Số phận ‘đất vàng’ nhà máy Rạng Đông ra sao sau vụ cháy kinh hoàng?
Sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông tại 87 - 89 Hạ Đình (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) dư luận đặc biệt quan tâm đến giá trị cũng như mục đích sử dụng với lô “đất vàng” 5,7 ha do Công ty Rạng Đông đang sở hữu. Nhiều ý kiến lo ngại, một dự án chung cư cao tầng sẽ “mọc” lên trên khu đất này, gây áp lực lên hạ tầng xung quanh.
Lo cao ốc "mọc" lên trên đất vàng Rạng Đông
Sau hơn 10 ngày xảy ra vụ cháy kinh hoàng tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), bên cạnh việc xác định mức độ gây nguy hại của độc tố thủy ngân, biện pháp khắc phục, xử lý hậu quả vụ cháy thì giá trị cũng như mục đích sử dụng với lô “đất vàng” 5,7ha tại địa chỉ 87 - 89 Hạ Đình (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần chuyển khu vực nhà máy đi nơi khác để tránh những sự cố, hậu quả đáng tiếc nhưng lo ngại sau khi nhà máy di dời rất có thể khu đất này cao ốc sẽ “mọc” lên gây áp lực, quá tải hạ tầng xung quanh.
Được biết, lô đất 5,7ha này nằm trong “thủ phủ công nghiệp” một thời của Hà Nội từ lâu được đánh giá là đất vàng, khi nằm ở một trong những khu vực phát triển nóng bất động sản thời gian qua.
“Thủ phủ công nghiệp" một thời của Hà Nội với một loạt nhà máy nổi tiếng như: Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long, Cơ khí Hà Nội, Bóng đèn Phích nước Rạng Đông… được đô thị hóa nhanh chóng. Phần lớn các nhà máy khu vực này đã được di dời, biến thành các khu đô thị.
Theo đó, Nhà máy cơ khí Hà Nội nay đã được xây dựng thành khu đô thị Royal City, Nhà máy xe đạp Thống Nhất được thay thế bằng dự án Thống Nhất Complex, Khu nhà ở 90 Nguyễn Tuân trước kia là Xí nghiệp xe bus 10/10. Dự án TNR Goldseason rộng 2,2 ha trước kia là xí nghiệp Dệt Mùa Đông…
Mỗi căn hộ tại những khu vực này đang được bán với giá thấp nhất cũng hơn 30 triệu đồng/m2, nhiều lô liền kề, biệt thự có giá bán hơn 200 triệu đồng/m2.
"Việc các nhà máy sau di dời biến thành các khu đô thị, chung cư cao tầng với hàng vạn hộ dân về ở trong thời gian qua khiến hạ tầng khu vực trở lên quá tải, ngột ngạt, giao thông thường xuyên ùn tắc. Nếu nhà máy Rạng Đông di dời thay vào đó cao ốc mọc lên thì hạ tầng sẽ càng trở lên quá tải", một cư dân sống gần nhà máy Rạng Đông lo ngại.
Theo tìm hiểu của PV, nhà máy Rạng Đông tại 87 - 89 Hạ Đình nằm trong lộ trình di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành TP Hà Nội đến năm 2020. Chính Công ty Rạng Đông cũng có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất vàng Hạ Đình rộng 5,7 ha này.
Tháng 9/2018, Công ty Rạng Đông thông báo xin ý kiến cổ đông bằng văn bản bổ sung ngành nghề kinh doanh. Doanh nghiệp này muốn bổ sung hoạt động kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê và tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.
Trong danh sách ngành nghề kinh doanh của Rạng Đông được ghi trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp trước thời điểm bị cháy nhà máy Hạ Đình, ngành nghề kinh doanh bất động sản đã được bổ sung.
Theo bản đồ qui hoạch 1/2000, khu đất nhà máy Rạng Đông ở Hạ Đình được quy hoạch là đất trường học, đất công cộng.
Lãnh đạo Công ty Rạng Đông đã từng chia sẻ với báo chí rằng, mục đích của việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động là bước đệm để quy hoạch khu đất vàng 87 - 89 Hạ Đình làm văn phòng, tòa nhà làm việc hỗn hợp. Như vậy, lo ngại của người dân về việc khu đất vàng 87 - 89 Hạ Đình sau khi Rạng Đông di dời nhà máy cao ốc sẽ "mọc" lên là có cơ sở.
Tuy nhiên, theo qui hoạch 1/2000 của TP Hà Nội về phân khu H2-3, khu đất 5,7 ha của Rạng Đông được qui hoạch là đất công cộng, trường học và một phần chưa xác định.
Trong khi đó, báo cáo hồi tháng 5/2018 của Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết Rạng Đông đã nhận được sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất và có quyền tự do chuyển đổi mục đích khu đất này.
Theo BSC, giá trị khu đất hiện không được hạch toán như một tài sản của Rạng Đông. Nếu chuyển nhượng khu đất, Rạng Đông có thể thu được lãi.
Một lựa chọn khác là Rạng Đông hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp bất động sản khác để phát triển dự án, như cách Công ty cơ khí Hà Nội, Cao su Sao Vàng, Dệt kim Đông Xuân… thực hiện.
Liên quan đến vụ cháy nhà máy Rạng Đông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan trực tiếp chỉ đạo, tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lý hậu quả vụ cháy ở Công ty Rạng Đông.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư theo kế hoạch đã được chỉ đạo.
Rạng Đông sở hữu cả chục bất động sản Được biết, ngoài khu đất rộng 5,7 ha đang sở hữu tại phố Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, Công ty Rạng Đông còn sở hữu cả chục bất động sản khác trên khắp cả nước. Theo báo cáo tài chính hợp nhất cuối năm 2018 của Rạng Đông, ngoài khu đất đang được làm trụ sở chính tại 87 - 89 Hạ Đình, Công ty này còn đang sở hữu 9 bất động sản khác trị giá nhiều tỉ đồng. Cụ thể, giá trị quyền sử dụng đất tại Nhà máy Bắc Ninh với thời gian 50 năm, theo ước tính, lô đất này giá trị khoảng 4,8 tỉ đồng; khu đất trị giá 19,4 tỉ đồng với thời gian 38 năm tại Khu Công nghiệp Quế Võ - Bắc Ninh và quyền sử dụng đất vĩnh viễn tại 7 khu đất ở 6 tỉnh thành là Biên Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Tiền Giang và TP.HCM |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận