menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khả Ngân

Sớm chặn bóng ma lạm phát

Phải chặn ngay, đừng để "lạm phát" lan rộng

Giá nhiên liệu, nguyên vật liệu đang tăng và các gói kích thích kinh tế có thể được triển khai dự báo sẽ gây áp lực lên việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022

Ngay ở thời điểm hiện tại, giá nhiều loại hàng hóa, chi phí sản xuất, vận chuyển đã nhanh chóng bị đội lên sau nhiều lần liên tiếp tăng giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào.

Áp lực tăng giá rất lớn

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, thời gian qua, do tác động của các loại nhiên liệu, nguyên vật liệu, nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đã đồng loạt tăng giá. Chị Nguyễn Thị Phượng (trú quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) mua rau tại một siêu thị trên địa bàn với mức giá tăng gấp đôi so với trước. Theo chị Phượng, rau mồng tơi hiện có giá 45.000-50.000 đồng/kg, gấp đôi so với trước. Giá thực phẩm tươi sống, sữa, gạo, dầu ăn cũng tăng 10%-30%, chị lo ngại sắp tới các loại hàng hóa sẽ còn tăng tiếp khi nhiều loại chi phí đầu vào vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ trong 10 tháng của năm 2021, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 18 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 7.860 đồng/lít, xăng E5 tăng 7.600 đồng/lít. Giá gas cũng được điều chỉnh tăng 8 đợt, bình quân giá gas tăng 23,81% so với cùng kỳ năm trước. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới.

Dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng giá xăng dầu tăng là một yếu tố quan trọng làm tăng khả năng lạm phát trong các tháng cuối năm. "Giá nhiều mặt hàng khác đều đang ở mức cao như sắt thép, nhôm, thức ăn chăn nuôi gia súc. Giá cả đầu vào tăng sẽ làm giá đầu ra tăng. Áp lực lạm phát đang tăng lên khi chúng ta đang mở cửa nền kinh tế, doanh ghiệp (DN) đang phục hồi sản xuất - kinh doanh" - ông Thịnh nhận định. Tuy nhiên, ông Thịnh dự báo lạm phát năm 2021 vẫn không quá 3%, trong giới hạn 4% Quốc hội đề ra.

PGS-TS Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhìn nhận áp lực lạm phát của nền kinh tế đang rất lớn mà con số thống kê chưa thể hiện hết. Có thể nhận thấy rõ giá nhiều yếu tố đầu vào đang tăng cao, có loại tăng gấp 2-3 lần trong một năm. Những yếu tố này đều chờ đợi để phản ánh vào giá hàng hóa khi cầu tiêu dùng phục hồi và có nguy cơ kéo theo hệ quả lạm phát cao như giai đoạn 2009-2011.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận định lạm phát năm 2022 chắc chắn sẽ tăng khá mạnh bởi với gói cứu trợ khá lớn nhằm tiếp sức cho người dân, DN, sẽ có một lượng cung tiền mặt không nhỏ được đưa ra lưu hành. Cùng với đó, cung tiền tăng còn thông qua kênh khác là ngân hàng giảm lãi vay để kích thích DN hồi phục. Các gói cứu trợ có thể không vượt quá 10% GDP nhưng cũng gây áp lực không nhỏ lên vấn đề điều hành vĩ mô. Bởi lẽ, với khối lượng tín dụng, cung tiền bơm vào nền kinh tế, nếu DN tận dụng kinh doanh có hiệu quả thì không sao, còn ngược lại sẽ tạo sức ép lên lạm phát.

Cách nào kiểm soát?

Một yếu tố đáng lo ngại, theo TS Lê Đăng Doanh là kinh tế Mỹ và các nước đang hồi phục kéo theo giá dầu, xi-măng và nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào trên thị trường thế giới cùng tăng. Trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 200% GDP, tức là chúng ta đang nhập khẩu lạm phát lớn. Do đó, rất cần chính sách giải ngân đầu tư công hiệu quả, góp phần kích thích tăng trưởng. Đồng thời, cân nhắc quy mô gói hỗ trợ theo hướng mạnh tay nhưng phải phù hợp, thực thi có hiệu quả để DN có thể hưởng lợi.

PGS-TS Phạm Thế Anh cảnh báo cung tiền tăng vọt rất dễ dẫn đến bong bóng giá tài sản, đặc biệt là phản ứng của lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản sẽ rất nhanh. "Không có cách nào khác để kiểm soát lạm phát là phải tăng lãi suất vay ngân hàng. Khi đó, DN sẽ lại bị ảnh hưởng nặng nề, chắc chắn nợ xấu tăng và có khả năng gây suy yếu hệ thống tài chính" - ông Thế Anh phân tích và lưu ý các gói hỗ trợ, hồi phục kinh tế thông qua tăng cung tiền trong thời gian tới là rất cần thiết song phải tính toán liều lượng hợp lý để tránh hệ quả xấu.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ cần cân nhắc kỹ, bởi gói hỗ trợ lớn sẽ phát sinh lo ngại về lạm phát. "DN, người dân rất cần các gói hỗ trợ sau những ảnh hưởng do đại dịch. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ, gói kích thích kinh tế phải ở mức độ phù hợp, bảo đảm lượng tiền tệ lưu hành trên thị trường ở mức an toàn. Chúng ta cũng cần tính toán không quá kéo dài thời gian hỗ trợ, gói hỗ trợ không quá nhiều, bởi sẽ gây áp lực cho lạm phát" - ông Thịnh nói và dẫn chứng một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Na Uy… đều đã có các động thái quản lý chặt chẽ các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế.

Riêng yếu tố tăng giá nhiên liệu, nguyên vật liệu từ nước ngoài rất khó thay đổi do hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nước trên thế giới đang phục hồi nên chúng ta phải chấp nhận mức giá cao ở một thời điểm nhất định. Thay vào đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng DN phải tổ chức sản xuất - kinh doanh sao cho tiết kiệm tối đa chi phí mà vẫn đạt hiệu quả tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý chặt giá cả, tránh tình trạng "té nước theo mưa"; tăng cường quản lý những mặt hàng do nhà nước định giá, mặt hàng thuộc diện phải kê khai giá, làm cho giá cả đi vào nền nếp, ổn định thị trường.

Đã có phương án ứng phó

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Tổ Điều hành thị trường trong nước - Bộ Công Thương dự báo thị trường hàng hóa trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường hàng hóa thế giới; giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục tăng hoặc ở mức cao. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, thị trường sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa đều tăng nhằm phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết nguyên đán. Tuy nhiên, tổ điều hành cho rằng nguồn cung hàng hóa vẫn sẽ được bảo đảm kể cả các địa bàn có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, do các DN đã chủ động có phương án cung ứng hàng hóa, các địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó tốt hơn và cũng có kế hoạch triển khai các chương trình bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương nhằm giúp thị trường hàng hóa thiết yếu ít có biến động bất thường.

Hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán giá cả

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương đang theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả toàn cầu và trong nước, tình hình lạm phát của các nước trên thế giới để có sự tham khảo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả và lạm phát của Việt Nam. Ngành công thương sẽ đánh giá, nhận định các mặt hàng nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt về tạm thời hay dài hạn tại thị trường trong nước để đưa ra những chính sách đối ứng phù hợp. Bên cạnh đó, chủ động chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.

Trên cơ sở dự báo giá cả thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề xuất thực hiện các biện pháp đàm phán nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác từ cấp cao với các nước có nguồn tài nguyên dồi dào. Trong đó, hỗ trợ DN ký các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào với giá cả ổn định, qua đó kiểm soát lạm phát, hạn chế ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu thế giới đến đời sống người dân và DN.

Bộ Công Thương sẽ chủ động thông tin kịp thời, chính xác về những chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương nhằm loại bỏ các thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

3,473.00

-29.00 (-0.83%)

Biểu đồ mã Steel
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại