền nhàn rỗi sẵn sàng đổ vào thị trường của nhà đầu tư cá nhân. Thị trường chứng khoán được liệt vào dịch vụ thiết yếu và được vận hành liên tục trong khi kênh tiết kiệm kém hấp dẫn và bất động sản khó hoạt động khi tình hình dịch bệnh phức tạp.

Thêm nữa, trong bối cảnh hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị gián đoạn bởi dịch bệnh, chủ doanh nghiệp cũng có thể dùng tiền nhàn rỗi tạm thời tìm kiếm cơ hội đầu tư trên TTCK với kỳ vọng bù đắp các chi phí hoạt động khi không có doanh thu. Ngay trên sàn chứng khoán cũng có nhiều doanh nghiệp tranh thủ cầm tiền đầu tư trong thời gian qua có thể kể đến như NDN, VHC...

Trong trường hợp VN-Index điều chỉnh về 1.200 điểm thì thị trường chứng khoán sẽ là cơ hội hấp dẫn với các nhà đầu tư khi P/E của VN-Index sẽ chỉ còn 14,46.Ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng Phân tích Doanh nghiệp, CTCK Dầu khí (PSI)

Nhiều khả năng thanh khoản trên thị trường vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới khi trong giai đoạn này chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với những loại hình khác như gửi tiết kiệm, vàng, bất động sản.

Đối với kênh gửi tiết kiệm ngân hàng, mặc dù là kênh an toàn nhưng mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế theo chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cũng khiến dòng tiền dịch chuyển vào những kênh khác mang lại khả năng sinh lời cao hơn.

Đối với kênh đầu tư bất động sản, hiện các thị trường bất động sản lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương…, đều đang chịu ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội nên tình hình giao dịch bị ảnh hưởng.

Trong khi đó kênh đầu tư chứng lại có ưu điểm rào cản gia nhập thị trường thấp, dễ dàng định giá, thanh khoản tốt, khả năng gia tăng giá trị nhanh nên sẽ được người dân ưu tiên lựa chọn trong giai đoạn sắp tới.

Về thị trường thời gian tới, quá trình điều chỉnh diễn ra sẽ phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh cũng như triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp từ giờ đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, trong trường hợp VN-Index điều chỉnh về 1.200 điểm thì thị trường chứng khoán sẽ là cơ hội hấp dẫn với các nhà đầu tư khi P/E của VN-Index sẽ chỉ còn 14,46, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang là kênh thu hút dòng tiền với nhà đầu tư trong giai đoạn này.

Dòng tiền đầu cơ đang mạnh hơn bao giờ hết

Ông Bùi Văn Huy, Chuyên gia chứng khoán

Diễn biến 2 phiên cuối tuần nếu nhìn nhận một cách tỉnh táo thì không có gì quá bất ngờ. Những biến động trong phiên đáo hạn phái sinh là một điều rất bình thường. Không có bằng chứng xác thực về việc có hay không việc lũng đoạn thị trường vào ngày đáo hạn, nhưng những biến động lớn, bất ngờ trong hầu hết các lần đáo hạn nhà đầu tư có quyền nghi ngờ. Thực chất thị trường đã yếu từ giữa tuần và có thể xem phiên thứ Năm (ngày đáo hạn) là một phiên rướn.

Còn phiên giảm mạnh vào thứ Sáu, thực sự thông tin “áp dụng biện pháp mạnh hơn trong chống dịch” chỉ là cái cớ kích hoạt như thời điểm ở đỉnh 1.420 điểm, bởi lẽ về lý thị trường hội đủ đầy đủ các yếu tố để có thể điều chỉnh. Có thể thấy trong sóng hồi vừa qua, không có yếu tố vĩ mô nào được cải thiện. Dòng tiền khỏe và thực sự lướt trên nền móng u ám của các yếu tố nền tảng. Đến khi dòng tiền đầu cơ đạt ngưỡng và quá nhiều tin xấu đến điểm kích hoạt, điều chỉnh là điều đương nhiên.

Dòng tiền đầu cơ trong sóng hồi luôn là như vậy, phớt lờ yếu tố cơ bản. Chỉ khi mọi thứ đi tới hạn, cả về dòng tiền, tin tức thì tâm lý “làm ván mới” sẽ xảy ra, yếu tố đầu cơ thường quyết liệt và dứt khoát, điều đó tạo nên phiên giảm có lúc > 4% trong phiên.

Có thêm một điểm nhấn nữa trong phiên cuối tuần là thanh khoản đạt kỷ lục, gần 40.000 tỷ trên HOSE và gần 50.000 tỷ 3 sàn. Điều này tất nhiên chứng tỏ tiền quá nhiều, nhưng một phiên thanh khoản cao như vậy cũng rất đáng lo ngại. Chưa thể kết luận ngay là phiên thứ Sáu có phải là phiên phân phối của sóng hồi, tuy nhiên nhiều bằng chứng cho thấy điều đó rất rõ. Cả về giá, thanh khoản và bối cảnh đều cho thấy cần sự cảnh giác. Để ngay trong tuần sau, thị trường hấp thụ hết lượng thanh khoản này là tương đối khó.

Hiện tại kháng cự thị trường ở quanh 1.350 điểm. Hỗ trợ gần nhất ở quanh 1.300 điểm và hỗ trợ xa hơn ở quanh 1.250 điểm. Về cấu trúc sóng, nếu xem 1.420 điểm là đỉnh dài hạn, hoàn toàn có thể còn sóng C, lý thuyết thì có thể test lại đáy đợt giảm tháng 7, thậm chí sâu hơn. Vĩ mô và các yếu tố cơ bản ủng hộ cho sóng C. Tuy nhiên dòng tiền đầu cơ khỏe hiện tại, các kịch bản thị trường là khó đoán.

Dòng tiền mạnh thì chứng khoán tăng, nhưng những lập luận mới về thị trường Việt Nam rẻ là khó chấp nhận. Việc so sánh P/E Việt Nam với các nước Đông Nam Á là vô lý vì hiện tại P/E các thị trường này đang trong trạng thái “không bình thường” do gánh chịu COVID-19 suốt từ đầu năm 2021.Ông Bùi Văn Huy, Chuyên gia chứng khoán

Để nói về chiến lược đầu tư nào là hợp lý thì câu trả lời hợp lý nhất theo tôi vẫn là tùy vào vị thế của mỗi thành phần tham gia đầu tư. Trong một quy trình tư vấn đầu tư chuẩn mực, bước xác định “Profile” là bước đầu tiên để có thể chọn một chiến lược đầu tư phù hợp. Ví dụ như nhà đầu tư cá nhân không thể áp dụng chiến lược rập khuôn như các quỹ đầu tư, bởi lẽ quy mô vốn, tiềm lực và thời gian nắm giữ không thể kéo dài như vậy. Điều quan trọng là áp dụng đúng cách và hiểu việc mình đang làm.

Về đầu tư dài hạn, luôn là chiến lược tốt, tuy nhiên để áp dụng ở thời điểm hiện tại, cũng cần phải suy nghĩ nhiều. Bối cảnh vĩ mô đương nhiên là xấu do COVID-19, do đó triển vọng dài hạn có thể bị ảnh hưởng.

Định giá thị trường hiện tại với mức P/E 17 lần không thể nói là rẻ. Nếu so sánh, mức P/E forward của nhiều thị trường lớn như Trung Quốc (13 lần), Hàn Quốc (hơn 11 lần), Anh (hơn 12 lần), các thị trường Mới nổi (gần 13 lần)… mới thấy không thể nói là rẻ. Dòng tiền mạnh thì chứng khoán tăng, nhưng những lập luận mới về thị trường Việt Nam rẻ là khó chấp nhận. Việc so sánh P/E Việt Nam với các nước Đông Nam Á là vô lý vì hiện tại P/E các thị trường này đang trong trạng thái “không bình thường” do gánh chịu COVID-19 suốt từ đầu năm 2021.

Các ngành có triển vọng và dòng tiền đang chảy vào mạnh như chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, cảng biển, hóa chất, dầu khí … và cả cổ phiếu penny, đương nhiên giá tăng nhiều và không rẻ.

Thông thường trong đầu tư dài hạn, phải có “biên an toàn”, nghĩa là an toàn thì giá cổ phiếu phải rẻ hơn 20-25% định giá. Để chọn đủ tiêu chí ngành có triển vọng, doanh nghiệp có cơ bản tốt và có “biên an toàn”, là người làm tư vấn hàng ngày, tôi cảm thấy danh sách đó ngày càng co hẹp.

Tóm lại, triển vọng vĩ mô không sáng, định giá không rẻ, ngành có triển vọng cuối năm thì đang đắt… do đó đối với nhà đầu tư dài hạn, vùng an toàn phải là vùng giá thấp hơn, do đó thị trường điều chỉnh sâu hơn mới có thể áp dụng. Vùng 1.200-1.250 điểm có nhiều cơ hội xuất hiện.

Về lướt sóng ngắn hạn, đương nhiên với dòng tiền khỏe như vậy cơ hội đầu cơ luôn hiện hữu. Tuy nhiên ở đây cần phải phân biệt rất rõ chúng ta đang đầu tư hay đầu cơ, như vậy mới có thể có quyết định phù hợp. Đầu cơ thì đơn giản, còn xu hướng, còn tiền thì tham gia và cần biết cắt lỗ đúng thời điểm.

Nhận định thị trường sắp tới như thế nào thực sự quá khó đoán vì dòng tiền đầu cơ đang mạnh hơn bao giờ hết. Với những diễn biến phiên cuối tuần vừa rồi, có lẽ cũng thể hiện cho bản chất cuộc chơi đầu cơ. Cơ hội nhiều, rủi ro nhiều và khó đoán.

Đương nhiên tham gia hay không là lựa chọn của mỗi người nhưng ai cũng hiểu hiện tại chúng ta đang đầu cơ trên nền tảng rất xấu đã liệt kê ở phần trên. Dòng tiền đến nhanh và có thể rút đi nhanh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,228.10 -0.23 (-0.02%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả