Sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump và tương lai quan hệ Trung - Mỹ
Chính quyền Trump 2.0 có thể sẽ giống như nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump về các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, làm căng thẳng thêm quan hệ Mỹ - Trung.
Ông Donald Trump phát biểu tại Maryland, Mỹ, ngày 24/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Bình luận trên Nhật báo Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 19/11, Giáo sư Fan Hongda tại Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng, giống như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc đã rất chú ý đến cuộc bầu cử ở Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh quan điểm về Trung Quốc ngày càng tồi tệ trong lòng xã hội Mỹ.
Trung tâm nghiên cứu Pew đã tiến hành các cuộc khảo sát trong số những người trưởng thành ở Mỹ vào các năm 2007, 2014 và 2019 để xác định xem họ coi ai là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ. Kết quả cho thấy Trung Quốc xếp thứ ba vào năm 2007, thứ hai vào năm 2014 và "đồng hạng nhất" với Nga vào năm 2019.
Trong một cuộc khảo sát tương tự được tiến hành từ ngày 30/5/2023 - 4/6/2023, Trung tâm nghiên cứu Pew phát hiện ra rằng có tới 50% số người được hỏi coi Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu đối với Mỹ, trong khi chỉ có 17% coi Nga là mối đe dọa chính.
Một số học giả Trung Quốc tin rằng bất kể ai thắng cử ở Mỹ, các mục tiêu chính sách của Washington đối với Trung Quốc vẫn sẽ nhất quán, vì kiềm chế và gây áp lực với Trung Quốc đã trở thành sự đồng thuận của lưỡng đảng tại Mỹ. Quan điểm này rất phổ biến ở Trung Quốc, nơi có cảm giác rằng nước này gần như đã từ bỏ mọi ảo tưởng về Mỹ. Có thể thấy trước rằng đối đầu Mỹ - Trung sẽ khó tránh khỏi trong những năm tới.
Một thực tế rõ ràng là trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Trump, quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi nghiêm trọng, đánh dấu một bước ngoặt sau đó Trung Quốc liên tục được coi là đối thủ cạnh tranh toàn cầu chính của Mỹ. Ở Mỹ, Trung Quốc đã được miêu tả theo một cách rất tiêu cực, dù đánh giá từ danh sách Nội các do Tổng thống đắc cử Trump đề cử, có khá nhiều người thân thiện với Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là, không giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên, trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump không còn phải đối mặt với áp lực tái tranh cử nữa. Ngoài ra, đảng Cộng hòa hiện kiểm soát cả hai viện của Quốc hội và Tòa án Tối cao có khuynh hướng bảo thủ đáng chú ý. Động thái này có nghĩa là ảnh hưởng cá nhân của Tổng thống Mỹ mới sẽ vượt qua nhiệm kỳ đầu tiên, giúp ông dễ dàng thực hiện các chính sách đã thiết lập của mình hơn.
Trên thực tế, khi cơ hội chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tăng lên, thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng tích cực. Đáng chú ý, vào ngày sau khi kết quả bầu cử được công bố, cả ba chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều tăng mạnh và lập mức cao lịch sử mới. Có thể nói rằng thị trường vốn đã bày tỏ sự chào đón đối với Tổng thống đắc cử Trump.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Mỹ đã khởi xướng một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, gây ra rắc rối đáng kể cho Bắc Kinh trong các lĩnh vực như thuế quan, công nghệ, bảo hộ thương mại và trao đổi học thuật. Chính quyền Trump 2.0 có thể sẽ tiếp tục các biện pháp này với Trung Quốc.
Hiện quan hệ Mỹ - Trung đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự thiếu tin tưởng lẫn nhau. Tệ hơn nữa, do sự sụt giảm đáng kể trong giao lưu nhân dân và trao đổi học thuật, ngay cả các học giả từ cả hai nước cũng có sự hiểu lầm rõ ràng về nhau. Nếu các học giả Trung Quốc không tiến hành nghiên cứu thực địa dài hạn tại Mỹ sau năm 2017, hiểu biết của họ về nước Mỹ đương đại có thể sẽ bị lệch hướng nghiêm trọng. Điều này là do những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời chính quyền Trump đầu tiên, và bản thân xã hội Mỹ cũng đã trải qua những thay đổi đáng kể.
Giáo sư Hongda cho rằng, trong thời gian chính quyền Biden nắm quyền, thế giới ngày càng bị chia rẽ thành hai phe, với Mỹ và các đồng minh ở một bên và Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên... ở phía bên kia. Nhưng với tác động nghiêm trọng của chính quyền Trump đầu tiên liên quan đến mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh, một số người ở Trung Quốc tin rằng dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, quan hệ đối ngoại của Trung Quốc có thể cải thiện phần nào. Cụ thể, có thể có tiềm năng cải thiện mối quan hệ với châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Biden, Mỹ và các đồng minh đã đạt được sự đồng thuận đáng kể về cách tiếp cận cơ bản của họ đối với Trung Quốc, và sự đồng thuận này, ít nhất là hiện tại, có vẻ như không thể biến mất trong ngắn hạn. Dưới thời chính quyền Trump 2.0, sự bất hòa và mâu thuẫn giữa Mỹ và các đồng minh có thể sẽ ít hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Tóm lại, với sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump, Mỹ có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào việc kiềm chế Trung Quốc, và áp lực mà Trung Quốc phải đối mặt từ Mỹ và các đồng minh sẽ tăng lên nếu họ tin rằng một số chính sách của Trung Quốc cần phải thay đổi. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có mục tiêu riêng của mình và không dễ dàng chấp nhận trước áp lực của Mỹ. Liệu Trung Quốc và Mỹ có thể tìm ra một cách tương đối hòa bình để cùng tồn tại hay không không chỉ quan trọng đối với hai nước mà còn đối với toàn thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận