'Sức mạnh' của Vietcombank khi cho vay lãi suất cố định
Sau cơn sốt lãi suất ngân hàng khiến nhiều người vay tiền và doanh nghiệp điêu đứng vì lãi cao, Vietcombank đã tung ra chương trình cho vay lãi suất cố định, kỳ hạn lên tới 10 năm.
Đầu tháng 4, Vietcombank tung ra chương trình “An tâm lãi suất”, áp dụng cho các mục đích vay của khách hàng cá nhân như vay mua nhà, mua xe hay vay khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) với mức lãi suất cố định cho các khoản vay trung và dài hạn.
Theo đó, các khoản giải ngân trong tháng 4/2023 sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đãi 10,2%/năm cho kỳ hạn 18 và 24 tháng; 11%/năm cho kỳ hạn 36 tháng; 12%/năm cho kỳ hạn 60 tháng (5 năm); 13,5%/năm cho kỳ hạn 84 tháng (7 năm) và 14%/năm cho kỳ hạn 120 tháng (10 năm).
Trên thị trường hiện nay, ít có ngân hàng nào cung cấp các sản phẩm cho vay với lãi suất cố định kỳ hạn dài, mà hầu hết đều áp dụng lãi suất thả nổi nhằm tránh những rủi ro biến động lãi suất trong tương lai.
Đặc biệt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thời gian qua biến động rất nhanh và mạnh. Điều này khiến các ngân hàng không ưu tiên những chương trình cố định lãi suất thời gian dài. Trong khi đó người đi vay cũng không muốn khoản lãi phải trả hàng tháng liên tục biến động, chủ yếu là tăng bất thường như gần đây.
Thực tế một số ngân hàng nước ngoài cung cấp các sản phẩm có lãi suất vay cố định thường là những sản phẩm cho vay tiêu dùng nhưng tính theo dư nợ gốc ban đầu, có giá trị khoản vay thấp để phần nào hạn chế rủi ro.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Vietcombank đưa ra chương trình lãi suất cố định. Chương trình “An tâm lãi suất” này từng được Vietcombank triển khai vào tháng 4/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và gây ảnh hưởng lên mọi mặt trong nền kinh tế, khiến nhu cầu vay giảm sút mạnh.
Có thể thấy, trong những giai đoạn nền kinh tế khó khăn nhất, Vietcombank thường là ngân hàng đi đầu, đặt nền tảng cho những chương trình hỗ trợ quan trọng, góp phần ổn định nền kinh tế. Đây là yếu tố cho thấy “sức mạnh” dẫn dắt thị trường tài chính của Vietcombank. Việc đưa ra gói lãi suất cố định cũng cho thấy kỳ vọng của Vietcombank, đặt niềm tin lãi suất sẽ chỉ biến động trong ngắn hạn và quay về ổn định trong dài hạn.
Khả năng dẫn dắt thị trường của Vietcombank, đến từ quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng bền bỉ của ngân hàng này trong nhiều năm qua. Tính tới cuối năm 2022, Vietcombank có tổng tài sản lớn thứ 2 ngành ngân hàng với hơn 1,81 triệu tỷ, tăng 28% so với đầu năm. Dù quy mô lớn, đây lại là nhà băng có tốc độ tăng trưởng tài sản rất nhanh. Ba động lực chính giúp tài sản Vietcombank mở rộng mạnh mẽ đến từ: cho vay khách hàng; tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác và tiền gửi tại NHNN.
Mặt khác, là ngân hàng lớn nhất, có lợi nhuận lớn nhất ngành nhiều năm, Vietcombank có nhiều lợi thế mà các ngân hàng khác không có được, đặc biệt là khả năng duy trì chi phí vốn rất thấp so với mặt bằng ngành. Nhờ huy động đầu vào thấp, ngân hàng có thể giữ mức lãi suất đầu ra cố định mà vẫn đảm bảo kiểm soát được rủi ro.
Trong số các nhà băng quốc doanh đang niêm yết, Vietcombank ghi nhận tăng trưởng số dư tiền gửi không kỳ hạn nổi bật trong năm 2022, với mức tăng 9,4%. Tại thời điểm 31/12/2022, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank đạt mức 402.530 tỉ đồng, tương ứng với tỷ lệ CASA đạt 32,3%. Xét về con số tuyệt đối, Vietcombank là ngân hàng có lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất.
Chất lượng tài sản của Vietcombank cũng được đánh giá cao khi tỷ lệ nợ xấu chỉ dưới 1% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng cao nhất hệ thống nhiều năm liền, đạt 317% vào thời điểm cuối năm 2022.
Quy mô lớn nhưng vẫn duy trì được khả năng tăng trưởng nhanh, nguồn tiền dồi dào giá rẻ cùng chất lượng tài sản tốt nhất ngành ngân hàng là những thế mạnh giúp Vietcombank duy trì được vị thế bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế, đồng thời có thể đưa ra những chương trình mang tính “tiên phong”, dẫn dắt thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận