menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Vũ Sơn

Sớm xây dựng kịch bản phục hồi tăng trưởng kinh tế

Trong năm 2022, sẽ có nhiều cơ chế, chính sách phát triển được bổ sung tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Thực hiện mục tiêu kép hiệu quả

Tại Hội nghị trực tuyến với 19 tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vừa diễn ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đánh giá: Trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, các địa phương đã có nhiều giải pháp, biện pháp chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” và đã đạt được một số kết quả khá tích cực.

Theo đó, GRDP của vùng miền Trung 6 tháng ước đạt 6,4% cao hơn bình quân cả nước (5,64%) và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Có được kết quả này là nhờ sự đóng góp của các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như: Quảng Nam (11,72%); Thanh Hóa (8,66%), Nghệ An (7,58%), Bình Thuận (7,53%). GRDP của vùng Tây Nguyên 6 tháng đầu năm đạt 7,21% .Về sản xuất công nghiệp vùng miền Trung tiếp tục tăng trưởng. Chỉ số công nghiệp (IIP) 8 tháng một số địa phương tăng cao như: Thanh Hóa 15,5%, Hà Tĩnh 18,28%, Quảng Nam 21% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số IIP của một số địa phương vùng Tây Nguyên đạt cao như: Đắk Lắk tăng 29,46%, Lâm Đồng tăng 11%, Kon Tum tăng 9,57%...

Về hoạt động xuất nhập khẩu, vùng miền Trung tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020. Các địa phương có tỷ trọng xuất khẩu lớn trong vùng và có kết quả đạt khá, tăng cao so với cùng kỳ như Đà Nẵng 17,8%, Quảng Nam 28% và Quảng Ngãi 18,6%. Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng Tây Nguyên tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thu ngân sách nhà nước vùng miền Trung 8 tháng đầu năm 2021 đạt 88% so với dự toán năm, cao hơn mức bình quân cả nước (77%). Vùng Tây Nguyên đạt 96% dự toán năm. Về thu hút đầu tư, tính lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, vùng miền Trung đã cấp mới được 59 dự án FDI với số vốn đăng ký 1,09 tỷ USD; vùng Tây Nguyên cấp mới 7 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 443 triệu USD.

Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt của các địa phương thời gian qua, đã điều hành phát triển kinh tế - xã hội ổn định và có bước phát triển trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhiều thách thức không nhỏ cũng đang đặt ra khi các địa phương vẫn phải tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch; các chuỗi sản xuất, cung ứng gián đoạn, cầu thị trường suy giảm, cước vận chuyển tăng; đời sống người dân một số vùng gặp khó khăn do thiếu việc làm. Một số địa phương có mức tăng trưởng thấp như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi. Vì vậy, ước tính có 14 địa phương trong khu vực miền Trung đến cuối năm 2021 có 4/11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch, trong đó có các chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GRDP; quy mô GRDP, GRDP bình quân đầu người và tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các địa phương cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế để đón đầu ngay các cơ hội sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong kế hoạch này, cần phân tích sự tác động của dịch bệnh đến các ngành nghề có lợi thế đẩy mạnh gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các ngành sản xuất trọng điểm; đồng thời gắn với các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá, các quy hoạch đã được duyệt.

Những kiến nghị từ địa phương

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh nên nhiều dự án đầu tư xây dựng phải tạm dừng thi công gần 2 tháng, kéo theo đó ước tính giải ngân vốn đầu tư công đến nay mới chỉ đạt 48%. Từ thực tế của địa phương, ông đề nghị Trung ương một số cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn để phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế. Cụ thể là giảm lãi suất tín dụng, thuế, tính giá điện dịch vụ bằng giá điện sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc sớm giao chi tiết vốn đầu tư trung hạn, cho phép việc kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công của một số công trình, dự án do bị đình trệ vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đề nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương ủng hộ việc xây dựng nghị định thay thế Nghị định 144 về cơ chế chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, ủng hộ về chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế, khu phi thuế quan và một số dự án có tính chất động lực, trọng điểm…

Ông Lê Trung Chinh cũng cho biết, thành phố sắp tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, động viên thúc đẩy doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, sớm lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch.

Sớm xây dựng kịch bản phục hồi tăng trưởng kinh tế
Phát triển năng lượng tái tạo thế mạnh của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, Thanh Hóa cũng sẽ chủ động xây dựng các kịch bản, kế hoạch ứng phó kịp thời, linh hoạt trong phục hồi kinh tế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nhất là các lĩnh vực chịu tác động nặng nề. Đồng thời, sát sao trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không để gián đoạn sản xuất, nhất là các doanh nghiệp chủ lực, có đóng góp lớn cho tăng trưởng của tỉnh và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại thực chất nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Địa phương cũng sẽ giao sớm và đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công năm 2022 cho các chương trình, dự án.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng kiến nghị: Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho phép nghiên cứu, xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc xin” bằng các chuyến bay charter đến địa phương, bổ sung Khánh Hòa vào danh mục các địa phương được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động ban đêm đến 6 giờ ngày hôm sau; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đầu tư vào bảo hiểm lĩnh vực nông - lâm - thủy sản; mở rộng địa bàn, đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nhằm giúp nông dân có nguồn vốn tái sản xuất khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt, ông Lê Hữu Hoàng đề nghị Trung ương bổ sung Khu kinh tế Vân Phong vào nhóm các khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư; có cơ chế về rà soát quy hoạch rừng trong các khu chức năng.

Cùng với đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vắc xin bao phủ diện rộng để các địa phương có căn cứ xây dựng và hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các bộ, ngành quan tâm sửa đổi những quy định pháp luật gây vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, sớm giao danh mục dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cũng như sớm ban hành Nghị định về quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và phân bổ vốn năm 2021 cho các địa phương để kịp triển khai thực hiện.

Qua nắm tình hình cũng như tham khảo các ý kiến của các địa phương, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dù có nhiều khó khăn và ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô khu vực miền Trung - Tây Nguyên cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên; môi trường đầu tư từng bước được cải thiện; năng lực sản xuất và khả năng phục hồi nhanh của các doanh nghiệp cộng với xu hướng về nhu cầu của thế giới đối với các mặt hàng là thế mạnh của vùng sẽ tăng nhanh; ngành du lịch dịch vụ sẽ sớm phục hồi khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 được bao phủ ngày càng cao. Vì vậy trong năm 2022, sẽ có nhiều cơ chế, chính sách phát triển được bổ sung tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển của vùng. Đơn cử như Đề án phục hồi kinh tế sau đại dịch, các chính sách mới về phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2030, Phân cấp phân quyền cho các địa phương trong lĩnh vực đầu tư, đất đai...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả