Sốc: Trạm cấp nước cho KĐT Thanh Hà chỉ cách nghĩa trang chưa đầy 500m
Mới đây, vụ việc mất nước sạch, nguồn nước không đảm bảo tại Khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội đã khiến cuộc sống của hàng nghìn người dân nơi đây bị đảo lộn. Đến tối ngày 19/10, nhiều gia đình vẫn khổ sở đi xách từng xô nước được cứu trợ đưa đến.
Trong văn bản gửi cư dân khu đô thị Thanh Hà ngày 14/10, Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà cho biết, đơn vị đã dừng khai thác nguồn nước ngầm tại trạm cấp nước này. Trạm cấp nước Thanh Hà được xây dựng tại khu đô thị Thanh Hà A, xã Cự Khê. Nguyên nhân của việc dừng cung cấp nguồn nước ngầm là từ đầu tháng 10, cư dân khu đô thị Thanh Hà phản ánh nước sinh hoạt của họ có màu sắc khác thường, mùi clo rất đậm và nồng. Nhiều trường hợp trẻ nhỏ sau khi sử dụng phải đến các cơ sở y tế điều trị mẩn ngứa, bong tróc da.
Cận cảnh Trạm cấp nước Thanh Hà:
Ông Dương Đình Trình, Phó giám đốc Công ty nước Thanh Hà, cho biết, trước đây do nguồn nước từ sông Đuống về yếu, có thời điểm không có nước về nên công ty phải tăng lưu lượng nước từ nguồn khai thác ngầm tại trạm cấp nước ngầm. Ảnh: Gia Khiêm
Ngày 10/10, Viện Công nghệ môi trường thông báo kết quả xét nghiệm do gửi dân gửi mẫu trước đó có hàm lượng amoni trong nước gấp 38 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng hàng chục lần.
Trước tình trạng thiếu nước, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết sẽ làm việc với đơn vị cấp nước về khả năng nâng sản lượng nước sạch về cho khu đô thị Thanh Hà. Nếu không làm được, UBND huyện Thanh Oai sẽ có văn bản cho khởi động lại trạm sản xuất nước ngầm trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đề xuất trên gặp phải phản ứng của cư dân Khu đô thị Thanh Hà bởi họ cho rằng điều này sẽ lặp lại tình trạng nguồn nước ô nhiễm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Trạm cấp nước ngay gần trạm trộn bê tông
Anh Lê Hiếu, ở chung cư HH02A cho biết, anh khá bất ngờ khi tình cờ xem được video với thông tin Trạm cấp nước Thanh Hà cách nghĩa trang và trạm trộn bê tông không xa. Sau đó, anh Hiếu đã trực tiếp đi thực địa và đo đạc trên bản đồ thì Trạm cấp nước chỉ cách hồ nước cạnh nghĩa trang 391m, cách trung tâm nghĩa trang 499m.
Cũng như anh Hiếu, chị Thái Kim Anh, một người dân sống tại Khu đô thị Thanh Hà và nhiều người dân cũng khá ngỡ ngàng trước thông tin này.
Mương nước ngay gần khu vực trạm cấp nước cũng bị ô nhiễm
"Chúng tôi cần nguồn nước sạch, đảm bảo chứ không phải bỏ tiền để sử dụng nguồn nước không sạch, hàm lượng amoni vượt nhiều lần cho phép như vậy. Là người dân chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng để có nước sạch", chị Kim Anh nói.
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, khoảng cách từ Trạm cấp nước sạch Thanh Hà và nghĩa trang cũng như trạm trộn bê tông cách đó không xa. Trước vấn đề này, PV Dân Việt đã nhiều lần liên hệ với ông Dương Đình Trình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà nhưng chưa nhận được phản hồi.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu, gần như toàn bộ nước ngầm khu vực các quận, huyện phía nam Hà Nội như quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Thanh Oai đều bị ô nhiễm amoni, có nơi hàm lượng amoni vượt nhiều lần cho phép.
Mất nước khiến cuộc sống hàng nghìn hộ dân bị đảo lộn
"Do quá trình khai thác nước ngầm hàng trăm năm qua, người dân sau khi khai thác không áp dụng các quy trình chôn, lấp giếng dẫn đến tình trạng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Trong khi đó, địa hình Hà Nội thấp dần với vùng trũng là các địa phương phía nam, biến đây thành khu vực ô nhiễm nhất. Do vậy, định hướng của thành phố là xây dựng hàng loạt các nhà máy nước mặt lớn và tiến tới hoàn toàn loại bỏ việc khai thác nước ngầm. Phần vì ô nhiễm, phần vì gây sụt lún đất", ông Điệp chia sẻ.
Người dân hứng từng bình nước sạch
Đối với trường hợp cụ thể tại trạm cấp nước Thanh Hà, lãnh đạo Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng theo quy định tại thông tư 01/2021 của Bộ Xây dựng, khoảng cách tối thiểu từ khu huyệt mộ nghĩa trang hung táng tới điểm lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của đô thị, điểm dân cư nông thôn tập trung là 1.500m. Điều này áp dụng trong điều kiện lý tưởng, tức là khu vực chôn cất phải có hệ thống thu gom nước thấm huyệt mộ, nước mưa chảy tràn để xử lý, không được thấm trực tiếp vào nước ngầm hoặc chảy tràn vào hệ thống mặt nước bên ngoài nghĩa trang.
Về việc xử lý nguồn nước, vị này cho hay bất kỳ nguồn nước nào cũng có thể xử lý sạch. Tuy nhiên, cần nghiên cứu cụ thể mức độ ô nhiễm để có thể áp dụng những công nghệ phù hợp. Nếu nước quá ô nhiễm mà công nghệ xử lý không đủ có thể dẫn đến nước không đảm bảo.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, hiện nay trong quy hoạch chuyên ngành đã xác định rất rõ các đường ống cấp nước của từng phân khu tại Hà Nội.
Đối với những khu vực phát triển đô thị mới, sau khi xây dựng xong hệ thống cấp nước nội bộ, chủ đầu tư phải kết nối với mạng lưới đường ống chung. Tuy nhiên, việc kết nối ở vị trí nào và kết nối ra sao, phải được sự đồng ý và hướng dẫn của cơ quan quản lý, không thể đấu nối tùy tiện.
Ông Nghiêm nhấn mạnh, việc này là trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý. Việc này cần hoàn thành trước khi đưa cư dân về sinh sống. Sự chậm trễ trong phối hợp đã dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt như thời gian vừa qua là bài học cho việc kiểm soát phát triển các khu đô thị mới.
Ngoài ra, ông Đào Ngọc Nghiêm cũng nêu những nguyên nhân khác gây thiếu hụt trong cấp nước sinh hoạt cho người dân Hà Nội. Đáng chú ý, một số nhà máy nước đầu nguồn của thành phố đang thi công chậm so với kế hoạch như nhà máy nước mặt sông Hồng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu khiến nguồn nước suy giảm và các con sông thay đổi dòng chảy đã gây khó khăn cho việc khai thác nước mặt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận