24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Anh Tuấn Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tại sao tổng thống Joe Biden từ bỏ không tranh cử tổng thống vào đúng lúc này?

Tự hào là người duy nhất, bằng một tiểu luận gồm 2450 từ, đã phân tích và lập luận logic của riêng mình. Chỉ ra từ hôm 29.6, sau chỉ vài giờ cuộc tranh luận tổng thống, rằng: Tổng thống Joseph Robinette Biden Jr. sẽ tuyên bố sẽ từ bỏ không tranh cử tổng thống sau đúng 3 tuần nữa - Đó chính xác là ngày hôm nay: 21.7.2024.

Và đúng vậy - văn phòng Nhà Trắng đã công bố bức thư lúc 1h sáng (giờ Việt Nam) là tổng thống Biden quyết định không tranh cử.

Bằng phương pháp của riêng mình, trước bất kỳ một nhà bình luận chính trị trên thế giới nào từ Fox News, CNN, Washington Post hay The New York Times, tôi duy nhất phân tích và nhận định như vậy.

Tại sao tổng thống Joe Biden từ bỏ không tranh cử tổng thống vào đúng lúc này?

Note. Nguyên văn bài viết ban đầu là khẳng định 100%, sau để cho phù hợp tôi chuyển thành cụm từ "xác suất gần 100%".

Sau đây là nguyên văn bài viết này (hôm 29.6.2024)

_________

▮Trong vòng 3 tuần, xác suất 99% là ứng viên Joe Bident sẽ tuyên bố sẽ từ bỏ không tranh cử tổng thống, mở đường cho Đảng Dân chủ lựa chọn ứng viên khác tranh cử với ứng viên Cộng Hòa Donald Trump vào tháng 11 tới đây.

Khả năng này có thể đến sớm hơn, trong vòng 1 tuần.

Ngay sau 10h sáng 28.6 (giờ Việt Nam), khi phiên tranh tranh luận Tổng thống vừa kết thúc. Một làn sóng dồn dập chỉ trích tổng thống Joe Bident về màn tranh biện yếu kém và ngỡ ngàng thay, những tiếng nói phản ứng mạnh mẽ nhất lại từ chính .. Đảng Dân chủ.

Các chuyên gia bình luận chính trị tên tuổi, các nhà chiến lược của "Đảng Con Lừa" trên các diễn đàn truyền thông dòng chính như CNN, CNBC, The New York Times và Washington Post, đã dùng các từ ngữ mạnh nhất như thảm họa, hoảng loạn và ngạc nhiên để chỉ trích phong độ tổng thống của chính đảng mình. Đồng thời kêu gọi vì lợi ích quốc gia, ông Bident nên từ bỏ chiến dịch tranh cử và đứng sang một bên.

Có đúng vậy chăng ?

Có thực sự là họ ngạc nhiên, rằng các nhà chiến lược gia và các chuyên gia chính trị của Đảng Dân chủ đã hình dung khác đi về cách mà ông Bident thể hiện trong tranh luận tổng thống ? Hàm ý rằng trong suốt 3 năm rưỡi qua kể từ khi nhậm chức, ông luôn có phong độ ổn định và hoàn toàn sắc sảo như chính họ chỉ cách đây vài ngày còn khẳng định chắc chắn.

Công bằng nhận xét là những gì tổng thống Joe Bident thể hiện trong màn tranh luận hôm 28.6 không tệ hơn những gì ta đã biết hoặc chứng kiến.

Đúng là có sự lắp bắp không trôi chảy trong diễn đạt (mà ai cũng hiểu là một đặc trưng của ông vì tật nói lắp), hay ngay ở màn mở đầu đã nhầm lẫn con số, cũng như diễn đạt mâu thuẫn ở vài thời điểm.

Nó đúng thảm họa, nếu xảy ra ở bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào khác. Nhưng với Joe Bident thì đã thành "thương hiệu" vì sự lão hóa với tốc độ bất thường kể từ khi ông nhậm chức

Màn trình diễn này, không khác những gì mà ta đã biết trong những lần xuất hiện trước công chúng như tại các cuộc họp báo hay ngay tại tuần trước, chính ở cuộc gặp thượng đỉnh 7 quốc gia phát triển (G7) tại Italia. Vị tổng thống già nhất trong lịch sử khi ra tái tranh cử ở tuổi 82, cũng mất định hướng nếu không có người trợ giúp hay thỉnh thoảng phát biểu những câu vô nghĩa, nếu không có sự trợ giúp của máy nhắc chữ hoặc tờ giấy ghi nhớ theo kịch bản [cheat sheet].

Vậy nếu không phải sự bất ngờ, thì hẳn phải có điều gì đó lớn hơn nhiều, khi mà chính đảng của họ đồng loạt quay lưng và phản ứng nhanh chóng. Theo logic chính trị thì có thể đó là bước khởi đầu của một chương trình nghị sự khác.

Để nói chính xác rằng agenda đó thực sự là gì, thì dĩ nhiên sẽ không bao giờ biết được. Vì nếu thực sự có hẳn là không ai dám lưu lại, nên hãy coi như là thuyết âm mưu, để bắt đầu bằng hai câu hỏi.

▪Tại sao ngôn từ được sử dụng lặp lại dù từ bất cứ nguồn nào. Các chuyên gia chính trị, các nhà chiến lược của DNC, các bình luận tên tuổi của truyền thông dòng chính, các thông điệp từ 4 từ khóa giống hệt nhau: "thảm họa", "ngạc nhiên", "hoảng loạn" và "đứng sang một bên" ? Bạn hẳn ngây thơ nếu tin rằng đó là sự ngẫu nhiên trong môi trường chính trị trong mùa bầu cử.

▪Câu hỏi thứ hai là tại sao DNC lại chủ động đặt lịch cho cuộc tranh luận tổng thống vào tháng 6, sớm bất thường. Khi so sánh với thông lệ và logic là tháng 9, hoặc tháng 10 trước khi công chúng thực sự bỏ phiếu vào tháng 11 ?

▮Trong kinh doanh, những người sáng lập doanh nghiệp từng trải có một bí quyết thành công và họ không chia sẻ với ai rằng: nếu một dự án quan trọng ví dụ tầm cỡ như khởi sự cho một business star-up. Nếu vì bất kỳ lý do gì, mà doanh nghiệp khởi nghiệp này gặp 'rắc rối cực lớn' hoặc từ thị trường thay đổi, từ cạnh tranh bất ngờ, hoặc từ công nghệ hay nhân sự cốt lõi thay đổi nhanh chóng.

Thì bản năng của một entrepreneur kinh nghiệm là, họ sẽ thực hiện "stress - test", một "sự giả lập" tình trạng thích ứng vượt qua trong giả định thực tế. Nếu không có triển vọng giải quyết trong nguồn lực có thể có được, thì quyết định tốt nhất hãy để cho nó [business hoặc big project] thất bại và phải fail với tốc độ nhanh nhất có thể.

Đóng dự án nhanh chóng, không chỉ tiết kiệm thời gian, mà còn giữ nguồn lực quý giá cả về vật chất, lẫn năng lượng tinh thần cho một sự tái xuất dự án khác trong tương lai.

Điều này cũng đúng cho cá nhân, nếu thất bại, hãy thất bại từ sớm, tốt nhất là trước tuổi 35. Được vậy, cơ hội thành công trong cuộc sống, cũng như kinh doanh sẽ lớn hơn nhiều.

Đấy cũng là lý do, dù không thể kiểm chứng. Nhưng mọi chỉ dấu cho thấy rằng, sự kiện lựa chọn chương trình tranh luận tổng thống sớm 3 tháng, bất thường so với thông lệ, là đảng Dân chủ thực sự đã làm một "stress - test". Các chiến lược gia lão luyện của DNC, thực sự thông minh khi chủ động set - up lịch sớm, nó phục vụ 2 mục tiêu kép.

▪Thứ nhất là về bề mặt và chính danh, họ đặt cược rằng với sự chuẩn bị hoàn hảo nhất có thể [khi lần đầu tiên team giúp ứng cử viên Joe Bident chuẩn bị kịch bản tranh luận là 16 chuyên gia hàng đầu và hoàn toàn đóng cửa tại trại David trong vòng 1 tuần. Đây phải nói là "over -prepare" vô tiền lệ].

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó, kỳ vọng rằng tổng thống Bident, sẽ có màn trình diễn ấn tượng như khi đọc "Thông điệp liên bang" trước lưỡng viện Quốc Hội đầu năm nay.

Khi đó việc tái cử là trong tầm tay. Đó là thực tế phải thừa nhận, DNC là đảng tổ chức tốt và quyền lực nhất trong chính trường Mỹ hiện nay. Và chiến lược của họ tập trung vào "quy trình bầu cử" là rất thông minh và ở mức độ hoàn hảo nhất trong lịch sử đảng phái chính trị Hoa Kỳ. Đảm bảo việc tái cử là thực sự khả thi.

Mục tiêu thứ hai và cũng là hidden agenda - chương trình nghị sự bí mật là - cuộc tranh luận sớm. Chính là mô hình giả lập. Nếu các đầu đo [mà họ bằng các thuật toán và công cụ phức hợp nhất, kết hợp các như mạng xã hội, các hệ thống đánh giá phản hồi công chúng theo thời gian thực ..vân vân] cho thấy là không như dự kiến [mục đích thứ nhất]. Thì hãy ngay lập tức kích hoạt "đại kế hoạch B".

Tại sao tổng thống Joe Biden từ bỏ không tranh cử tổng thống vào đúng lúc này?
Ảnh. Tuyên bố từ bỏ tranh cử tổng thống hôm nay 21.7.2024

▮ Cuộc tranh luận tổng thống, trái ngược với số đông niềm tin công chúng rằng, nội dung chương trình nghị sự là chủ đề quan trọng nhất. Rằng là 2 chủ đề lớn về chính sách đối nội với kinh tế, nhập cư, an sinh xã hội và chính sách đối ngoại với quốc phòng, chiến tranh liên quan tới chiến lược an ninh quốc gia là đối tượng cả hai đảng đầu tư nhiều nhất cho cuộc tranh luận.

Nó đúng là vấn đề quan trọng, song chỉ đúng với công chúng. Còn với các chiến lược gia hai đảng thì lại khác, số ít "tinh hoa" này hiểu rằng những thứ thuộc về hình thức lại quyết định ai thắng trong cuộc tranh biện tổng thống.

Minh chứng nằm ở lịch sử, trong cuộc tranh luận diễn ra năm 1960 giữa hai ngôi sao chính trị sáng nhất của hai đảng Cộng hòa - Dân Chủ. Liệu ai còn nhớ John F. Kennedy và Richard Nixon tranh biện những gì không ?

Tất nhiên là không, trừ các sử gia lịch sử chính trị.

Mọi người chỉ ấn tượng với ứng viên Cộng Hòa Richard Nixon áo ướt đầm đìa và hình ảnh đưa tay gạt mồ hôi trên trán, đã chính thức xác định ai là người thắng trong cuộc tranh luận, cũng như ai là tổng thống Mỹ năm đó.

Cuộc tranh luận hôm 27.6 này cũng vậy, vấn đề không phải là chính sách đối nội hay đối ngoại, cũng như chương trình nghị sự khi họ đắc cử tổng thống [cử tri đã quá rành về di sản khi làm tổng thống của cả hai người]. Vấn đề là đầu đo về cá nhân hai vị tổng thống:

Với Joe Bident, công chúng muốn thấy ông chứng tỏ thể nào về năng lực nhận thức ở tuổi 82, liệu có phù hợp dẫn dắt nước Mỹ trong 4 năm tiếp theo hay không ?

Còn với Donald Trump thì liệu ông có khả năng kiềm chế tính khí của mình hay không ? Qua đó chứng tỏ mình đủ chính danh là một command in chief - tổng thống của hợp chủng quốc.

Và như ta đã thấy, cuộc stress - test này chứng kiến ứng viên Cộng Hòa Donald Trump [mặc dù quan sát thấy có dấu hiệu nhẹ mệt mỏi tuổi tác], nhưng kiểm soát tốt cảm xúc bản năng là tính hiếu thắng, đôi khi "aggressive" thường thấy ở các cuộc vận động tranh cử.

Thì ứng viên Dân Chủ Joe Biden đã thất bại trong việc chứng tỏ bản thân về khả năng nhận thức.

▮Đại kế hoạch B, đấy là fail fast. Và thiết lập reset toàn bộ cho 4 tháng tới.

Tại sao lại thể có kịch bản cực đoan vậy ? Tất cả chỉ là vấn đề tính toán cost & benefit - Phân tích lợi ích và chi phí .

Trong phần dẫn giải, những so sánh về chuyện business start up doanh nghiệp, là chỉ để hình dung. Còn thực tế về quy mô quyền lực, những chuyện dự án quan trọng của doanh nghiệp còn xa mới có thể sánh được.

Mỗi một kỳ bầu cử tổng thống 4 năm, tổng thống chỉ là một vị trí quyền lực. Đi cùng với nhận chức của tổng thống đắc cử, là một hệ thống chuyển giao quyền lực. Hệ thống gọi là "presidential transition" này chịu trách nhiệm về 1650 vị trí trong chính phủ liên bang chuyên nghiệp trưởng phó cấp bộ và ban, ngành cùng 750 vị trí chính trị khác như cấp đại sứ và cơ quan chủ chốt trong nhánh hành pháp.

Cùng với 2400 vị trí chủ chốt này, đến lượt họ là các ê kíp làm việc khác, sẽ tạo ra hiệu ứng domino chuyển giao như một "hội chợ việc làm" cấp tinh hoa khắp nước Mỹ.

Và đó là benefit quyền lực.

Lợi ích quyền lực với quy mô khổng lồ của nó, biện minh cho bất kì kế hoạch cực đoan nào mà trí tưởng tượng con người hay các chiến lược gia chính trị có thể nghĩ ra và có thể đủ vượt qua về mặt pháp lý đều có thể thực hiện, dù là chưa từng có tiền lệ: Đại kế hoạch B.

▮Đại kế hoạch B, đấy là fail fast. Và thiết lập reset toàn bộ cho 4 tháng tới - bắt đầu bằng những gì bạn đọc ở phần đầu bài viết này: 4 từ key words - "thảm họa", "ngạc nhiên", "hoảng loạn" và "đứng sang một bên".

Trong vòng 3 tuần hoặc có thể trong vòng 1 tuần, xác suất là gần 100%, tổng thống Joe Bident sẽ tuyên bố không tiếp tục tranh cử tổng thống, mở đường cho Đảng Dân chủ lựa chọn ứng viên khác tranh cử với ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump vào tháng 11 tới đây.

▮Ghi chú.

▪Để nói chính xác rằng chương trình nghị sự hay "đại kế hoạch B" thực sự là gì, thì dĩ nhiên sẽ không bao giờ biết được. Vì nếu thực sự có hẳn là không ai dám lưu lại, nên hãy coi như là thuyết âm mưu.

▪Những sự kiện là như chuẩn bị tại trại David và những dữ liệu là từ nguồn công khai, còn diễn giải chỉ là quan điểm cá nhân. Bạn đọc nó hãy coi như là bài viết khoa học chính trị giả tưởng.

▮Hanoi, 29.6.2024

Hoàng Anh Tuấn

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Hoàng Anh Tuấn Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả