24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quang Long
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tác động với thị trường năng lượng khi EU áp giá trần dầu Nga

Các nhà phân tích cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt của EU đối với dầu mỏ của Nga, có hiệu lực từ ngày 5/12, sẽ “thực sự gây xáo trộn” thị trường năng lượng.

EU áp giá trần dầu Nga

Vào tháng 6, 27 quốc gia thành viên EU đã đồng ý cấm nhập khẩu dầu thô của Nga từ ngày 5/12. Mục đích chính của lệnh trừng phạt này là nhằm giảm nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu dùng cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc đã đàm phán tạm thời miễn áp dụng lệnh cấm này với lý do không có nguồn cung thay thế cho dầu Nga. Cả ba nước này đều phụ thuộc lớn vào đường ống Druzhba vận chuyển dầu từ Nga sang EU.

Trên thực tế, EU cùng với Mỹ, Nhật Bản, Canada và Anh, đã muốn cắt giảm đáng kể doanh thu từ dầu mỏ của Nga trong nỗ lực trừng phạt Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.

Tuy nhiên, những lo ngại rằng lệnh cấm hoàn toàn sẽ khiến giá dầu thô thế giới tăng vọt khiến Nhóm G7 cân nhắc áp đặt mức giá trần đối với dầu của Nga. Giới hạn giá sẽ khiến các quốc gia G7 mua dầu của Nga với giá thấp hơn, trong nỗ lực giảm thu nhập từ dầu mỏ của Nga mà không làm tăng giá dầu thô trên toàn cầu.

Theo Reuters, các nước thành viên EU ngày 1/12 đã tạm thời nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Mức giá này có thể điều chỉnh để giữ mức giá trần ở thấp hơn giá thị trường 5%.

Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan Rob Jetten cho rằng việc hạn chế giá dầu của Nga là “bước tiếp theo rất quan trọng” trong lệnh trừng phạt.

“Nếu muốn các biện pháp trừng phạt có hiệu quả và thực sự gây tổn hại cho Nga, chúng ta cần cơ chế giới hạn giá dầu. Vì vậy, hy vọng chúng ta có thể đạt được đồng thuận càng sớm càng tốt”, ông Jetten nói.

“Vị cứu tinh” của dầu Nga

Nga đang hy vọng rằng những nước mua lớn khác, chẳng hạn như Ấn Độ và Trung Quốc, sẽ không đồng ý kế hoạch giới hạn giá dầu và tiếp tục mua dầu của Nga.

Các quốc gia G7 đã đồng ý áp đặt giới hạn đối với giá dầu của Nga vào tháng 9. Vào thời điểm đó, Cao ủy Năng lượng EU Kadri Simson, nói rằng bà hy vọng Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ ủng hộ việc áp dụng mức giá trần.

Nga, nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, đã chuyển hướng phần lớn nguồn cung sang Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á khác với giá chiết khấu, sau khi phương Tây ngừng mua mặt hàng của họ, ngay cả trước khi EU ra lệnh cấm.

Trung Quốc và Ấn Độ hiện mua 2/3 tổng lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển từ Nga. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng nhập khẩu khoảng 1/2 trữ lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường ống từ Nga.

Sự tham gia của hai nước này vào kế hoạch áp giá trần được coi là cần thiết khi các hạn chế đối với dầu mỏ của Nga có tác dụng.

“Trung Quốc và Ấn Độ là nhân yếu tố rất quan trọng khi họ mua phần lớn dầu của Nga. Tuy nhiên, họ sẽ không tham gia kế hoạch vì lý do chính trị, vì mức trần là chính sách do Mỹ đề xuất, vì lý do thương mại và vì họ đã nhận được rất nhiều dầu giá rẻ từ Nga, vậy tại sao họ lại mạo hiểm cho điều đó?”, Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói.

Vào tháng 9, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Shri Hardeep Singh Puri, nói rằng ông có “nghĩa vụ đạo đức” đối với người tiêu dùng nước mình. “Chúng tôi sẽ mua dầu từ Nga, chúng tôi sẽ mua từ bất cứ đâu”, ông nói thêm.

Hệ quả nếu trừng phạt dầu Nga

Theo CNBC, ngày càng dấy lên nhiều nghi ngờ và lo ngại về tác động thực sự của các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

“Các lệnh trừng phạt đối với năng lượng Nga đã đến quá muộn và khiêm tốn. Đây chỉ là sự tiếp nối của một loạt các quyết định rụt rè. Thời gian chờ đợi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực càng kéo dài và càng muộn thì Nga càng dễ dàng tìm cách đối phó”, Guntram Wolff, giám đốc Hội đồng Quan hệ Quốc tế Đức, cho biết.

Theo kế hoạch áp giá trần dầu Nga, các công ty bảo hiểm và doanh nghiệp khác cần vận chuyển dầu bằng đường biển chỉ có thể giao dịch với Nga nếu dầu được định giá bằng hoặc thấp hơn giá trần.

AP nhận định rằng, việc thực thi lệnh cấm bảo hiểm trên toàn cầu có thể khiến lượng lớn dầu thô Nga biến mất khỏi thị trường và làm giá dầu tăng vọt. Điều này khiến các nền kinh tế phương Tây bị ảnh hưởng, trong khi thu nhập của Nga có thể tăng lên từ bất cứ sản phẩm dầu mỏ nào mà họ xuất khẩu bất chấp lệnh cấm vận.

Theo Henning Gloystein, giám đốc phụ trách năng lượng, khí hậu và tài nguyên của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu dầu của Nga có thể “thực sự gây xáo trộn” đối với thị trường năng lượng thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo kế hoạch của phương Tây nhằm áp mức trần giá dầu có thể gây ra “hậu quả nghiêm trọng” với thị trường năng lượng. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định các quốc gia áp dụng mức giá trần của phương Tây đối với dầu Nga sẽ không nhận được bất kỳ loại dầu thô nào từ Moscow.

Tác động lớn nhất từ lệnh cấm vận của EU đối với Nga có thể không xảy ra vào ngày 5/12, khi châu Âu tìm thấy các nhà cung cấp mới và Nga chuyển hướng giao dầu mỏ. Thời điểm nhận thấy tác động của quyết định này là vào ngày 5/2/2023, khi lệnh cấm bổ sung của EU đối với các sản phẩm từ dầu mỏ Nga, như nhiên liệu diesel, có hiệu lực.

Châu Âu sẽ phải chuyển sang các nguồn cung cấp thay thế từ Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ. “Sẽ có sự thiếu hụt nguồn cung và điều này dẫn đến giá tăng rất cao”, Claudio Galimberti, phó chủ tịch phụ trách phân tích của Rystad Energy, nói.

Châu Âu vẫn có nhiều xe sử dụng dầu diesel. Loại nhiên liệu này cũng được sử dụng cho xe tải vận chuyển nhiều loại hàng hóa và để vận hành máy móc nông nghiệp, bởi vậy giá dầu diesel cao hơn đó sẽ tác động đến nền kinh tế của châu Âu./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả