menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dung Phạm

Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công: Tối ưu hóa hành lang pháp lý

Thời gian qua, hiệu quả đầu tư công còn chưa đạt được như kỳ vọng do chậm trễ trong giải ngân, phân bổ chưa hợp lý, đầu tư dàn trải, gây tình trạng thất thoát, đội vốn, lãng phí,...

Tại kỳ họp thứ 7 lần này, các nhà lập pháp đã "mổ xẻ" những bất cập trong Luật Đầu tư công và tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi các điểm chưa phù hợp để tháo gỡ điểm nghẽn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công: Tối ưu hóa hành lang pháp lý

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằngphải tăng cường kiểm soát tài sản công và đầu tư công

Kiểm soát chặt tài sản công

Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 vừa được thông qua, Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp có biện pháp quyết liệt, đồng bộ để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Khắc phục triệt để, không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công đã hoàn thành nhưng chậm phê duyệt quyết toán.

Đề cập vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nêu quan điểm: Quốc hội phải kiểm soát dự án đầu tư quan trọng quốc gia ở mức 10.000 tỷ đồng nhằm kiểm soát nợ công và thâm hụt ngân sách.

"Ở nhiều quốc gia, đã đụng tới tài sản công, ngân sách nhà nước thì vài nghìn, vài chục nghìn, vài triệu đô cũng là cực kỳ quan trọng, phải kiểm soát chặt chẽ chứ đừng nói là 10.000 tỷ đồng", ông Nghĩa nhấn mạnh.

ĐB Trương Trọng Nghĩa dẫn chứng: Tổng thống Mỹ cũng từng quyết định giải cứu ngân hàng trong thời kỳ bị khủng hoảng, dùng tiền ngân sách, dùng tiền thuế của dân để giải cứu, đồng thời bảo đảm với những người đóng thuế rằng họ có thể kiểm tra từng đồng đôla của gói giải cứu xem nó được sử dụng như thế nào. "Chúng ta phải tăng cường kiểm soát tài sản công và đầu tư công đi theo hướng này, đó là một hướng tiến bộ và hết sức cần thiết", ông Nghĩa nói thêm.

Theo đánh giá của ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc Quốc hội quyết định mức vốn cho từng dự án là hoàn toàn khả thi, không mất thời gian nếu Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng nguyên tắc định hướng và khi đầu tư không dàn trải từ Trung ương đến địa phương như hiện nay mà chỉ tập trung vào một số ít công trình lớn quan trọng, liên kết vùng miền là những cú hích tạo động lực tăng trưởng.

"Quốc hội quyết định mới đảm bảo đầy đủ về quyền hạn, về phân bổ ngân sách Trung ương theo Hiến pháp vì dự án là "linh hồn" của kế hoạch đầu tư", ông Hàm khẳng định.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, xem xét kế hoạch đầu tư mà không xem xét từng dự án, mức vốn cho từng dự án thì chỉ là hình thức vì không xem từng dự án thì không thể cộng ra tổng tiền của kế hoạch và không thể biết việc đầu tư có phù hợp với nguồn lực, tuân thủ định hướng đầu tư, nguyên tắc phân bổ nguồn vốn hay không, Quốc hội quyết định danh mục phân bổ mức vốn cho từng dự án đầu tư từ ngân sách Trung ương cũng là thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tích cực tháo gỡ “điểm nghẽn” thể chế

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM), thực tiễn triển khai đầu tư công hiện nay vướng mắc không chỉ ở Luật Đầu tư công. Ở đây có cả sự mâu thuẫn giữa văn bản pháp quy ban hành trước với văn bản ban hành sau, tức là có sự “gấp khúc”, như với Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư.

“Chúng ta cần tích cực tháo gỡ điểm nghẽn thể chế. Bản thân Quốc hội là cơ quan lập pháp, phải làm việc tích cực hơn nữa, nhiều trường hợp không thể chờ đến 2 kỳ họp để sửa một vài nội dung nho nhỏ” – ĐB Ngân nói.

ĐB Ngân đồng thời cho rằng các đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách cần làm việc tích cực hơn nữa, rà soát, tiếp thu các ý kiến phản ánh để nhận diện những vướng mắc, bất cập, đệ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp dụng những hình thức họp trực tuyến để xin ý kiến Quốc hội, thậm chí biểu quyết điện tử, để công tác xây dựng pháp luật kịp thời hơn, không nhất thiết phải chờ đến kỳ họp, triệu tập tất cả các đại biểu. “Cứ chờ thế này thì “tội nghiệp” cho nền kinh tế, tôi nghiệp cho người dân quá” – ông Ngân nhấn mạnh.

Cũng theo ĐB Ngân, quy trình sửa đổi luật, đôi khi chỉ là tình tiết nhỏ, nhưng vẫn quá cồng kềnh, chậm chạp. “Và tôi cho rằng trong trường hợp cụ thể của Luật Đầu tư công thì sửa đổi như dự thảo vẫn không đủ tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn” – ĐB Trần Hoàng Ngân nói thêm.

Tăng cường công tác hậu kiểm

Ở một góc nhìn khác, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) - Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ: Luật Đầu tư công đang có một bước thụt lùi về vấn đề cải cách, vì vẫn có quá nhiều thủ tục hành chính.

"Có thể thấy sân bay Vân Đồn làm rất nhanh, rất gọn nhưng các dự án đầu tư công chúng ta làm quá chậm. Chậm ở đây là vấn đề thủ tục, lên xuống quá nhiều, chưa phân cấp gắn với phân quyền cho các cấp cho nên kéo dài", ông Phương nêu thực tế.

ĐB Phương nêu rõ: Nếu quy định tại Điều 60 là các dự án sau khi đã hoàn thành tất cả mọi thủ tục và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo chi tiết thì mới được làm. Đây không còn là hậu kiểm mà nó là tiền kiểm. Trong khi đó đề xuất của Chính phủ thay tiền kiểm bằng tăng cường công tác hậu kiểm.

"Tôi nghĩ sau khi triển khai kế hoạch thì Thủ tướng Chính phủ giao tổng mức vốn về cho địa phương và một số chương trình như chương trình mục tiêu quốc gia hoặc đầu tư có mục tiêu thì coi đấy là ngân sách địa phương, địa phương làm và địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về phân cấp này. Tôi cho như thế mới bớt thủ tục và nhanh chóng hơn", ông Phương góp ý.

Hôm nay (13/6), Quốc hội dự kiến sẽ bấm nút thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV gồm 11 chương, 106 điều, trong đó một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau như: tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn; thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Hồng Hương

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại