Tại sao EVN vừa lãi kỷ lục năm 2021 xong lại lỗ kỷ lục chỉ trong nửa đầu 2022?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022, với mức lỗ lớn nhất từ trước đến nay.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022, với kết quả lỗ sau thuế hợp nhất gần 16.600 tỷ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất từ trước đến nay của EVN, đặc biệt EVN lỗ lớn trong bối cảnh từ năm 2016, lợi nhuận của Tập đoàn liên tục tăng trưởng và đạt kỷ lục vào năm 2021 khi lãi sau thuế hơn 14.700 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ của EVN là do giá vốn hàng bán quá cao. Cụ thể, tổng doanh thu 6 tháng năm 2022 là hơn 221.200 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng giá vốn của Tập đoàn lại tăng mạnh 17% lên hơn 225.400 tỷ đồng, khiến EVN lỗ gộp hơn 4.200 tỷ đồng.
Sau đó trừ đi các loại chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý, khiến EVN ghi nhận lỗ gần 12.800 đồng từ hoạt động kinh doanh.
Nguyên nhân khiến giá vốn tăng cao như vậy là vì giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí) tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN cũng tăng cao.
Cụ thể, theo số liệu trên trang tradingeconomics.com, giá hợp đồng tương lai than tại Newcastle đã tăng từ khoảng 158 USD/tấn hồi đầu năm lên mức giá cuối quý 2 là 386 USD/tấn, tăng hơn 144%, hiện nay giá than vẫn tiếp tục tăng và đang ở mức 436 USD/tấn. Còn giá hợp đồng tương lai dầu Brent cũng tăng từ 77,5 USD/thùng hồi đầu năm lên 105,8 USD/thùng vào cuối tháng 6, tăng 36,5%, có những thời điểm giá dầu đã lên đến hơn 123 USD/thùng.
Trong khi đó, trong năm 2021, EVN lãi hơn 14.700 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ dù cho EVN đã giảm giá điện, giảm tiền điện cho nhiều đối tượng khách hàng với tổng số tiền hơn 2.900 tỷ đồng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Dù số tiền này so sánh với doanh thu của EVN thì không đáng kể mấy.
Năm 2021, doanh thu thuần EVN tăng 6% lên 426.000 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh lên gần 388.000 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của Tập đoàn còn hơn 38.000 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2020.
Nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng nhờ khoản lãi từ chênh lệch tỷ giá (đã bù trừ lỗ tỷ giá) gần 9.500 tỷ đồng trái ngược với khoản lỗ 5.600 tỷ đồng năm 2020, đồng thời, chi phí lãi vay cũng giảm khoảng 3.300 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, EVN cũng lãi tỷ giá 4.280 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Nhưng khoản lợi nhuận trên không đủ bù đắp mức lỗ do hoạt động kinh doanh chính.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận