Tâm điểm chứng khoán: Dò sóng năng lượng ra sao?
Các chuyên gia đưa ra nhận định tích cực về nhóm cổ phiếu năng lượng và lưu ý rủi ro với cổ phiếu tài chính ngân hàng. Đồng thời cho rằng hiện nay nhà đầu tư cần cân nhắc cơ cấu danh mục đầu tư, hạn chế dùng đòn bẩy.
Sau khi tăng mạnh ngay phiên đầu tuần trước, VN-Index gần như chỉ đi ngang quanh vùng gần 1.390 - 1.400 điểm. Vì sao VN-Index chưa thể công phá mốc 1.400 điểm? Mốc 1.400 điểm có phải ngưỡng kháng cự mạnh với thị trường khi VN-Index đã có các phiên thất bại trước ngưỡng này tuần qua? Nhóm cổ phiếu nào được nhận định tích cực hiện nay?
BizLIVE ghi nhận ý kiến một số chuyên gia xoay quanh các chủ đề trên:
Nhà đầu tư không nên mua đuổi
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng Việt Nam
Tôi cho rằng thị trường tuần này sẽ tích lũy đi ngang, có thể đi lên nhẹ không có nhiều biến động xấu vì hiện đã vượt ngưỡng kháng cự quan trọng là 1.380, ngưỡng kháng cự hiện tại là 1.420 điểm. Điểm số sẽ đi từ từ chứ không tăng vọt được. Bởi vì dòng tiền trên thị trường hiện rất yếu, chỉ còn nhà đầu tư cá nhân, trong đó có F0 mua ròng, còn lại các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) và tổ chức trong nước đều bán ròng, tự doanh có mua nhưng số lượng quá nhỏ. Chỉ có nhà đầu tư cá nhân, F0 là chủ đạo trên thị trường lúc này. Nếu như vậy, giá ngày càng lên cao, dòng tiền phập phù thì việc đẩy lên mạnh là khó.
Có thể nhìn thấy sự phân hóa thị trường rõ, thị trường đi lên nhưng nhiều nhà đầu tư than phiền danh mục giảm đi, không biết khi nào đi “về bờ”. Nên chỉ nhìn vào chỉ số để đánh giá danh mục đầu tư của các nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay là không đủ, độ chính xác kém vì sự phân hóa thị trường mạnh, trong bối cảnh dòng tiền chỉ tập trung vào nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng.
Nếu như trước, chỉ có NĐTNN bán ròng suốt 2 năm qua nhưng nhà đầu tư tổ chức trong nước vẫn mua, nhưng hiện tổ chức trong nước cũng bán. Các quỹ ETF mua ròng suốt 2 năm qua, trong 1-2 tháng gần đây cũng bán ròng.
Bối cảnh thị trường hiện nay, các nhà đầu tư nên hạn chế việc sử dụng margin trong giao dịch của mình. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng không nên mua đuổi. Năm ngoái có nhiều mã tăng mạnh, nhà đầu tư mua đuổi lời chút đỉnh nhưng năm nay mua đuổi rất dễ bị rủi ro.
Ngoài hạn chế dùng đòn bẩy, nhà đầu tư nên cơ cấu danh mục đầu tư, tập trung vào một số nhóm ngành chứ không nên dàn trải. Nhiều nhà đầu tư có danh mục đầu tư tới 30- 40 mã, thậm chí 60-70 mã. Đây là lỗi chung của nhiều nhà đầu tư mới, và một phần nhà đầu tư cũ. Họ bị tâm lý tham, không mua sợ cổ phiếu tăng hoài, sợ mất sóng nên gom nhiều.
Với cổ phiếu ngân hàng, tôi thấy hầu hết đã đạt đỉnh của năm nay, một số ít mã ngân hàng đang loanh quanh trên đỉnh. Nhà đầu tư cần lưu ý, không chỉ đỉnh năm nay, nhiều cổ phiếu ngành này đã 3 năm liên tục phá đỉnh, mới điều chỉnh 2-3 tháng nay. Các nhà đầu tư dồn vào thì khả năng kiếm lời là thấp. Ngay trong trường hợp không xuống, nếu lên thì tỷ lệ so với nhóm khác cũng không bằng.
Ngoài hạn chế dùng đòn bẩy, nhà đầu tư nên cơ cấu danh mục đầu tư, tập trung vào một số nhóm ngành chứ không nên dàn trải. Nhiều nhà đầu tư có danh mục đầu tư tới 30- 40 mã, thậm chí 60-70 mã.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng Việt Nam
Ngay cả nhóm chứng khoán lên sau nhóm ngân hàng, một số mã đã chững lại, nhưng vẫn có những mã tốt hơn ngân hàng vì sóng chứng khoán chạy sau. Nói tóm lại tài chính ngân hàng có xu hướng yếu hơn. Với cổ phiếu bất động sản khá hơn 2 ngành kia tuy nhiên có sự phân hoá.
Triển vọng nằm ở ngành năng lượng, trong đó dầu khí là nhiều vì giá dầu ở mức cao nên hỗ trợ nhiều. Kinh tế mở của trở lại dù có thể chậm nhưng dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng gia tăng nhiều hơn nên sẽ hỗ trợ nhóm ngành năng lượng nhiều hơn so với nhóm đã tăng quá nhiều, kể cả trong dịch vẫn tăng mạnh.
Sóng dầu khí sẽ vẫn có khả năng kéo dài
Ông Bùi Văn Huy, chuyên gia chứng khoán
Thị trường đã diễn biến tích cực với thông tin GDP quý 3 và thông tin TP.HCM nới lỏng giãn cách. Thị trường Việt Nam có những diễn biến cùng nhịp với diễn biến các thị trường trong khu vực Đông Nam Á khi đã tăng rất tốt trước kỳ vọng “bình thường mới”.
Theo các ngưỡng trên đồ thị, hiện tại ngưỡng kháng cự quan trọng hơn ở quanh vùng đỉnh cũ 1.420-1.430.
Ông Bùi Văn Huy, chuyên gia chứng khoán
Cùng với sự kỳ vọng tái mở cửa nền kinh tế, các thị trường châu Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đều đồng loạt có những diễn biến tích cực trước thềm diễn biến mở cửa. Do đó khi dữ diệu GDP quý 3 cũng như khi nhiều thông tin xấu đã được công bố, kèm với việc TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách khiến thị trường có diễn biến tích cực không gây bất ngờ.
Mức 1.400 theo phân tích kỹ thuật là ngưỡng giá chẵn thông thường là ngưỡng được nhiều người chú ý, nên những phản ứng với ngưỡng 1.400 là điều đương nhiên. Nhưng theo các ngưỡng trên đồ thị, hiện tại ngưỡng kháng cự quan trọng hơn ở quanh vùng đỉnh cũ 1.420-1.430.
Đà tăng hiện tại mang đặc tính của sóng tăng, phản ứng với thông tin tích cực về dịch bệnh và nới lỏng giãn cách. Như đã đề cập, các thị trường Đông Nam Á đều có diễn biến tương tự. Các thị trường đều tăng mạnh 2-3 tuần thời điểm hậu nới lỏng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Ở đây các ngưỡng kỹ thuật trở nên tương đối, quan trọng hơn là sau 2-3 tuần hậu giãn cách, có động lực nào mới để thị trường tăng giá hay không, hay cũng như đơn thuần là đợt tăng “mọi thứ xấu nhất đã qua”.
Về dài hạn, dự báo giá dầu là rất khó nhưng quan điểm của tôi là giá dầu không neo cao. Nhưng trong ngắn hạn, khi nguồn cung bị gián đoạn và mùa đông sắp cận kề, kỳ vọng giá dầu neo cao là hoàn toàn khả thi.
Thông thường sóng dầu khí nếu có ở thị trường Việt Nam, chưa bàn xấu tốt với vĩ mô hay thị trường như thế nào, thường cũng như giá dầu, sẽ kéo dài đến thềm năm mới, nên sóng dầu khí sẽ vẫn có khả năng kéo dài trong thời gian tới. Ở đây cần nhấn mạnh sóng dầu khí và kết quả kinh doanh thực sự của các doanh nghiệp. Vì mỗi công ty trong ngành ở những khâu khác nhau thượng nguồn/trung nguồn/hạ nguồn… nên mức độ tác động của giá dầu đến kết quả kinh doanh có độ trễ khác nhau nên dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp chưa có cải thiện đáng kể trong kết quả kinh doanh.
Về nhóm cổ phiếu chứng khoán, tôi vẫn luôn khẳng định quan điểm nhóm cổ phiếu chứng khoán hiện tại đắt. Ngành chứng khoán đang có triển vọng tốt, nhưng với ý kiến của tôi, duy trì ROE ngành chứng khoán quanh 20% trong dài dạn là rất khó, do đó P/B 3-4 lần của nhiều công ty chứng khoán hiện tại là quá đắt.
Về nhóm cổ phiếu chứng khoán, tôi vẫn luôn khẳng định quan điểm nhóm cổ phiếu chứng khoán hiện tại đắt.
Ông Bùi Văn Huy, chuyên gia chứng khoán
Cá nhân tôi khảo sát thấy các CTCK trong khu vực P/B tầm 2 lần. Tóm lại ngành chứng khoán tích cực trong ngắn hạn và giá có thể tăng/giảm theo thị trường nhưng với tôi luôn quá đắt.
Không phải là thời điểm nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 CTCK Yuanta CN Hà Nội
Sau nhịp tăng mạnh ở phiên đầu tuần trước VN-Index đã vượt được kháng cự 1.380 điểm bởi sự dẫn dắt của nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn như cổ phiếu ngân hàng, tài chính và một số mã lớn như HPG, VHM, VIC, VRE.
Tuy nhiên đứng trước mốc tâm lý 1.400 điểm, cộng với tính chất của thị trường ở thời điểm hiện tại dòng tiền có xu hướng luân chuyển liên tục qua các dòng cổ phiếu dẫn đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bị áp lực chốt lời ngắn hạn khá mạnh khiến cho VN-Index dao động "dai dẳng" quanh ngưỡng 1.380 - 1.400 điểm.
Ngoài ra việc báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 được dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh dẫn đến thị trường thiếu đi sự đồng thuận để vượt được mốc 1.400 điểm.
Tôi cho rằng thông tin kết quả kinh doanh quý 3/2021 đang dần lộ diện nhiều hơn sẽ khiến cho áp lực chốt lời ngắn hạn khá mạnh và "dai dẳng" quanh ngưỡng 1.400 điểm. Dòng tiền sẽ tìm đến những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý 3 tăng trưởng tích cực và các doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt trong quý 4.
Ngoài ra các doanh nghiệp được hưởng lời từ lộ trình nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc. Có thể kể đến như nhóm bán lẻ, phân bón, hóa chất, điện, dầu khí... và theo đó mở ra cơ hội để thị trường có thể vượt qua ngưỡng 1.400 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ sẽ là nhưng nhóm kém khả quan nhất khi chịu tác động trực tiếp bởi lệnh giãn cách xã hội và dịch bệnh.Ông Nguyễn Việt Quang, GĐ Trung tâm kinh doanh 3 CTCK Yuanta CN Hà Nội
Nhóm cổ phiếu sản xuất nguyên vật liệu như dầu khí, than, phân bón, điện, xi măng vẫn sẽ duy trì được kết quả kinh doanh tích cực khi mà giá nguyên vật liệu đang được duy trì ở mức cao. Ngoài ra nhóm cổ phiếu logistics, nông nghiệp vẫn sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tốt vì ít chịu tác động của dịch bệnh.
Về những nhóm ngành kém khả quan tôi cho rằng nhóm ngân hàng, bán lẻ sẽ là nhưng nhóm kém khả quan nhất khi chịu tác động trực tiếp bởi lệnh giãn cách xã hội và dịch bệnh.
Nhà đầu tư nên hết sức cẩn trọng trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh khi giá cổ phiếu giai đoạn này đã phản ánh phần lớn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy đây không phải là thời điểm nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng hoặc giải ngân mới. Nhà đầu tư nên xem xét đây là thời điểm ra quyết định tiếp tục nắm giữ cổ phiếu hay bán ra thay vì mua mới.
Việc giá dầu tiếp tục được giữ ở mức cao sẽ giúp xác doanh nghiệp họ dầu khí được hưởng lợi lớn nhất như PLX, GAS, PVD, PVS…. Tuy nhiên việc giá nguyên liệu đầu vào cơ bản này tăng cao sẽ dẫn đến về lâu dài chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất như phân bón, điện khí, nhựa sẽ tăng lên mạnh dẫn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp này chịu tác động lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận