Tại sao cổ phiếu ngân hàng lại là ‘miếng bánh ngon’ của các quỹ đầu tư?
Tại sự kiện Data Talk tháng 12 với chủ đề "Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025", các chuyên gia đã chia sẻ góc nhìn về sự ưu tiên đặc biệt dành cho cổ phiếu ngân hàng trong danh mục của các quỹ đầu tư.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Founder CKG, đã tổng hợp danh mục 35 quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam để đưa ra top cổ phiếu được quỹ nắm nhiều nhất (theo số lần xuất hiện trong danh mục).
Nhóm xuất hiện nhiều lần nhất chính là ngân hàng, trong đó đến 32 quỹ nắm ACB, 26 quỹ nắm MBB, 20 quỹ nắm CTG…
Theo ông, khẩu vị đầu tư của quỹ khác với nhà đầu tư nhỏ lẻ. Các cá nhân thường không thích cổ phiếu ngân hàng, do số lượng lưu hành lớn, tăng giá chậm.
Ngược lại, các quỹ lại không thích các ngành mà nhà đầu tư cá nhân ưa chuộng. Cụ thể đó là ngành bất động sản, khi tong top nắm giữ của quỹ chỉ bao gồm VHM (6 quỹ) và KDH (5 quỹ) với tỷ trọng nhỏ.
Bên cạnh đó, nhóm ngành nổi lên 3 năm gần đây và cùng được nhà đầu tư cá nhân ưa thích là chứng khoán. Tuy nhiên, top xuất hiện cũng chỉ duy nhất mã HCM (4 quỹ).
Quỹ cũng chú trọng vào nhóm cổ phiếu có cổ tức cao như BWE và VEA (cùng 7 quỹ).
Trên thực tế, quỹ không tập trung vào từng cổ phiếu mà là cả nhóm vốn hóa lớn của nền kinh tế, nghĩa là đầu tư tổng thể. Quỹ cũng đầu tư và đồng hành với doanh nghiệp.
Nói về ngành ngân hàng, ông Lê Hoài Ân, Founder IFSS, cho biết bối cảnh kinh tế 2023 có khó khăn và qua 2024 đã có sự tăng trưởng khá bất ngờ.
Tuy vậy, tiêu dùng vẫn còn những hạn chế, dẫn đến doanh nghiệp e ngại đầu tư hơn. Kéo theo đó các ngân hàng cũng thận trong trong tăng trưởng.
Trong ngành ngân hàng, quỹ đầu tư thường tập trung với nhóm ngân hàng lớn, có chiến lược và câu chuyện tăng trưởng rõ ràng. Ông Ân chia ra thành ba nhóm cổ phiếu chính, gồm: nhóm quốc doanh (VCB, CTG, BID), nhóm chuyên cho vay doanh nghiệp (TCB, MBB, HDB), nhóm chuyên cho vay cá nhân (ACB, STB, VIB, TPB).
Năm 2024, thị trường ghi nhận diễn biến đi ngang chiếm phần lớn thời gian, song nếu đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng vẫn đem đến tỷ suất sinh lợi tốt.
Nhóm “thắng lớn” năm nay thuộc về cho ngân hàng vay doanh nghiệp với tỷ suất đầu tư trung bình 27%, nổi bật là LPB, TCB, MBB… Kế đến là nhóm quốc doanh với trung bình 19%, trong đó CTG tăng tốt nhất (32%), VCB tăng 16%. Với BID, mức tăng chỉ 8% theo ông Ân là do NIM bị ảnh hưởng, nợ xấu tăng.
Nhóm chuyên cho vay cá nhân ghi nhận mức tăng giá xấp xỉ nhau, với trung bình 17%. Vị chuyên gia nhận định khi kinh tế khó khăn, tầng lớp thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, kéo giảm triển vọng nhóm ngân hàng chuyên cho vay cá nhân.
Ông Ân quan sát, năm qua khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán, nhưng áp lực nhỏ với nhóm ngân hàng khôn, tức vẫn duy trì cổ phiếu ngân hàng với tỷ trọng đáng kể trong danh mục. Nhóm bị bán nhiều hơn thuộc về cho vay cá nhân.
Vị chuyên gia đã đưa lý giải diễn biến nay. Trước đây, tiêu dùng bắt đầu tăng trưởng mạnh từ 2014, đi cùng với câu chuyện của PNJ hay MWG, thì nhóm ngân hàng cho vay cá nhân cũng tăng trưởng. Tỷ trọng mảng bán lẻ tăng lên, trong khi cho vay doanh nghiệp dần giảm xuống. Xu hướng này kéo dài đến 2023 mới thay đổi. Nguyên do là người dân bị “kẹt” tiền trong bất động sản, dẫn đến chi tiêu giảm. Tăng trưởng tín dụng đã chững lại trong 2023 và tiếp diễn qua 2024.
Trong 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ cho vay doanh nghiệp của đa số ngân hàng đều tăng lên.
Khía cạnh Nhà nước, nếu muốn đẩy tín dụng tư nhân, hệ thống ngân hàng cần phải bơm vốn cho các doanh nghiệp. Hai năm qua, ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp hưởng lợi. Điều đó cũng lý giải cho những diễn biến trên thị trường chứng khoán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường