Tái cơ cấu các khoản nợ vay, VIMC báo lãi kỷ lục
Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC, UPCoM: MVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu thuần 3.964 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu vận tải biển đạt 1.699 tỷ đồng, tăng 58,4%, doanh thu khai thác cả biển và dịch vụ hàng hải là 2.017 tỷ đồng, giảm 7,3%.
Giá vốn hàng bán tăng 11% lên 2.719 tỷ đồng giúp biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 28,5% lên 31,4%.
Doanh thu tài chính của công ty tăng 15% đạt 188,4 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi, cổ tức được chia và lãi chênh lệch tỷ giá tăng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 83,3% và 28,6% trong khi chi phí tài chính giảm 16,7%.
Bên cạnh đó, đơn vị này còn ghi nhận lợi nhuận khác 588,5 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ. Khoản mục này tăng đột biến nhờ việc cơ cấu nợ của công ty Vận tải biển Việt Nam là 90,1 tỷ đồng và nợ của CTCP Vận tải biển Vinaship là 61,3 tỷ đồng. Ngoài ra, VIMC còn ghi nhận thu nhập khác nhờ xử lý nợ qua DATC tại công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông là 449,2 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của tổng công ty đạt 1.434 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ là 1.123 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi kỷ lục doanh nghiệp ghi nhận trong một quý.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VIMC ghi nhận doanh thu 7.228 tỷ đồng, tăng 19,2% so với nửa đầu năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1,678 tỷ đồng, tăng gần 150%. Công ty hiện vẫn ghi nhận mức lỗ lũy kế là 928,7 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với đầu năm.
Năm nay, VIMC lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất đạt 12.511 tỷ đồng, giảm 12,5% và lợi nhuận trước thuế 2.518 tỷ đồng, giảm 31% so với thực hiện 2021. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm đơn vị này đã hoàn thành 57,8% kế hoạch doanh thu và 84,3% chỉ tiêu lợi nhuận.
Nửa đầu năm, các đơn vị đã bám sát, tận dụng cơ hội thị trường vào thời điểm cuối tháng 2 và đầu tháng 3 để kịp thời điều chỉnh, ký hợp đồng với mức tài chính cao, tiếp tục duy trì các hợp đồng định hạn với mức giá tốt.
VIMC thời gian qua đã phát triển thêm 4 tuyến dịch vụ mới tại các Cảng Hải Phòng (2 tuyến), Đà Nẵng (1 tuyến), SSIT (1 tuyến). Việc mở rộng quy mô trên diễn ra trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, thử nghiệm dịch vụ đi Ấn Độ từ Cảng Nghệ Tĩnh. Ngoài ra, Tổng công ty còn kết hợp với hãng vận tải biển MSC để triển khai dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – TP HCM. Hiện tại, dự án này đã trình Thủ tướng xem xét.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản đạt 26.815 tỷ đòng, tăng 2,2% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền đơn vị đang nắm giữ khoảng 8.735 tỷ đồng hiện đang được gửi tại ngân hàng. Nợ vay tài chính ở mức 4.216 tỷ đồng, giảm 23,2% so với đầu năm trong đó 54,3% là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 13.129 tỷ đồng, tăng 14,7% nhờ lợi nhuận được cải thiện trong năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận