menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Nguyên Vũ

Sri Lanka: Từ thiên đường của những 'ngôi nhà thứ hai' tới quốc gia vỡ nợ

Sri Lanka từng là điểm du lịch nổi tiếng và là nơi nhiều người nước ngoài chọn mua ngôi nhà thứ hai.

Sri Lanka, với 22 triệu dân, là một quốc đảo nhiệt đới nằm cách bờ biển Ấn Độ khoảng 64 km về phía Đông Nam. Kể từ khi cuộc nội chiến kéo dài 26 năm kết thúc vào năm 2009, quốc gia này đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, điển hình là con đường cao tốc nối hai thành phố Colombo và Galle.

Nhiều người nước ngoài coi Sri Lanka là địa điểm lý tưởng cho ngôi nhà thứ hai, cho dù nơi đây đã trải qua không ít những sự kiện chấn động như thảm họa sóng thần năm 2004 và vụ đánh bom khủng bố vào đúng ngày lễ Phục Sinh năm 2019…

Điểm hấp dẫn của quốc đảo này đó chính là điều kiện thời tiết lý tưởng (ấm áp quanh năm), những bãi biển tuyệt đẹp, rừng nhiệt đới kỳ vỹ, những cánh đồng lúa đẹp tựa tranh, và khả năng nói tiếng Anh tốt của đại bộ phận người dân.

5476-2819-1650277916.jpg data-natural-width640

Bờ biển Unawatuna, Sri Lanka. Ảnh: Alamy.

“Người dân Sri Landa rất thân thiện và hiếu khách”, Pranesh Paramanantha, chuyên gia bất động sản tại Sotheby’s International Realty bình luận. “Có rất nhiều khách du lịch bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của đất nước này, và du lịch chính là động lực chính thúc đẩy thị trường bất động sản”.

Ai mua nhà tại Sri Lanka?

Những khách hàng nước ngoài thường rất ưa chuộng các sản phẩm bất động sản nằm xung quanh thành phố Colombo, bên cạnh đó là một loạt các địa điểm ven biển khác. Trong thập kỷ vừa qua, khu vực bờ biển phía nam Sri Lanka đã quen thuộc với khách du lịch cũng như khách mua nhà quốc tế. Tuy nhiên, nhu cầu cũng đã có sự dịch chuyển sang các thành phố khác như Weligama, Matara và Tangalle, Max Duddy, đồng sáng lập The New Sri Lankan House chia sẻ.

Số lượng khách hàng mua nhà là người Đức, Pháp và Italy liên tục tăng lên. Trước đó, khách hàng chủ yếu tới từ Anh và Hà Lan.

“Trong đó, có rất nhiều khách hàng có quốc tịch châu Âu nhưng đang sinh sống tại các khu vực như Hong Kong và Singapore”, ông cho biết. “Chúng tôi cũng nhận thấy nhu cầu tới từ các khách hàng Australia và New Zealand, khi họ cảm thấy các quốc gia Đông Nam Á ngày một trở nên đông đúc”.

Một bộ phận khách hàng khách là những người nước ngoài đang sinh sống chính tại Sri Lanka, tới từ nhiều quốc gia khác nhau như Canada, Australia, Vương quốc Anh và Mỹ, theo Pranesh.

Ngược dòng

Ca lây nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Sri Lanka được phát hiện trong tháng 1/2020, và quốc gia này đã nhanh chóng đóng cửa biên giới với một số quốc gia nhất định từ tháng 3. Lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng, thâm chí từ trước thời điểm các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được đẩy mạnh, do một loạt vụ đánh bom khủng bố.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn tăng trưởng tương đối ổn định, theo chia sẻ từ các đơn vị môi giới.

Chỉ số giá nhà của Lanka Property Web cho thấy giá nhà trung bình tại Sri Lanka tăng 20,7% trong quý đầu tiên của năm 2021.

Theo Charts.lk, một nền tảng phân tích thống kê, giá nhà đất tại Sri Lanka đã tăng 30% trong quý III/2021, so với cùng kỳ năm trước đó. Tuy không ấn tượng bằng mức tăng trên 40% ghi nhận trong quý II, nhưng đây là quý giá nhà đạt giá trị cao nhất trong vòng hơn 2 năm tính tới thời điểm công bố.

Thị trường bất động sản Sri Lanka vẫn là một “điểm nóng”, cho dù phải đối mặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đồng thời là một trong số ít các lĩnh vực kinh tế đạt được mức hồi phục tốt sau giai đoạn khó khăn hồi đầu đại dịch.

pg8-1-1991-1650277916.jpg data-natural-width640

Ngôi nhà 6 phòng ngủ với kiến trúc mái ngói đỏ truyền thống có giá lên tới 3,2 triệu USD. Ảnh: The New York Times.

“Tốc độ tăng trưởng giá bất động sản ổn định đã thúc đẩy người dân Sri Lanka tiếp tục đổ tiền vào thị trường, cho dù phải đối diện với không ít khó khăn từ đại dịch”, theo Pranesh. “Người dân Sri Lanka nhận thấy mức lợi nhuận tốt từ thị trường trong một vài năm qua, với giá các sản phẩm bất động sản có những bước tăng trưởng tích cực, và đó là lý do họ đặt niềm tin vào thị trường này”.

Lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm tới 5,8% tổng giá trị nền kinh tế tính đến cuối quý II/2021, tăng tưởng tới 5,5% so với cùng kỳ năm trươc đó, qua đó phản ánh thực tế rằng các điều kiện thuận lợi cho thị trường nhà ở như lãi suất thấp và nhu cầu thị trường từ tầng lớp trung lưu tăng lên, đang giúp duy trì “độ nóng” của thị trường.

Trong bối cảnh số lượng khách du lịch giảm mạnh, nhiều chủ sở hữu bất động sản nước ngoài tại Sri Lanka phải tiến hành bán tài sản khi họ không thể tìm được khách thuê nhà, thì đây cũng là thời điểm, người dân địa phương đổ xô săn lùng các sản phẩm bất động sản, bao gồm cả các bất động sản xa xỉ, theo Ivan Robinson, giám đốc Lanka Real Estate.

“Người dân địa phương đầu tư vào bất động sản như là một giải pháp an toàn trước bối cảnh lạm phát tăng cao và đồng rupee Sri Lanka mất giá”, Robinson cho biết.

Cơn bão lạm phát

Gotabaya Rajapaksa trở thành tổng thống của Sri Lanka vào năm 2019, và “thừa hưởng” một nền kinh tế đang đối diện với muôn vàn khó khăn. Tấn công khủng bố và các cuộc xung đột chính trị đã ảnh hưởng nặng nề tới quốc gia này. Tốc độ tăng trưởng lúc đó đang ở ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2001. Khách du lịch, nguồn thu ngoại tệ lớn của quốc gia này, giảm tới 80% sau một thập kỷ tăng trưởng ổn định sau nội chiến.

Vị tổng thống mới bắt tay ngay vào công việc. Ông cho giảm thuế và gia tăng in tiền. Lạm phát do đó tăng lên trong khi nguồn thu thuế giảm xuống. Hệ quả là thâm hụt ngân sách ngày một nới rộng.

Chỉ số lạm phát tại Sri Lanka đã tăng 14% trong tháng 12/2021, cao hơn 2,9% so với tháng trước đó, theo văn phòng thống kê quốc gia. Giá thực phẩm tăng 6,3% trong khi các hàng hóa khác tăng 1,3%.

“Chỉ số giá thực phẩm tăng 21,5% trong vòng 12 tháng, tính đến tháng 12/2021, trong khi giá hàng hóa phi thực phẩm tăng 7,6% trong cùng thời gian này”, văn phòng thống kê chia sẻ trong một thông báo.

Mới đây, Cơ quan Thống kê quốc gia đã công bố mức lạm phát trong tháng 2/2022 tăng 17,5%, mức cao nhất kể từ năm 2015. Lạm phát tháng 1/2022 là 16,8%.

Đây chính là tháng thứ 4 liên tiếp lạm phát tăng trưởng ở mức 2 con số

33e9119d5cb84465aa5f46bd50243a-1454-6232 data-natural-width640

Người dân Sri Lanka xếp hàng chờ nạp gas tại thành phố Colombo. Ảnh: AP.

Lạm phát liên tục tăng cao chính là động lực thúc đẩy người dân đổ xô vào thị trường bất động sản, coi đó là một kênh đầu tư an toàn.

Tương lai mờ mịt

Du lịch là động lực chính thúc đẩy thị trường bất động sản tại Sri Lanka. Nhiều người đầu tư bất động sản vì “họ tin tưởng rằng một khi dịch bệnh qua đi, họ có thể bán bất động sản cho các nhà đầu tư nước ngoài để thu về ngoại tệ, thay vì đồng rupee nội địa”. Thế nhưng, quốc đảo này đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử.

Gần đây nhất, Sri Lanka mất khả năng thanh toán các khoản nợ nước ngoài lần đầu tiên kể từ khi giành độc lập, và 22 triệu người dân của quốc gia này đang sống trong cảnh thiếu thốn nhiều mặt hàng từ thực phẩm, xăng dầu cho tới thuốc và nhiều hàng hóa thiết yếu khác. Điện thậm chí còn bị cắt tới 12 tiếng mỗi ngày.

Sri Lanka đang nằm trong tâm một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng. Từ năm 1965, quốc gia này vay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổng cộng 16 lần. Mỗi khoản nợ đều đi liền với những điều kiện ràng buộc nhất định. Theo đó, Sri Lanka buộc phải giảm thâm hụt ngân sách, thắt chặt chính sách tiền tệ, cắt giảm trợ cấp thực phẩm cho người dân và hạ giá đồng tiền.

Nhưng trong giai đoạn kinh tế tụt dốc, các chính phủ thường bơm nhiều hơn các biện pháp hỗ trợ vào nền kinh tế. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với những điều kiện của IMF. Dù vậy, những khoản vay vẫn được thông qua, và nền kinh tế Sri Lanka bị nhấn chìm trong bão nợ.

Tình hình thậm chí còn diễn biến xấu hơn sau hai cú sốc hồi năm 2019. Đầu tiên, nhiều vụ vụ đánh bom khủng bố nhắm vào các nhà thờ và khách sạn nổ ra tại thành phố Colombo vào tháng 4/2019. Vụ việc này khiến cho lượng khách du lịch đến với Sri Lanka sụt giảm mạnh, làm bốc hơi một khoản thu ngoại tệ đáng kể của quốc gia này. Thứ hai, chính phủ mới của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cắt, giảm thuế một cách phi lý.

Thuế giá trị gia tăng giảm từ 15% xuống 8%. Thuế doanh nghiệp cũng giảm từ 28% xuống 24%. Vì những chính sách cắt, giảm thuế này, chính phủ Sri Lanka mất đi khoản thu thuế tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tháng 3/2020, đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng nổ. Tháng 4/2021, chính phủ của Tổng thống Rajapaksa thậm chí còn phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khác. Nhằm duy trì nguồn dự trữ ngoại tệ, Sri Lanka cấm nhập khẩu phân bón. Chính sách này khiến cho sản lượng nông nghiệp của quốc đảo này sụt giảm mạnh. Từ một nước xuất khẩu nông nghiệp, Sri Lanka phải nhập khẩu nhiều mặt hàng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.

107040769-1648865141465-gettyi-5961-1909 data-natural-width640

Người dân biểu tình phản đối chính phủ. Ảnh: CNBC.

Vì thế, tình hình dự trữ ngoại hối không những không được cải thiện mà còn diễn biến theo chiều hướng xấu. Sản lượng trà và cao su sụt giảm sau lệnh cấm nhập khẩu phân bón khiến cho doanh thu từ xuất khẩu giảm theo. Và khi đó, nguồn tiền phục vụ cho nhập khẩu hàng hóa cũng ngày một cạn kiệt dần.

Những cú sốc trong tương lai là điều không thể tránh khỏi. Dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka chỉ còn 734 triệu USD tính tới thời điểm cuối tháng 2/2022. Trong khi đó, quốc gia này phải thanh toán khoản nợ và lãi suất lên tới 6,6 tỷ USD. Khả năng đi vay của quốc gia này bị hạn chế rất nhiều sau khi bị nhiều tổ chức xếp hạng hạ mức tín nhiệm. Sau nhiều tháng cầm cự, Sri Lanka cuối cùng phải tìm đến sự trợ giúp của IMF. Và một quá trình tái cấu trúc nợ sẽ lại bắt đầu tại quốc gia Nam Á này.

Sự tức giận trong dân chúng đang ngày một lan rộng. Các cuộc tuần hành yêu cầu tổng thống từ chức đã diễn ra tại một vài thành phố. “Tại sao chúng ta lại là quốc gia Nam Á duy nhất có mức tăng trưởng âm?”, theo Sahan Wiratunga, người tham gia vào một cuộc tuần hành. Vào ngày 15/3, hàng nghìn người đã tham gia biểu tình tại thành phố Colombo. Nhiều bài đăng chỉ trích Tổng thống Rajapaksa và chính quyền của ông, được viết bằng ba thứ tiếng chủ đạo tại Sri Lanka, cũng xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội.

Nhiều người dân thậm chí còn đang tìm cách tháo chạy khỏi quốc gia này. Ngồi bên ngoài Cơ quan xuất và nhập cư, ông Perera, một thợ xây 57 tuổi, đang chờ vợ mình hoàn thiện thủ tục nhận hộ chiếu mới. “Bà ấy sẽ tới Arab Saudi để làm việc như một người lao động địa phương, vì chúng tôi không thể sống tại đây dựa vào thu nhập ít ỏi của mình”. Ông đã bầu cho vị tổng thống đương nhiệm, “nhưng giờ tôi biết nói gì đây?”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

4.47

+0.02 (+0.35%)

Biểu đồ mã Copper
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả