‘Soi’ tài sản của ông chủ LV, Chanel và những tỷ phú giàu nhất ngành thời trang
Ngành thời trang đã tạo ra hàng loạt tỷ phú cho thế giới.
1. Bernard Arnault: 147 tỷ USD
Bernard Arnault là Chủ tịch và CEO của LVMH, hãng đồ hiệu xa xỉ lớn nhất thế giới. Dù tài sản đã giảm 31,5 tỷ USD so với đầu năm, ông vẫn là tỷ phú giàu thứ ba thế giới, chỉ sau Elon Musk và Jeff Bezos. LVMH là công ty mẹ của 75 thương hiệu bao gồm Louis Vuitton, Christian Dior, Sephora, Bulgari và cả thương hiệu trang sức Tiffany & Co. (Ảnh: Bloomberg)
2. Amancio Ortega: 52,9 tỷ USD
Amancio Ortega – ông chủ tập đoàn Inditex, công ty mẹ Zara là người giàu nhất Tây Ban Nha hiện nay. Ông cũng là tỷ phú sở hữu danh mục bất động sản lớn nhất trong giới siêu giàu châu Âu. Ortega thành lập Inditex cùng với vợ cũ Rosalia Mera vào năm 1975 và xây dựng nó thành một trong những hãng bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới với các thương hiệu Zara, Pull&Bear, Bershka, Massimo Dutti, Stradivarius... (Ảnh: Bloomberg)
3 và 4. Alain Wertheimer và Gerard Wertheimer: 45,2 tỷ USD/người
Gia đình Wertheimer thành lập Les Parfums Chanel vào năm 1924 để sản xuất và phân phối nước hoa No.5 nổi tiếng của Coco Chanel. Alain và Gerard sở hữu đế chế Chanel sau khi cha họ, ông Jacques, qua đời vào năm 1996.
Tài sản của anh em nhà Wertheimer đã tăng tổng cộng 24,6 tỷ USD tính từ đầu năm. Kết quả này có được nhờ chiến lược tăng giá hàng loạt các mặt hàng của Chanel, giúp lợi nhuận năm 2021 của hãng vượt qua mức trước đại dịch. Alain Wertheimer (73 tuổi) và Gerard Wertheimer (71 tuổi) sở hữu số cổ phần bằng nhau trong công ty. (Ảnh: Getty Images)
5. Phil Knight: 43,1 tỷ USD
Phil Knight, nhà đồng sáng lập Nike tốt nghiệp chuyên ngành báo chí năm 1959 nhưng sau đó nảy ra ý tưởng khởi nghiệp về giày thể thao khi theo học MBA tại Stanford. Đến tháng 6/2016, Knight từ chức Chủ tịch hội đồng quản trị Nike sau 52 năm làm việc miệt mài với thương hiệu này. (Ảnh: Bloomberg)
6. François Pinault: 38,6 tỷ USD
Gia đình tỷ phú François Pinault kiểm soát Tập đoàn Kering, đế chế thời trang xa xỉ với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Alexander McQueen, Yves Saint Laurent… Điều đáng chú ý là Francois Pinault và Bernard Arnault từng có một cuộc chiến tranh giành thương hiệu Gucci trong quá khứ kéo dài đến 2 năm rưỡi. The New York Times từng mô tả đây là cuộc chiến "dai dẳng nhất trong lịch sử doanh nghiệp" hay "cuộc chiến của những chiếc túi xách". (Ảnh: Reuters)
7. Tadashi Yanai: 31,9 tỷ USD
Yanai là người gây dựng và điều hành đế chế bán lẻ thời trang Fast Retailing – công ty mẹ của Uniqlo. Các thương hiệu khác của tập đoàn này bao gồm Theory, Helmut Lang, J Brand và GU. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8/2021, Fast Retailing đạt doanh thu 19,4 tỷ USD và lợi nhuận ròng 1,5 tỷ USD. Cuối năm 2019, Yanai tuyên bố rời hội đồng quản trị SoftBank sau 18 năm gắn bó. (Ảnh: Bloomberg)
8. Stefan Persson: 14,9 tỷ USD
Stefan Persson là con trai nhà sáng lập H&M Erling Persson. Ông Erling mở cửa hàng đầu tiên, Hennes, chuyên kinh doanh đồ cho phái nữ. Đến năm 1968, doanh nhân này mua lại công ty Mauritz Widforss và ra mắt thêm những bộ sưu tập thời trang dành cho nam giới, sau đó đổi tên chính thức thành "Hennes & Mauritz" (tiền thân của H&M ngày nay). Stefan hiện là tỷ phú giàu nhất Thụy Điển, nắm 36% của nhà bán lẻ thời trang này. Tháng 5/2020, Stefan Persson rời khỏi vị trí Chủ tịch H&M sau 22 năm ngồi “ghế nóng”. Hai con của ông là Karl-Johan Persson, Charlotte Soderstrom và em gái của ông Lottie Tham hiện cũng là tỷ phú. (Ảnh: Getty Images)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận