menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Tô Thiên Tân Pro

Tại sao Fed nên cắt giảm lãi suất ngay lập tức?

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc cắt giảm lãi suất không chỉ là một quyết định đúng đắn mà còn là cần thiết để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững. Trong bài viết này, Tân sẽ chia sẻ quan điểm để chính giải thích cho việc tại sao Fed cần phải hành động ngay lập tức, thay vì tiếp tục chờ sự xác nhận từ số liệu kinh tế.

Tại sao Fed nên cắt giảm lãi suất ngay lập tức?

Lạm phát lõi, thước đo ưa thích của Fed, đã giảm từ mức đỉnh 5.3% xuống 2.6% hiện nay, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1984 và đang tiến về mục tiêu 2% của Fed. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 4.1% từ mức 3.6%, một mức tăng hiếm thấy trừ khi nền kinh tế đang bước vào một cuộc suy thoái. Hãy cùng Tân tìm hiểu tại sao Fed nên cắt giảm lãi suất càng sớm càng tốt?

Mức Lãi Suất Hiện Tại Là Quá Cao

Fed lo ngại việc cắt giảm lãi suất quá sớm do bài học từ năm 2021 (Mời bạn xem lại bài: Khi Fed sai lầm, cả thế giới chao đảo (Phần 1)), khi dự đoán rằng lạm phát chỉ là tạm thời đã dẫn đến một số sai lầm nghiêm trọng. Lúc đó, GDP của Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với xu hướng trước đại dịch và tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao hơn mức thất nghiệp tự nhiên trong dài hạn. Các mô hình dự báo của Fed và các nhà phân tích đã cho rằng ngay cả một biện pháp kích thích tài chính lớn cũng khó làm lạm phát tăng mạnh, đặc biệt khi kỳ vọng của công chúng về lạm phát đã được neo ở mức 2%, mức đã ổn định trong hai thập kỷ.

====================

Tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên (Natural Rate of Unemployment) là mức tỷ lệ thất nghiệp mà nền kinh tế có thể duy trì mà không gây áp lực lạm phát gia tăng. Đây là tỷ lệ thất nghiệp lý tưởng trong điều kiện nền kinh tế hoạt động ở mức toàn dụng lao động, tức là khi không có sự thiếu hụt việc làm nghiêm trọng hay khan hiếm lao động. Vào thời điểm năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp đang rất cao (cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên) vì vậy Fed cho rằng việc kích thích nền kinh tế sẽ khó có thể làm gia tăng lạm phát.

====================

Tại sao Fed nên cắt giảm lãi suất ngay lập tức?

Nguồn: Federal Reserve Bank of St. Louis

Tuy nhiên, đại dịch đã làm xáo trộn chuỗi cung ứng và thay đổi mô hình làm việc, khiến hàng triệu người phải rời khỏi lực lượng lao động. Khi nhu cầu được kích thích bởi các biện pháp tài chính gặp phải các hạn chế về cung ứng khiến giá cả tăng vọt, dẫn đến sự gia tăng tiền lương. Để đối phó với tình trạng này, Fed đã tăng lãi suất từ mức 0% lên khoảng 5.25% - 5.5%, mức hiện tại. Mặc dù lãi suất cao hơn đã giúp làm giảm nhu cầu, việc giảm lạm phát chủ yếu là kết quả của sự phục hồi chuỗi cung ứng và sự giảm dần của các biện pháp kích thích tài chính.

Các cú sốc trong những năm gần đây đã làm tăng giá cả và tiền lương cao hơn nhiều, nhưng tác động của chúng đối với lạm phát chủ yếu mang tính tạm thời. Vì vậy, các nhà kinh tế đã sử dụng các công thức như Quy tắc Taylor để đo lường “mức độ sai lệch” trong chính sách tiền tệ của Fed. Theo quy tắc này, mức Fed Fund Rate (FFR) hiện tại chỉ nên quanh ngưỡng 4% và lãi suất hiện tại có vẻ quá cao.

Tại sao Fed nên cắt giảm lãi suất ngay lập tức?

Theo Quy tắc Taylor thì FFR hiện tại chỉ nên quanh mức 4% thôi

Nguồn: Federal Reserve, Goldman Sachs

====================

Quy tắc Taylor, được giới thiệu bởi nhà kinh tế học John Taylor vào năm 1993, là một công cụ quan trọng để hướng dẫn chính sách tiền tệ, dựa trên sự chênh lệch giữa lạm phát thực tế và mục tiêu cũng như khoảng cách giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng. Quy tắc này đã đóng vai trò quan trọng trong việc cảnh báo về các sai lầm trong chính sách tiền tệ của Fed qua các giai đoạn khác nhau. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, Quy tắc Taylor đã chỉ ra rằng lãi suất quá thấp của Fed có thể góp phần vào sự bất ổn tài chính. Trong giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng (2009-2015), Taylor đã phê phán Fed vì giữ lãi suất quá thấp trong thời gian quá lâu, điều này có thể dẫn đến rủi ro lạm phát và các bong bóng tài sản. Quy tắc này tiếp tục thể hiện vai trò cảnh báo trong các giai đoạn tăng lãi suất từ 2015 đến 2018. Trong đại dịch Covid-19, Taylor đã chỉ trích việc Fed giữ lãi suất quá thấp, lo ngại rằng điều này có thể tạo ra các vấn đề tương tự như trong các cuộc khủng hoảng tài chính trước đó. Nếu Donald Trump đắc cử tổng thống, John Taylor được xem là ứng cử viên tiềm năng nhất cho chức vụ Chủ tịch Fed. Ông là cố vấn lâu năm cho các tổng thống Đảng Cộng hòa và các ứng cử viên tổng thống, đồng thời cũng là cựu quan chức Bộ Tài chính, là người chỉ trích mạnh mẽ chính sách tiền tệ gần đây của Fed.

====================

Tuy nhiên, Fed lo lắng rằng việc cắt giảm lãi suất quá sớm có thể gây ra một số rủi ro. Các yếu tố tạm thời như sự tăng vọt của giá cả trong những năm gần đây có thể vẫn còn ảnh hưởng, và việc giảm lãi suất quá sớm có thể dẫn đến việc lạm phát quay trở lại nếu các yếu tố này tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế. Do đó, Fed đang cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro trước khi quyết định cắt giảm lãi suất để đảm bảo sự ổn định lâu dài của nền kinh tế. Trong tuần vừa qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell từ chối cho biết khi nào hoặc liệu Fed có cắt giảm lãi suất hay không, Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết ông cần thêm dữ liệu và thống đốc Fed Chris Waller chỉ thừa nhận việc cắt giảm đang “đến gần hơn”. Sự thận trọng của Fed là điều dễ hiểu vì họ đã đưa ra dự báo quá tệ về lạm phát trước đó!

Lạm Phát Khó Có Thể Tăng Mạnh Trở Lại

Rủi ro lớn nhất khi cắt giảm lãi suất ngay bây giờ là lạm phát có thể chưa được kiểm soát hoàn toàn. Nếu lạm phát tái diễn, nó sẽ tiếp tục làm giảm sức mua và làm suy yếu nền kinh tế.

Những cú sốc trong quá khứ như thiếu hụt chất bán dẫn vào năm 2021 đã gây ra các đợt tăng giá tạm thời. Sự thiếu hụt chất bán dẫn cũng làm giảm sản lượng ô tô và đẩy giá ô tô tăng lên. Sau đó, lạm phát giá ô tô mới đạt đỉnh vào đầu năm 2022, các chi phí sửa chữa và bảo dưỡng tăng theo sau đó 9 tháng còn các dịch vụ bảo hiểm ô tô cũng tăng theo với độ trễ 2 năm. Những tác động ngắn hạn này làm cho lạm phát trở nên khó lường và biến động. Những cú sốc như vậy có thể tạm thời làm tăng lạm phát nhưng chúng không thể duy trì lạm phát ở mức cao trừ khi có các điều kiện khác, nhất là thị trường lao động bị thu hẹp.

Tại sao Fed nên cắt giảm lãi suất ngay lập tức?

Dot plot của các nhà kinh tế tham gia khảo sát

Nguồn: Federal Reserve (actual); Wall Street Journal survey of economists (forecasts)

Mặc dù theo Tân lạm phát khó có khả năng tăng trở lại, vẫn có nguy cơ sẽ chững lại quanh mức hiện tại 2.6% (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) thay vì giảm xuống 2% như kỳ vọng của Fed. Thậm chí, tỷ lệ lạm phát 12 tháng có thể nhích tăng nhẹ trong thời gian tới khi các số liệu thấp của năm trước không còn trong tính toán. Đó là nhược điểm chí tử của việc quá phụ thuộc vào dữ liệu!

Theo Tân thì việc cắt giảm lãi suất không chỉ là cần thiết mà còn là cấp bách trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Fed cần hành động ngay để hỗ trợ quá trình bình thường hóa nền kinh tế, kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, và duy trì mức lạm phát ổn định. Chờ đợi thêm có thể mang lại những rủi ro không đáng có và gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Quyết định cắt giảm lãi suất ngay bây giờ sẽ giúp đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của kinh tế Mỹ trong tương lai.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Tô Thiên Tân Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả